Xe

Đau đầu với xe máy Trung Quốc ‘copy’

Gần đây là các kiểu dáng xe của Honda, Yamaha, đặc biệt là kiểu dáng xe Vespa của Piaggio cũng bị sao chép, làm nhái rất nhiều

Vì lợi nhuận mà các đối tượng làm giả, làm nhái có thể bất chấp tất cả, sao chép thiết kế và tung sản phẩm xe máy “copy” ra thị trường.

Cứ ra mắt kiểu dáng mới là bị sao chép

Ngày 26-9, lần đầu tiên Liên hiệp Các nhà sản xuất xe máy châu Á (FAMI) tổ chức cuộc hội thảo quốc tế tại Việt Nam với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và các vấn đề trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”.

Thông tin tại hội thảo cho thấy trong giai đoạn 2012-2016, Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành thanh tra, xử lý 146 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong cả nước, tổng số tiền phạt thu về ngân sách là gần 5,5 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong số hàng ngàn vụ việc được các cơ quan chức năng xử lý mỗi năm, có không ít các vụ việc liên quan trực tiếp tới ngành công nghiệp xe máy. Trong đó nổi cộm nhất là các vụ giả mạo nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, xâm phạm sáng chế...

Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) dẫn chứng các dòng xe như Wave, Dream của Honda hay Best của Suzuki là đối tượng bị sao chép kiểu dáng với số lượng rất lớn. Gần đây là các kiểu dáng xe của Honda, Yamaha, đặc biệt là kiểu dáng xe Vespa của Piaggio cũng bị sao chép, làm nhái rất nhiều bởi các công ty lắp ráp xe điện tại Việt Nam hay nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Các hãng Honda, Suzuki… đã liên tục thay đổi kiểu dáng để đối phó lại tình trạng sao chép này. Nhưng cứ sau khi ra mắt kiểu dáng mới được một thời gian nhất định thì các mẫu xe Trung Quốc với kiểu dáng tương tự lại xuất hiện trên thị trường” - VAMM nêu rõ.

Xe máy giả, xe copy chất lượng kém, chế độ bảo hành không tốt. Trong ảnh: Lực lượng chức năng đang kiểm tra xe máy có dấu hiệu nhái kiểu dáng giống Piaggio. Ảnh: TL

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín thì cảnh báo về tình trạng làm giả phụ tùng xe máy với con số gần 10.000 phụ tùng giả các loại bị xử lý, phần lớn trong số này là nhập lậu.

Theo ông Tín, phụ tùng xe giả với chất lượng kém đe dọa trực tiếp đến chất lượng chung của phương tiện và sự an toàn của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, do nhu cầu về thay thế phụ tùng xe rất lớn nên các đối tượng nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phụ tùng giả luôn bất chấp mọi nguy cơ tiềm ẩn để thực hiện các hành vi vi phạm.

“Bên cạnh đó, người làm hàng giả vẫn sống khỏe vì có một bộ phận người tiêu dùng vẫn thích dùng hàng giả bởi giá rẻ” - ông Tín bình luận.

Xử lý xong lại tái phạm

Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc sở hữu trí tuệ Công ty T&G, nhắc lại câu chuyện năm 2015, Tập đoàn Piaggio thông qua Công ty Piaggio Việt Nam đã khiếu kiện thành công Công ty Sản xuất xe máy điện DK có trụ sở tại Lạng Sơn về hành vi sản xuất xe điện có kiểu dáng giống xe Vespa của Piaggio. Sau đó cơ quan chức năng đã tịch thu và tiêu hủy hơn 100 xe điện, phạt hành chính đơn vị vi phạm gần 200 triệu đồng.

“Sau đó bên xâm phạm lại thay đổi thiết kế mới, thiết kế mới này lại có khả năng xâm phạm kiểu dáng của Piaggio” - luật sư Lộc cho hay.

TS Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, cho hay hiện có bốn nhóm biện pháp xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ là hành chính, dân sự, hình sự và biện pháp kiểm soát qua biên giới (hải quan). Trong đó có tới trên 98% các vi phạm được xử lý bằng các biện pháp hành chính. Trong khi ở các nước trong khu vực, biện pháp hành chính đã gần như không áp dụng, thay vào đó là xử lý hình sự và bồi thường dân sự .

Bà Quỳnh cho biết khoản 1 Điều 171 BLHS (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) quy định: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm”. Tuy nhiên, hiện không có bất cứ hướng dẫn rõ ràng thế nào là “quy mô thương mại” nên rất khó đưa các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra tòa xử lý hình sự.

Luật sư Lộc cho rằng xử phạt hành chính là biện pháp đang được sử dụng mạnh mẽ nhất, ngay lập tức có thể chấm dứt việc xâm phạm trong thời gian ngắn nhưng lại không cho phép yêu cầu bồi thường. Cạnh đó, mức xử phạt tối đa hiện nay chỉ là 500 triệu đồng được cho là quá thấp khiến bên vi phạm không sợ. “Mức chế tài như vậy đủ chưa hay phải thêm một, hai số 0 nữa?” - ông Lộc đặt câu hỏi.

Ông Gianluca Fiume, đại diện ban điều hành của VAMM, cho biết hiệp hội đã gửi một văn bản kiến nghị về thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Bản kiến nghị này đã đề xuất hai nhóm giải pháp: Thứ nhất, kiện toàn lại khung pháp lý với một số đề xuất như mở rộng đối tượng sở hữu trí tuệ mà việc xâm phạm các đối tượng này là cấu thành tội hình sự; nâng cao chế tài phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ trong xử phạt vi phạm hành chính.

Nhóm giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực thực thi, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp, các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước... để đối phó với vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tác giả: ĐỨC MINH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

  Từ khóa: xe máy Trung Quốc , xe lậu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP