Hơn 70 đầu xe phơi mưa "phơi nắng"
Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thọ Lam có địa chỉ tại xóm 4, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Từ xuất phát điểm là những chiếc xe khách vận tại liên tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An, bằng sự chịu khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm, Công ty CP vận tải Thọ Lam đã đầu tư thêm các xe chạy các tuyến Sài Gòn, Hà Nội.
Trên 70 đầu xe của Công ty CP vận tải hành khách Thọ Lam phải ngừng hoạt động hơn 5 tháng nay. |
Trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là trong 5 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên toàn quốc, cũng như những đơn vị vận tải khác, Công ty CP vận tải hành khách Thọ Lam đã gặp rất nhiều khó khăn. Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2021, trên 70 đầu xe của công ty đã nằm "phơi mưa, phơi nắng" khiến cho doanh nghiệp đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.
Ngày 19/5 vừa qua, Công ty CP vận tải hành khách Thọ Lam có thông báo về việc tạm ngừng khai thác kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt tuyến số 09 (Hương Sơn - Vũ Quang - Đại học Hà Tĩnh và tuyến số 15 (Đức Thọ - TP Vinh và ngược lại).
Do ảnh hưởng dịch bệnh, xe hoạt động không có hành khách nên Công ty CP vận tải hành khách Thọ Lam phải xin tạm ngừng 2 tuyến xe buýt cố định. |
Đến ngày 27/5, Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh có văn bản số 1647 về việc đồng ý cho Công ty CP vận tải hành khách Thọ Lam được tạm ngừng khai thác 2 tuyến trên kể từ ngày 1/6/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc công ty cho biết, do tình hình COVID-19 nên số lượng người sử dụng dịch vụ công cộng giảm nhiều. Trung bình mỗi chuyến xe chỉ khoảng 8 - 10 người, có chuyến chỉ vài hành khách, không đủ chi phí để duy trì hoạt động.
Cũng theo ông Thọ, mỗi ngày một chiếc xe buýt phải bỏ ra chi phí xăng dầu, nhân công... là khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng, chưa tính các khoản chi phí khác như sửa chữa, hao mòn...
"Số lượng hành khách giảm sút nghiêm trọng trong khi các chi phí khác như xăng dầu lại tăng cao. Do liên tục thua lỗ nên chúng tôi đã có thông báo gửi Sở Giao thông Vận tải xin tạm ngưng khai thác 2 tuyến xe buýt và được Sở đồng ý", ông Thọ cho hay.
Ngoài tạm ngừng 2 tuyến xe buýt số 09 và 15, Công ty CP vận tải hành khách Thọ Lam còn tạm ngừng chạy các tuyến cố định như Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh - Hà Nội cho đến khi có thông báo mới.
Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Công ty CP Vận tải hành khách Thọ Lam hết sức băn khoăn trước việc dừng hoạt động sẽ kéo theo nợ ngân hàng và đóng BHXH cho người lao động. |
"Là doanh nghiệp vận tải, chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp nhất do dịch bệnh. Tiền lãi ngân hàng, tiềnBHXH của người lao động thì doanh nghiệp phải đóng. Nhưng hơn 5 tháng qua, doanh nghiệp không có khoản thu. Chúng tôi cũng chỉ mong tỉnh sớm có biện pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn", ông Lê Đức Thọ trăn trở.
Ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho biết: "Đợt dịch vừa qua ngành vận tải là ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Bước đầu chúng tôi đã thực hiện tốt các chủ trương và định hướng của Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ các doanh nghiệp. Riêng tỉnh Hà Tĩnh thì Sở Giao thông Vận tải đã trình với UBND tỉnh để khắc phục hỗ trợ những chính sách phù hợp để vực dậy doanh nghiệp vận tải. Trước mắt khi Chính phủ cho khai thác tuyến và lộ trình các tuyến thì doanh nghiệp bắt đầu khai thác trở lại và phải đảm bảo công tác phòng chống dịch".
Mỗi tháng bỏ hơn 30 triệu tiền thuê bãi đỗ xe
Ngoài Công ty CP vận tải hành khách Thọ Lam, trên địa bàn huyện Hương Sơn cón có nhiều doanh nghiệp vận tải khác cùng lâm vào cảnh "dở khóc dở cười". Hiện có nhiều doanh nghiệp đang mất người lao động vì nhiều tháng không có việc làm.
Công ty CP vận tải hành khách Trường Vịnh có địa chỉ tại khối 3, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn hiện có 5 đầu xe chạy tuyến Hương Sơn (Hà Tĩnh) đi Hà Nội với 62 cán bộ, nhân viên.
Kể từ thời điểm dịch bùng phát và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, công ty đã dừng hoạt động; hầu hết lái xe, phụ xe, nhân viên văn phòng phải đối mặt với việc nghỉ không lương và tìm tòi các công việc khác để mưu cầu cuộc sống.
Trong khi đó, mỗi tháng, công ty vẫn phải chi trên 30 triệu đồng cho việc gửi xe ở sân bãi.
Theo tìm hiểu được biết, Công ty CP vận tải hành khách Trường Vịnh còn "may mắn" hơn nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn là còn thuê được mặt bằng, nhà xưởng để đỗ ô tô để tránh mưa tránh nắng. Hiện trên địa bàn huyện Hương Sơn còn có hơn 10 nhà xe đang phải "phơi nắng" những công cụ mưu sinh của doanh nghiệp.
May mắn hơn nhiều doanh nghiệp vận tải khác, Công ty CP vận tải hành khách Trường Vịnh còn thuê được gara để bảo quản tài sản trong nhiều tháng liền. |
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc công ty cho hay: "Mong muốn lớn nhất là dịch bệnh giảm để công ty được hoạt động trở lại, tạo công ăn, việc làm cho nhân viên và nếu có cũng mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Về phần công ty, chúng tôi cũng đang bằng mọi cách khắc phục khó khăn cùng với các cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh theo đúng tinh thần của Chính phủ".
Một đại diện doanh nghiệp chia sẻ: "Khó khăn chồng chất khó khăn. Dịch bệnh ngày càng được kiểm soát. Chúng tôi cũng chỉ mong được hoạt động để trả lãi ngân hàng và có công ăn việc làm cho người lao động".
Theo ông Phan Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hương Sơn, trong đợt dịch lần này, toàn bộ hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều ảnh hưởng chung. Nhưng các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng trực tiếp nặng nề nhất.
Các doanh nghiệp vận tải khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như nhà xe Mận Vũ ở TX Kỳ Anh, nhà xe Quyết Thắng ở huyện Hương Khê.... đều phải ngừng khai thác để thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: "Tỉnh Hà Tĩnh đang rất nỗ lực thực hiện các chính sách của Chính phủ đề ra để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn cũng đang tìm hướng tháo gỡ khó khăn giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất".
Tác giả: Hồ Thắng - Quốc Hoàn
Nguồn tin: ANTT/NĐT