Kinh tế

Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khoản lỗ 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Sáng 9/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Tại báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Cụ thể, theo báo cáo thẩm tra, một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.

Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Do đó, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được nêu tại Nghị quyết số 55 và được cụ thể hoá trong Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chậm ban hành.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề này về những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ngày 4/5 vừa qua, EVN đã công bố quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Bộ Công Thương cho biết chi phí đầu vào tăng cao cũng như những biến động về tỉ giá là những lý do chính cho quyết định tăng giá điện của EVN.

Bộ này nhấn mạnh "việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết". Cũng theo Bộ Công Thương, mức tăng 3% giá điện bán lẻ bình quân là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình xem xét trước đó.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, theo báo của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: chính phủ , EVN , thua lỗ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP