Kinh tế

‘Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc'

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc.

Chuẩn bị chu kỳ tài chính thắt chặt

Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp nên thực hiện trong năm nay để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200.000 tỷ đồng.

Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200.000 tỷ đồng.


Kết thúc năm 2024, dự kiến chính sách tài khoá mở rộng kết thúc và mở ra chu kỳ mới. Thời gian tới, theo Bộ trưởng Phớc, cơ quan chức năng nên thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, dừng chính sách miễn, giảm thuế phí, tăng cường năng lực cho tài chính công, tập trung tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có tác dụng lan tỏa, như đầu tư các bến cảng, sân bay.

“Tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Một trong những nguyên nhân của thực tế này do khó khăn, ách tắc chính sách”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.

Về lâu dài, theo Bộ trưởng, cần các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó có nguồn thu cho Ngân sách nhà nước.

Niềm tin kinh doanh đã trở lại

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khẳng định niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã trở lại nhưng khó khăn vẫn chưa kết thúc.n Nững tháng tới Chính phủ vẫn cần duy trì quyết liệt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp do họ thực sự bị bào mòn.

Doanh nghiệp chưa dứt khó khăn.


“Nếu không được vun đắp, sức lực của họ sẽ cạn kiệt. Nhưng sự hỗ trợ này phải tạo sự lan tỏa từ Chính phủ đến bộ ngành, cấp cơ sở. Chúng ta phải có chính quyền hành động, chính quyền kiến tạo, chứ không dừng ở chính phủ hành động, kiến tạo. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng các chính sách càng giảm thiểu các quy trình, thủ tục thì càng hiệu quả”, bà Thuỷ nói.

Cũng theo bà Thuỷ, khi vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới. Đã đến lúc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, từ dựa trên thâm dụng tài nguyên, nguồn lực sang dựa trên hiệu quả, sáng tạo với các xu hướng xanh và số. Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ.

Tại điểm này, bà Thuỷ cho rằng Chính phủ rất cần có sự quan tâm đặc biệt đến các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào các quá trình chuyển đổi trong bối cảnh nhận thức, năng lực, nguồn lực chuyển đổi đều còn rất hạn chế.

“Tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay vẫn phải “khoan thư sức dân”, trong đó, tạo dòng tiền, giảm, giãn thuế phí là các ưu tiên ngắn hạn còn về trung và dài hạn thì cần phát triển các doanh nghiệp dân tộc, tận dụng các cơ hội từ vị thế mới của đất nước”, bà Thuỷ nói.

Tác giả: Kỳ Thư

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP