Trong nước

Doanh nghiệp lo ngại chi phí "gầm bàn" vẫn phổ biến

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (17-5) đã lắng nghe ý kiến của nhiều doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng điều hành phiên họp.

Doanh nghiệp kỳ vọng đột phá ở công tác cán bộ

Vẫn phải "đi đêm, bôi trơn"

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (17-5), ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thẳng thắn cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tháo gỡ nhiều rào cản cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là gánh nặng chi phí, gồm cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, chi phí chính thức đã giảm, ghi nhận ở lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, tạo bước tiến trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật, thuế phí còn cao trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Thủ tục hành chính phức tạp làm gia tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Chi phí không chính thức cũng có xu hướng giảm ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, từ 28% năm 2015 xuống 18,6% năm 2016. Tuy nhiên, chi phí xin cấp chứng chỉ hành nghề, tiếp cận vốn ngân hàng, chi phí kiểm tra, an toàn thực phẩm... chưa được cải thiện do một bộ phận công chức còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm.

"Doanh nghiệp không thực hiện được yêu cầu của công chức nên phải "đi đêm, bôi trơn". Tình trạng này diễn ra rất phổ biến. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn đẩy lùi, doanh nghiệp không biết đường nào đi, dễ mòn mỏi, chán chường. Tình trạng này cũng bóp méo tư tưởng cạnh tranh lành mạnh, phân bổ nguồn lực đất nước hợp lý, làm hỏng bộ máy quản lý, giảm niềm tin của nhân dân"- ông Nguyễn Văn Thân nói.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành địa phương cần có giải pháp có khen thưởng và kỷ luật rõ ràng với công chức, viên chức, nâng cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp.

Muốn được pháp luật bảo vệ

Theo Lê Văn Kiểm- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Sân golf Long Thành, hiện nay doanh nghiệp này đang liên kết kinh doanh với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông. Nhưng do tỷ giá luôn thay đổi, thời gian đầu tư những dự án này lại dài nên doanh nghiệp kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần ổn định tỷ giá. "Trong trường hợp tỷ giá biến động thì cho doanh nghiệp kéo dài thời gian thu phí để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn vốn, trả nợ và có lãi"- ông Lê Văn Kiểm kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp cần dám nghĩ, dám làm, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn BRG kiến nghị: "Cần thực hiện chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế để doanh nghiệp sẵn sàng dấn thân, có cách thức làm mới. Có như vậy, doanh nghiệp cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng, dám nghĩ, dám làm, khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiên phong và lĩnh vực được cho là rủi ro cao".

Trong bối cảnh chăn nuôi đang gặp khó khăn, ông Phạm Văn Sơn- đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất văcxin, chế phẩm sinh học phục vụ ngành chăn nuôi đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho chủ kinh doanh, trang trại.

Đồng thời, các bộ ngành cần phối hợp để tìm đầu ra cho sản phẩm, thông qua xuất khẩu, huy động các doanh nghiệp lớn trong nước thu mua, chế biến thức ăn nhanh đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu.

Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là những kiến nghị cấp bách, thẳng thắn và cần được quan tâm, giải quyết.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP