Địa Chí Hà Tĩnh

Đất và người Thạch Linh

Xã Linh Đài xưa, phường Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) hôm nay là dải đất nằm ở phía tả ngạn sông Cày, được các bậc tiền nhân đặt tên đúng như cái nghĩa của nó: mảnh đất thiêng! Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, trải mấy lần tách-nhập, Thạch Linh vẫn giữ trọn tình quê.


Sức mạnh từ truyền thống


Cụ Nguyễn Phi Hoan là một người sinh ra và lớn lên ở làng Kim, bên bãi bồi sông Cày, cạnh cầu Đông. Cả một đời sống thanh tao, cụ thoát ly gia đình tham gia cách mạng từ ngày còn là một chàng trai trẻ. Là một đảng viên gần 80 năm tuổi đời, tròn 60 năm tuổi Đảng, trong câu chuyện với lớp hậu sinh hôm nay, cụ Hoan không giấu niềm tự hào về những bước thăng trầm trong cuộc đời mình và về vùng đất đã sinh ra mình, nơi có Văn Miếu linh từ thờ Khổng Tử tứ phối và thất thập nhị hiền (72 học trò hiền của Khổng Tử).


Đây là ngôi miếu cổ được khởi dựng từ thế kỷ 17, trên đất làng Đông Lộ (nay là khối Vĩnh Hoà, phường Thạch Linh), gồm 3 toà nhà chính xếp hình chữ môn và nhà “túc hậu”. Qua nhiều lần tu sửa mở mang, đến nay Văn Miếu không còn nhưng trong ký ức lớp người như cụ Hoan, đây là một điển tích đặc trưng về điển lễ thờ cúng của đạo Nho ở Hà Tĩnh. Hiện thành phố Hà Tĩnh đang có dự án quy hoạch tôn tạo lại di tích quý này trên nền Văn Miếu cũ.


Vùng đất thiêng – Thạch Linh mang tên Đông Lộ đến những năm trước cách mạng tháng Tám, sau đó được sáp nhập thêm vùng Đài Tiết, thành xã Nhật Tân. Khi nước nhà giành được độc lập, Nhật Tân sáp nhập thêm Xuân Đài thành Linh Đài, và năm 1954, Linh Đài được chia thành ba xã là Thạch Linh, Thạch Xuân và Thạch Đài như ngày nay. Năm 1991, Thạch Linh chia tay đất mẹ Thạch Hà trở về đầu quân vào thị xã Hà Tĩnh, và cách đây 2 năm, khi thị xã được nâng lên thành phố, Thạch Linh được nâng từ xã thành phường. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, trải mấy lần tách-nhập, đất và người Thạch Linh vẫn giữ trọn tình quê.


Lớp người như cụ Hoan ở làng Kim, ở Linh Đài sinh ra và lớn lên trong cảnh “một cổ hai tròng”, sớm hôm tất tả ngược ngàn kiếm kế sinh nhai bằng nghề đốn củi, hái chè và nghề đan chõng tre truyền thống. Chõng tre, tràng kỷ Linh Đài vốn nức tiếng từ thời xưa, không chỉ là vật dụng quen thuộc trong các gia đình, mà nó từng có mặt trong các dinh thự sang trọng của các bậc công thần thời phong kiến, thực dân.


Người dân Linh Đài vừa cần cù, chịu khó làm ăn, vừa là người giàu nhiệt tâm cách mạng nên chân lý của Đảng sớm sáng soi trên mảnh đất này. Đây chính là cái nôi sản sinh ra các xô-viết công nông đầu tiên trong cao trào cách mạng 1930-1931 ở phía Nam Nghệ Tĩnh, và sau này Linh Đài là một trong những địa phương cướp chính quyền sớm nhất tỉnh Hà Tĩnh trong cách mạng tháng Tám.


Những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhằm tạo thế chiến lược lâu dài, ta đã cho mở đường 21 – một nhánh đường nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh khởi đầu từ Khe Giao. Cầu Đông, cầu Cày – những địa danh nằm trên đất Thạch Linh – trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

Sa-lon tre, sản phẩm truyền thống của người dân Thạch Linh

Những ngày giặc Mỹ rải bom, Cầu Đông nằm giữa làng Kim bị đánh tan tành, những tấm gỗ lát cầu rơi lả tả trên sông. Dòng nước thơ mộng xanh trong ngày nào nay nhuốm đỏ một màu tang tóc. Hai bờ sông quê, những hố bom dày chi chít, những vườn cây bị vặt trụi lá, bật gốc giữa cảnh hoang tàn. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, người dân Thạch Linh không kể già, trẻ, gái, trai, dốc sức cứu nước, cứu nhà. Mỗi tấc đất, mỗi ngọn cây ở đây đều rạng ngời những chiến công hiển hách.


Người dân Thạch Linh tự hào về tiểu đội dân quân nòng cốt của mình, đã cùng với các lực lượng bộ đội chủ lực bắn rơi 51 “Thần sấm”, “Con ma”. Tự hào về xã đội trưởng Nguyễn Duy Thuỷ, thương binh Phan Văn Thuận, mặc dù bị thương nặng vẫn gượng dậy bên mâm pháo, không rời trận địa chỉ huy tiểu đội bắn rơi máy bay Mỹ. Tự hào về tấm gương nữ dân quân Phan Thị Thanh, Phan Thị Châu và nhiều chiến sĩ dân quân tự vệ khác đã quên mình dưới mưa bom bão đạn san lấp hố bom, nối liền nhịp cầu Đông dài hơn 40m kịp thông đường cho những chuyến xe qua.


Tạo dựng thế đứng mới


Đi qua cuộc chiến tranh, những làng quê trù phú đôi bờ sông Cày tiêu điều, xác xơ. Như một người thương binh vừa lo chạy chữa vết thương chiến tranh vừa sải những bước chân dài trên con đường mới, người dân Thạch Linh bắt tay gây dựng cuộc sống mới với niềm xúc cảm bồi hồi, tự hào xen nỗi lo toan.


“Nếu đời sống ngày xưa là một thì bây giờ phải là một trăm. Là quê hương của nghề trồng cọ và đan lát, nhưng Thạch Linh bây giờ không còn hộ nào thuộc diện “nứa, lá, tranh, tre”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mấy năm gần đây của phường luôn đạt ở mức hai con số có dư. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của người dân Thạch Linh đạt trên 10 triệu đồng/năm” – Chủ tịch UBND phường Phạm Hữu Thao nói với tôi như thế.

Mô hình lúa – cá – vịt của anh Phạm Hữu Thắng ở khối phố Hợp Tiến, mỗi năm thu nhập trên 70 triệu đồng

Người dân Linh Đài thời của cụ Hoan sáng chiều ngược ngàn kiếm kế sinh nhai, còn lớp cháu con hôm nay đã biết tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế của mình để làm giàu chính đáng. Chõng tre, tràng kỷ Linh Đài ngày xưa chỉ giúp người dân đắp đổi qua ngày, còn nay là nghề truyền thống hái ra tiền. Tôi đã được nghe ông Nguyễn Phi Thuỷ – chủ một cơ sở chuyên sản xuất sa-lông mây, tre đan ở khối phố Linh Tiến kể chuyện làm hàng thủ công mỹ nghệ của mình. Là một người thợ có thâm niên gần 40 năm làm chõng tre nhưng mãi đến những năm đầu thế kỷ này, ông Thuỷ mới nghĩ đến việc làm giàu từ nghề truyền thống.


Hiện sản phẩm của ông có mặt hầu khắp trên thị trường cả nước. Ông đang có dự định thành lập tổ hợp sản xuất – dịch vụ kinh doanh mặt hàng truyền thống này nhằm tập hợp đội ngũ thợ lành nghề của làng sản xuất hàng mây, tre đan xuất khẩu.


Bằng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân mở rộng sản xuất theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, Thạch Linh đã huy động được tối đa nội lực để phát triển. Mở đầu là bước đột phá trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung cải tạo đồng ruộng, liên tục đưa giống mới vào canh tác làm cho đất đai không một ngày ngơi nghỉ, nên lương thực không còn là vấn đề lo ngại đối với người dân. Bình quân lương thực đầu người năm 2001 đạt 420kg, nay nâng lên xấp xỉ con số 500kg.


Với bản chất cần cù, chịu khó lại rất năng động, người dân Thạch Linh không chỉ thuần túy làm nông nghiệp, mà đã thích ứng với kinh tế thị trường. Cơ cấu kinh tế từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hàng loạt cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, hàng trăm cơ sở dịch vụ, kinh doanh mọc lên dọc từng khối phố đã góp phần làm cho cán cân kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Với tỷ trọng chiếm trên 51% tổng thu nhập GDP của phường, ngành thương mại

Nhân dân khối phố Vĩnh Hoà làm đường bê tông

dịch vụ và các nghề phụ đang trở thành thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của Thạch Linh. Phong trào cải tạo vườn tạp gắn với việc chỉnh trang lại hệ thống đường làng, ngõ xóm được người dân hưởng ứng tích cực, làm cho bộ mặt làng quê dần dần mang dáng dấp của một đô thị văn minh thời mở cửa. Trong xu thế hội nhập và phát triển, Thạch Linh trở thành nơi “đất lành chim đậu”, là quê hương thứ hai của nhiều cán bộ, công chức khắp bốn phương về đây tụ họp. Mặc cho nhịp sống hối hả thời kinh tế thị trường, mặc cho tường cao cổng kín thời đô thị hoá, những nếp sinh hoạt cộng đồng thuần Việt vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, phát huy.


Cuối thu. Nắng trải dài nhuộm vàng mặt sông Đông. Ký ức về những năm tháng gian nan của một lớp người từng ngược ngàn kiếm gạo nuôi con, về một thời máu lửa trên khúc sông quê giờ chỉ còn là kỷ niệm. Dọc tuyến Tỉnh lộ 3, Quốc lộ 1, dọc đôi bờ cầu Đông, sông Cày một thời chi chít hố bom nay đã mọc lên hàng loạt công trình, nhà máy cao tầng.


Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Thạch Linh đã tạo được một thế đứng để hướng tới mục tiêu trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại.


VĂN HỌC

baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP