Phóng sự - Ký sự

Đau lòng người hùng cứu dân chết không phải vì lũ dữ

Ông Nguyễn Văn Khuyên, 86 tuổi nói trong nấc nghẹn: “Người tốt sao chết sớm vậy chú? Sao tôi chưa chết mà cậu Thanh lại chết vậy?”.

Sau khi trao quà, cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Minh Hóa (Quảng Bình), đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC tiếp tục đến Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi cũng chịu liên tiếp hai trận lũ kinh hoàng.

VTC trao quà cho xã Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh), địa bàn bị thiệt hại nặng nề do lũ dữ. Dòng Ngàn Sâu không còn hung dữ như những ngày lũ nữa. Nước đã cạn, dòng sông hiền hòa, nhưng cuộc sống người dân vô cùng khốn khó. Những gì cơn lũ để lại thật khủng khiếp: những ngôi nhà đổ kềnh, xiêu vẹo, ruộng vườn ngập cát, cây cối héo khô vì bị ngâm nước suốt nhiều này…Năm nào xã Hà Linh của huyện Hương Khê cũng chìm trong lũ, nhưng hai trận lũ liên tiếp vừa qua là hai trận lũ lịch sử. Rừng mỗi ngày một cạn, lũ mỗi ngày một lớn và đồng bào mỗi ngày lại chật vật với mưu sinh.Từng đoàn xe cứu trợ nườm nượp đổ về Hương Khê, mang tấm lòng của người dân cả nước đến với đồng bào vùng lũ, giúp đồng bào vượt qua hoạn nạn trước mắt.

Tặng quần áo đến tận tay đồng bào.

Hai cụ già bị lũ dữ cuốn sạch đồ đạc, quần áo, nên có quần áo mới, các cụ mừng lắm. Sau khi trao những thùng quà cho đồng bào xã Hà Linh, chúng tôi tiếp tục lên đường. Nhưng đoàn cứu trợ phải dừng lại khi thấy hàng chục người tụ tập trước ngôi nhà cấp 4 ngay bên đường. Những tiếng khóc than, những tiếng nấc nghẹn: “Ối anh ơi! Sao anh cứu người mà anh lại phải chết. Giờ này anh ở nơi mô? Sao anh nỡ bỏ lại mẹ con em hở giời?”; “Con ơi là con, sao con đành lòng bỏ lại mẹ già con nhỏ thế này con ơi!”.Chị Nguyễn Thị Lam đeo tang trắng ôm đứa con nhỏ xíu trên tay khóc vật vã. Mẹ chồng chị cũng gào khóc như đứt từng khúc ruột. Hơn 3 tháng trước bà mất chồng, vừa làm trăm ngày cho ông, thì lại phải làm tang ma cho con. Các em, các chị, các cháu, các thím mỗi người một góc nhà ngồi khóc. Anh ra đi, để lại mẹ già, người vợ, cùng 3 đứa con nheo nhóc, đứa lớn 6 tuổi, đứa bé mới 1 tuổi. Còn gì đau đớn bằng.

Chị Thanh (bên trái) khóc suốt từ ngày chồng chết do điện giật trong lúc đi cứu đồng bào thoát khỏi lũ dữ. Anh Phan Đình Thanh (sinh năm 1975), thanh niên xung kích của xã, ra đi mà không có nổi tấm ảnh thờ. Người dân vùng lũ này quanh năm nghèo khó, cả đời lam lũ, nên chuyện chụp ảnh là thứ quá xa xỉ. Ông Nguyễn Văn Khuyên, 86 tuổi, cùng xóm Bay với anh Thanh nói trong nấc nghẹn: “Người tốt sao chết sớm vậy chú? Sao tôi chưa chết mà cậu Thanh lại chết vậy?”. Cụ Khuyên là một trong số hàng trăm người được anh Thanh vớt lên giữa cơn lũ dữ. Lũ lên đợt 2 nhanh như sóng thần ngoài biển. Dòng Ngàn Sâu chảy qua xã Hà Linh, là điểm trũng, nên nước sông dâng cao từng nào, thì xã ngập từng ấy. Ngôi nhà nhỏ của cụ Khuyên bị lũ giật xiêu vẹo, trôi mất mái, cụ và gia đình chới với trong dòng nước. Khi dòng nước sắp nhấn chìm, cuốn trôi cụ và các cháu thì con thuyền của anh Thanh lao tới. Anh Thanh chèo hùng hục trên dòng nước xiết, đưa gia đình cụ về nhà mình.

Anh Thanh ra đi, để lại mẹ già, người vợ ốm yếu và đàn con nhỏ dại. Ngôi nhà cấp 4 của anh Thanh ở chỗ cao ráo, nên nước mới chỉ xấp xỉ bậc thềm. Anh đã đưa cả trăm người về nhà mình. Nhà nghèo, nhưng vợ chồng anh vẫn lo cho bà con bữa cơm, bữa mì gói. Ngày 19-10, lũ lên đỉnh điểm, hầu hết mái nhà trong xã đã mất hút dưới dòng nước. Nhà mình không còn đủ chỗ, anh Thanh tiếp tục chở mọi người lên núi cao. Đó cũng là ngày định mệnh của anh. Vào lúc 2h chiều, khi đang chèo thuyền chở 3 người lên núi, anh bị dòng điện cao thế, chỉ cách mặt nước 1m hút chặt. Đến khi cơ thể anh cháy thành than, dòng điện mới nhả anh ra.

Cụ Nguyễn Văn Khuyên, 86 tuổi, được anh Thanh cứu sống trong cơn lũ. “Sau khi bị điện giật, chú Thanh ngã khỏi thuyền, rồi bị dòng nước lũ cuốn đi. Cháu ngồi trên thuyền nhìn chú mà không biết phải làm gì. Sự việc diễn ra nhanh quá. Chỉ vài giây mà chú ấy đã bị dòng điện cướp đi mạng sống” – em Phan Thị Thảo, học sinh lớp 12, là người ngồi trên chuyến thuyền định mệnh nhớ lại.Em Phan Thị Nhiên, cháu ruột của anh Thanh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Hà Tĩnh mếu máo: “Hôm lũ dữ, cháu gọi điện về cho bố, bố bảo cứ yên tâm, cả nhà mình, cả thôn Long Thượng đã được chú Thanh chở hết lên núi rồi. Không ngờ, hôm sau bố cháu lại gọi điện bảo chú mất rồi. Cháu đeo khăn tang cho mấy đứa em, chúng nó cứ hỏi đeo làm chi rứa chị…”.

Ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam viếng hương hồn anh Thanh. Anh Thanh là trụ cột gia đình. Anh có nghề sửa máy bơm, nên cũng kiếm đủ tiền nuôi mấy mẹ con. Anh mất rồi, mọi gánh nặng đổ lên vai người vợ yếu đuối, bệnh tật. Nhà chỉ có 3 sào ruộng mép sông Ngàn Sâu. 3 sào ruộng chỉ canh tác được một vụ, còn một vụ buộc phải để hoang vì là mùa lũ. Năm nào sông Ngàn Sâu cũng có lũ, cũng ngập ruộng, không trồng cấy được cây gì. Người dân trong thôn cũng chẳng nuôi được con trâu, con bò vì đất đai chật hẹp. Đất trên núi toàn là của lâm trường, nông trường, họ không cho thả trâu, bò lên đó. Ai thả trâu lên rừng sẽ bị phạt cả trăm ngàn đồng. Ruộng ít, vườn ít, lại toàn đá sỏi gan trâu, rừng không có, lại lũ lụt liên miên, nên người dân xã Hà Linh đều nghèo khó.

Công đoàn Tổng Công ty VTC thắp nén tâm hương, cầu cho linh hồn anh Thanh được siêu thoát. Hôm đưa tang anh Thanh, cả làng, cả xã đứng trên mỏm đồi khóc. Nước lũ mênh mông, cả làng lại chỉ có một con thuyền nhỏ đủ chở chiếc quan tài và hai người nữa. Người em trai và người cháu chèo thuyền chở linh cữu anh Thanh lên núi chôn. Cuộc đưa tang trong lũ thật đau lòng.Đoàn công tác của Tổng Công ty VTC dừng chân bên con đường đi cứu trợ, thắp nén tâm hương, cầu cho linh hồn thanh Phan Đình Thanh được siêu thoát.

Tin liên quan

» 1405 và 1409 đã thành gạo về với đồng bào vùng lũ

Phạm Ngọc Dương

VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP