Cột cổng di tích Đền thờ Trần Phúc Hoàn.
Về sự nghiệp Trần Phúc Hoàn có thể thấy ba mặt quan trọng sau đây: Một là về chính trị đã có công phủ dụ một địa bàn hành chính rất rộng lớn ở miền núi có nhiều bộ tộc khác nhau quy một mối về triều đình nhà Lê. Thành tích nổi bật thứ hai là khai thông, nâng cấp con đường Trìm – Trẹo từ chỗ là đường mòn trong rừng rậm, trở thành một đường giao thông quân sự và kinh tế giữa Việt Nam và Lào thời Trung đại. Triều đình Thăng Long biết công của Trần Phúc Hoàn nên đã phong tặng ông từ tước Vinh Cương Hầu lên hàng Vinh Quận Công, dân địa phương quen gọi ngài là “Đức Hầu Quận”. Sau khi mất, ông được phong làm Phúc thần, được nhân dân lập đền thờ.
Chùa Bảo Lâm là do Quận công Trần Phúc Hoàn bỏ công của xây dựng ngay tại Đồn Quy Hợp cũ, nay thuộc xóm Vĩnh Đại, xã Hương Vĩnh vì thế dân gian thường gọi là Chùa Vĩnh Đại. Chùa được xây dựng khoảng từ năm 1695 – 1708 thì hoàn thành. Theo bia chùa cả nhà ông Trần Phúc Hoàn đã quy y phật giáo, gia đình ông cúng cho chùa nhiều ruộng vườn, tiền bạc. Theo gương ông, có nhiều người cúng ruộng và tiền, ghi ở mặt sau bia, nhưng chữ đã mờ hết. (1)
Chùa trước kia rất nguy nga, có vườn rộng, qua trùng tu thì cái còn lại hiện nay là một ngôi chùa gọn đẹp, nền gạch, lợp ngoái, có bái đường, có thượng điện nghiêm chỉnh. Phần giá trị nhất của chùa hiện vẫn còn khá đầy đủ các tượng Phật: có tượng Tam Thế, tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Thích Ca và nhiều tượng Bồ tát cùng với Tiên đồng, Ngọc nữ. Các pho tượng có kích thước trung bình nhưng chạm khắc đẹp, đều sơn son thiếp vàng. Chùa trước kia có chuông đồng khá lớn, nhưng chuông đã mất, chỉ còn bài minh được người ta ghi lại trên một biển gỗ treo trong nhà bái đường.
Trong chùa, phía bên phải thượng điện còn có tượng của vợ chồng Trần Phúc Hoàn đặt trong một khám riêng, Nhiều văn bản trong hòm “Tư liệu Quy Hợp” (2) cho biết nhiều chi tiết về ngôi chùa Bảo Lâm. Chùa có nhiều ruộng vườn, nhiều lộc nên có sư có tiểu, có sãi và nhất là có thầy cũng, thầy làm chay. Đây là một ngôi chùa vào loại bề thế, hoàn chỉnh nhất huyện Hương Khê thời trước. Con cháu họ Trần được làng xã phân công bảo thủ chùa và đền Hầu Quận, chùa đền hư hỏng thì phải lo tu bổ, cho nên người họ Trần được trừ suất sưu và lính.
Chùa Bảo Lâm là nơi hành hương lễ Phật của cư dân nhiều xã lân cận. Trải qua nhiều biến động xã hội, ngôi chùa vẫn được nhân dân bảo vệ gần như nguyên vẹn.
Tác giả bài viết: Phúc Anh