Trong nước

Đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2015 lên 2,1-3 triệu đồng

Mức tăng lương tối thiểu tại doanh nghiệp trong năm 2015 mà VCCI đề xuất sẽ là 10-12%, so với mức lương tối thiểu hiện nay 1,9-2,7 triệu đồng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Phùng Quang Huy, Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mức đề xuất này căn cứ vào cách tính lấy chỉ số GDP, tỷ lệ lạm phát và căn cứ vào mức thu nhập bình quân, sinh hoạt phí trung bình của người lao động.

– Đến thời điểm này đã có những tham vấn gì từ các hiệp hội hay VCCI về phương án tăng lương tối thiểu mà đại diện giới chủ sẽ đề xuất trong năm nay chưa, thưa ông?

– Về lý thuyết, có nhiều phương pháp luận và mỗi bên phải sử dụng nhiều phương án để tính. Tính xong sẽ đem ra thảo luận, thương lượng trong Hội đồng Tiền lương quốc gia và Chính phủ sẽ quyết định cuối cùng. Muốn vậy, các bên phải có số liệu chuẩn xác, thuyết phục được về mặt khoa học và cả thực tiễn.

Chúng tôi đang làm từ dưới đi lên. Lấy số liệu của các hiệp hội doanh nghiệp, các tỉnh, các vùng sau đó sẽ tổng hợp. Cách làm của giới chủ sẽ dựa trên các phương pháp: khảo sát của VCCI và các hiệp hội. Số liệu khảo sát được lấy từ ba vùng. Ngoài ra còn có đánh giá dựa trên thực trạng của nền kinh tế và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Thông thường số liệu được lấy từ tình hình lạm phát và tăng trưởng GDP. Tức GDP tăng 1% tương đương với tiền lương tăng 0,9. Như vậy khi năm tới GDP tăng 5% thì tiền lương sẽ tăng khoảng 4,5%, cộng với chỉ số lạm phát. Cách tạm tính hiện nay là như vậy, tuy nhiên còn phải xem xét khả năng chi trả, tính toán từ bên sử dụng lao động.

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam: Cần xem xét bức tranh rộng lớn, cân nhắc giữa lợi và hại để đưa ra mức đề xuất hợp lý nhất. Chúng ta chỉ muốn nói tới lương tối thiểu, chỉ tính toán chỉ số mặt kinh tế mà bỏ qua các yếu tố như bảo hiểm xã hội, rồi việc dạy và học nghề hay như an toàn vệ sinh lao động. Doanh nghiệp sẽ phải mất tiền để chi trả cho những chi phí này nhưng ngược lại họ cũng có lợi bởi đây là những cái có thể nâng cao năng suất lao động.

– Ông đánh giá thế nào về khả năng chi trả của các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay khi mà phục hồi kinh tế chưa thực sự rõ nét?– Với bối cảnh hiện nay, VCCI thấy các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Bước đầu đang tiếp tục tính toán và thương lượng. Nhưng hiện có một số ý kiến cho rằng xem xét không tăng lương tối thiểu trong năm 2015.

Việc này phải thống nhất trong Hội đồng Tiền lương quốc gia để Hội đồng phải quyết định và có tiếng nói phù hợp trước cộng đồng doanh nghiệp và lao động nhằm đảm bảo bình ổn lao động.

– Tỷ lệ tăng lương luôn luôn cao hơn tăng năng suất lao động cũng là lý do mà người sử dụng lao động đề xuất sẽ tăng mức lương ở mức hết sức phù hợp. Thậm chí có khi còn thấp hơn nhiều so với năm 2013-2014.

Có ý kiến từ một số hiệp hội rằng tạm dừng xem xét tăng lương tối thiểu năm 2015 trước khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp. Việc này làm củng cố tính bền vững và việc làm hiện có của người lao động. Nhưng cần phải đưa ra số liệu thuyết phục để chúng tôi đảm bảo rằng quá trình tranh luận công bằng trong Hội đồng tiền lương quốc gia.

– Phương pháp tính tăng lương tối thiểu sẽ bằng tỷ lệ tăng trưởng GDP cộng với lạm phát, vậy lạm phát năm nay 6,5%, cộng tăng trưởng GDP 5% thì tăng lương tối thiểu khoảng 4,5% nữa. Như vậy có phải VCCI sẽ đề xuất mức tăng lương tối thiểu khoảng 10-11% hay không?

– Nếu các bên vẫn tiếp tục rất mạnh mẽ vì các lý do khác như ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ yêu cầu vẫn phải tiếp tục tăng thì chúng tôi sẽ đề xuất số liệu như vậy, không quá 12%.

– Theo ông ngành nghề nào gặp khó khăn nhất trong vấn đề tăng lương hiện nay?

– Tất nhiên đó là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như Dệt may, Da giầy, Thủy sản… Ngoài ra còn các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như Bình Dương, Đồng Nai.

dệt may là một trong những ngành chịu áp lực nhiều nhất trong việc tăng lương tối thiểu
Năm 2014 lương tối thiểu được quy định ở mức từ 1,9-2,7 triệu đồng/tháng (khoảng 90 USD-129 USD/tháng).

– Mức đề xuất dưới 12% có nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp?

– Cho tới nay, phía doanh nghiệp đã đồng thuận. Còn phía người lao động mà đại diện là tổ chức công đoàn thì luôn muốn nâng cao đời sống của người lao động.

– Những vụ bạo động tại Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua được dự báo khiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Điều này có ảnh hưởng gì tới lộ trình tăng lương tối thiểu trong thời gian tới, không thưa ông?

– Hiện, theo số liệu không đầy đủ thì số người không có việc làm tại các khu công nghiệp lớn và hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng tới vài chục ngàn. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, để tạo nên nhiều việc làm mới thì phải xem xét lại vấn đề lương tối thiểu.

Nếu chúng ta tiếp tục tăng lương thì người sử dụng lao động phản ứng ngược lại. Nên phải tính làm sao tăng số lượng việc làm mà các bên phải cân nhắc trong quá trình sau này. Do đó, các bên, đặc biệt là giới sử dụng lao động phải chuẩn bị số liệu, phân tích đủ thuyết phục trong các cuộc bàn thảo sắp tới.

Thanh Tuyền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP