Tin

Đất học Cẩm Xuyên

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, phong trào “Ngọn đèn làng học” của xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng với phong trào “Hai tốt” (Dạy tốt, Học tốt) của xã Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam) là hai điểm sáng giáo dục của toàn miền bắc XHCN, ai cũng biết tới và noi gương.

Rạng danh máI trường mang tên tổng Bí thư Hà Huy Tập
Rạng danh máI trường mang tên tổng Bí thư Hà Huy Tập

Thật ra, trên cả vùng đất học xứ Nghệ nói chung, ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Cẩm Xuyên đã là một điểm sáng giáo dục nổi bật. Ngày 15-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen đồng bào huyện Cẩm Xuyên đã thanh toán xong nạn mù chữ, đã tranh được cái vinh dự xung phong cho Hà Tĩnh và Liên khu IV trên mặt trận văn hóa bình dân. Sự quan tâm của Bác Hồ và Chính phủ càng làm cho người dân Cẩm Xuyên thêm tự hào và quyết tâm xây dựng quê hương về mọi mặt, trong đó coi trọng yếu tố hàng đầu là xây dựng con người, mà xây dựng con người, trước hết là giáo dục. Giáo dục không chỉ trang bị kiến thức mà còn xây dựng đạo lý, tạo nền tảng của sự phát triển bền vững, bảo đảm cho một xã hội nhân văn.

Trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, quan điểm ấy cùng những thành tựu to lớn trong giáo dục của Cẩm Bình nói riêng, Cẩm Xuyên nói chung, đã trở thành ngọn đèn tỏa sáng, soi rọi cho phong trào giáo dục của cả nước. Năm 1969, trước lúc đi xa, Bác Hồ đã gửi tặng xã Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người: Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa. Năm 1978, Tổ chức UNESCO tặng Giải thưởng Crúp-xcai-a cho xã Cẩm Bình – lá cờ đầu về thành tích xóa nạn mù chữ ở Việt Nam. Năm 1985, Cẩm Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Từ đó đến nay, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) mặc dù vẫn là huyện nghèo, còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng sự nghiệp giáo dục không ngừng vươn lên. Trong những năm gần đây, giáo dục Cẩm Xuyên luôn đứng ở tốp đầu của giáo dục tỉnh Hà Tĩnh. Năm học 2013-2014, trong cả ba cấp học mầm non, tiểu học, THCS ở Cẩm Xuyên đã có 37 trường đạt trường chuẩn quốc gia; trong đó tiêu biểu như các trường mầm non: Cẩm Thăng, Cẩm Lộc, Cẩm Sơn; trường tiểu học: Cẩm Bình, Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Xuyên; trường THCS: Đại Thành, Cẩm Bình, Cẩm Trung… Phần lớn các cơ sở giáo dục trong toàn huyện đã được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại như phòng tin học, phòng âm nhạc, phòng học tiếng Anh, phòng máy chiếu, phòng áp dụng công nghệ cao.

Với một huyện thuần nông của miền trung “gió Lào, cát trắng”, để có chừng ấy trường chuẩn quốc gia và cơ sở giáo dục hiện đại, là một nỗ lực rất lớn. “Chuẩn quốc gia” với Cẩm Xuyên là chuẩn của chất lượng giáo viên và chất lượng giáo dục. Trong cuộc thi giáo viên giỏi cấp tỉnh bậc THCS năm học 2013-2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Xuyên có 19 giáo viên tham gia thì 17 giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong đó, thầy Hà Văn Sáng, Trường THCS Mỹ Duệ đoạt giải nhất và nhiều thầy cô khác đoạt giải cao. Toàn huyện có 1.680 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 96 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đáng khích lệ có bốn em đoạt huy chương trong kỳ thi Ô-lim-pic tiếng Anh; trong đó, em Lê Doãn Huy, học sinh lớp 9 Trường THCS Đại Thành đoạt Huy chương vàng. Về giáo dục thể chất, trong Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, đoàn Cẩm Xuyên xếp thứ nhì toàn đoàn…

Ngày 19-5-2015 vừa qua, cả nước kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Bác Hồ, cũng là ngày ngành giáo dục Cẩm Xuyên kỷ niệm 46 năm ngày Bác Hồ tặng bức chân dung thiêng liêng và lời đề tặng đầy ý nghĩa. Trải qua 46 năm, lời Bác mãi được khắc ghi trong lòng thầy trò và nhân dân huyện Cẩm Xuyên, mãi là sức mạnh để giáo dục Cẩm Xuyên không những giữ vững thành tích vẻ vang đã đạt được mà tiếp tục có thành quả lớn lao hơn trong những năm tiếp theo.

NGUYỄN SĨ ĐẠI và HÀ HUY PHÚ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP