Văn hoá Dân gian

Di sản hát Ca trù: “Bảo vệ khẩn cấp” ở đâu ?

Nhìn vào số lượng giải thưởng, tặng thưởng, kỷ niệm chương… đã được trao cho các đơn vị, cá nhân tham dự Liên hoan ca trù toàn quốc 2011, nhiều người nghĩ rằng, hẳn Ban tổ chức muốn khuyến khích động viên những người làm nghề trong điều kiện khó khăn với nỗ lực tự thân là chính…

Nguy cơ “loạn đào nương, kép đàn”

Không phải là thành viên Ban giám khảo, nhưng nghệ nhân đàn đáy kỳ cựu Nguyễn Phú Đẹ ngồi xem hết các câu lạc bộ diễn mấy ngày Liên hoan. Đến ngày thứ ba thì cụ không chịu nổi, bỏ về nhà nằm. Di sản mà cả một đời cụ tâm huyết giữ gìn, truyền dạy và mong mỏi, sau hai năm được công nhận là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, thấy người hát nhiều hơn mà cụ chẳng vui.


Còn nghệ sĩ Bạch Vân không ít lần bức xúc vò đầu bứt tóc. Chị gần như không chịu đựng nổi khi một số câu lạc bộ mới thành lập biểu diễn các tiết mục được gọi là ca trù, nhưng sai lệch nghiêm trọng cả về quy cách, giai điệu, kể trang phục biểu diễn.


Gọi là ca nương, nhưng có người hát thì thôi gõ phách, hoặc gõ nhịp một liên hồi chẳng ăn nhập gì lời hát, khiến những người làm nghề lắc đầu ngao ngán. Không hiếm tại liên hoan này, những người được gọi là ca nương, đăng ký biểu diễn hai, ba tiết mục, nhưng hỏi ra thì mới biết, họ chỉ mới học ca trù vài tháng trước khi đi thi, qua băng đĩa là chính. Có người thật thà bảo, chỉ mới tập một tuần, trước đó chưa từng biết hát ca trù là gì!


Có người, gọi là kép đàn, nhưng không hiểu biết thật sự về cây đàn đáy. Cá biệt, có người chỉ biết đánh có ba nốt đồ rê mi. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhận xét: “Có một số kép đàn không học quy cách đàn ca trù. Đàn có năm khổ, mỗi khổ chơi ra sao, nhấn nhá thế nào chưa biết. Có người còn không biết lên dây đàn nên khi đàn có âm hưởng Tây hoá”.


GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo thẳng thắn: “Có một vài nhóm chưa thực sự hiểu ca trù là gì, mặc dầu rất nhiệt tình nên trình ra một chương trình khó có thể xếp vào ca trù. Chúng ta nên thành thực khuyên các nhóm này “tầm sư học đạo” một cách nghiêm túc để khỏi lãng phí sức người, sức của”.


Nhiệt tình với ca trù, thành lập câu lạc bộ, đua nhau đàn hát, đi biểu diễn, nhưng không có thầy dạy chân truyền, không có người hội đủ tố chất của đào nương kép đàn, thì sự nhiệt tình ấy trở nên nguy hại. Đối với những người làm nghề tâm huyết lâu năm với mong mỏi từng bước vực dậy ca trù, thì những hiểu biết cơ bản và chuẩn mực nghề nghiệp luôn được đặt ra hết sức khắt khe. Họ sẽ không thể nào chấp nhận được những lai tạp, sai lệch đến dị dạng..


Con số 500 người biết đàn hát ca trù mà cuộc kiểm kê tổng thể di sản trong toàn quốc do Viện Âm nhạc và Cục Di sản đưa ra, tưởng là đáng mừng, qua liên hoan này lại đâm ra lo ngại.


Đầu tư bảo tồn ở đâu?


Sự lãng phí sức người, sức của mà GS.TSKH Tô Ngọc Thanh muốn nhỏ nhẹ nhắc nhở theo kiểu “trong nhà đóng cửa bảo nhau” ấy, thực chất, không phải chỉ xuất phát từ nhận thức không đầy đủ và thiếu sự hiểu biết nghiêm túc từ những người làm nghề quá nhiệt tình.


Sự lãng phí ấy còn bắt đầu từ nhận thức của những người quản lý văn hóa, từ những động viên khuyến khích không đúng chỗ. Trong khi đó, nhiều cá nhân, đơn vị thực sự tâm huyết, nỗ lực hết sức với ca trù mặc dù vấp phải vô vàn khó khăn thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức.


Thực tế, qua liên hoan này, có thể thấy những tín hiệu đáng mừng. Sự đa dạng của phong cách ca trù các địa phương được thể hiện rõ, như các CLB ca trù Diễn Châu (Nghệ An), Cổ Đạm (Hà Tĩnh), Quảng Bình lần đầu mang đến những làn điệu đậm chất miền Trung mà họ vừa khôi phục. Một số hạt nhân từ các địa phương có truyền thống ca trù như Lỗ Khê, Cổ Đạm, Hà Nội ngày một vững vàng, điêu luyện hơn.


Trường hợp em bé Nguyễn Thị Thu Hà, 9 tuổi ở Cổ Đạm là một điểm sáng mới cần được quan tâm đầu tư bài bản. Tuổi nhỏ, giọng hát hay, dung ngôn tươi mới, lần đầu hát tại Liên hoan đúng bài bản, quy cách, đã khiến nhiều người mừng rơi nước mắt. Khá yên tâm vì em được học ca trù ở một nơi có bề dày 700 năm di sản và được hướng dẫn bởi những ca nương, kép đàn vừa có nghề vừa tâm huyết.


Nhưng, chị Dương Thị Xanh – người phát hiện và truyền dạy Thu Hà cho biết, em đi học ca trù hoàn toàn do gia đình tự nguyện, chưa hề có khoản kinh phí gì. CLB Ca trù Cổ Đạm mà chị làm chủ nhiệm, kể từ khi ca trù được công nhận là Di sản cần bảo vệ khẩn cấp đến nay, vẫn chưa hề nhận được một nguồn kinh phí nào từ cơ quan nhà nước. Nhân dân địa phương bao năm nay vẫn tự bỏ tiền túi để sinh hoạt, truyền dạy, tìm kiếm người học và chăm lo cho các nghệ nhân cao tuổi


Chung quy lại, qua liên hoan này, các nhà chuyên môn đánh giá, ca trù cũng chỉ mới có thế, quanh quẩn mấy địa phương có truyền thống lâu đời, những câu lạc bộ ca trù cổ vốn vẫn là trầm tích trong nhân dân, chưa phát triển được là bao. Vậy nhưng, những “trọng điểm” ca trù đó, lại chưa được chú trọng đầu tư chiều sâu.


Sau hai năm được vinh danh vào di sản cần bảo vệ khẩn cấp, số ca nương, kép đàn cũ còn có thể hát được, đàn được đang ngày một tàn lụi. Tại Liên hoan lần này, nhiều cụ bà đã không còn hát được nữa. Còn dăm cụ tuổi cao sức yếu, cố gắng theo ca trù, nhưng họ vẫn chưa được nhận được một cái gì cụ thể thể hiện sự đãi ngộ và trọng dụng. Mọi nỗ lực truyền dạy, biểu diễn vẫn chỉ là tự phát của cá nhân hoặc của câu lạc bộ do một vài người tâm huyết đứng ra, xoay xoả chật vật để giữ nghề.


Nếu chú trọng về lượng, mà ít quan tâm về chất, không đầu tư kịp thời để bảo tồn, truyền dạy những bài bản, thể cách, lề lối ca trù thì nguy cơ loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp bậc cao thành một thứ ca múa nhạc văn nghệ quần chúng là điều có thể nhìn thấy.


*Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 đã bế mạc tối qua 16-10, với 5 giải trao cho các chương trình trong không gian hát cửa đình, 3 giải cho lối hát cửa quyền, 4 giải cho lối hát thi, 6 giải cho lối hát chơi, hai giải cho lối hát thờ tổ nghề. Tám đơn vị được tặng thưởng tiét mục tiêu biểu, bốn đào nương nhận giải giọng hát hay, hai kép đàn nhận giải ngón đàn giỏi, 2 giải triển vọng cho ca nương, kép đàn trẻ, 2 giải tôn vinh cho ca nương, kép đàn cao tuổi, 8 giải khuyến khích cho các đào nương và 8 giải khuyến khích cho các kép đàn.



HỒNG MINH

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP