Danh Nhân

Danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Hổ (xã Trường Lộc)

Nguyễn Huy Hổ tự Cách Như, hiệu Hy Thiệu, sinh ngày 21 tháng 8 năm Quý Mão (1783), trong một gia đình khoa bảng tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

hatinh

Nhà thờ Nguyễn Huy Hổ – Di tích lịch sử cấp quốc gia

Cụ Viễn tổ của Nguyễn Huy Hổ là Nguyễn Uyên Hậu, người đầu tiên của dòng họ này đến lập nghiệp ở làng Trường Lưu, đã từng đỗ Ngũ kinh bác sỹ dưới triều Lê Hồng Đức (1470-1497). Trãi qua các đời dòng họ này đều có ngời đỗ đạt làm quan, nhưng phải kể đến đời ông nội Nguyễn Huy Hổ mới khởi phát.

Ông nội Nguyễn Huy Hổ là Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) tự Kính Hoa, hiệu Lưu trai, đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa thi Mậu Thìn năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748). Chánh sứ phải đoan sứ bộ sang Trung Quốc (1765-1766), làm quan đến Thượng thư Bộ công, đồng thời là một nhà giáo, nhà thơ nhà văn Việt Nam, rất giỏi về thuật số, độn giáp và thiên văn, điều mà sau này Nguyễn Huy Hổ được thừa hưởng. Nguyễn Huy Oánh có người em là Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) cũng đỗ tiến sỹ năm Nhâm Thìn (1772) và làm quan đến Đốc thị Thuận Quảng, hàn lâm viện thị giảng. Người sinh ra Nguyễn Huy Hổ chính là nhà thơ nôm Nguyễn Huy Tự, tác giả truyện thơ nôm “Hoa tiên”. Nguyễn Huy Tự tự Uẩn trai, sinh năm Quý Hợi (1743) mất năm Canh Tuất (1790). Năm 17 tuổi ông đỗ thứ 5 kỳ thi hương được tiến cử làm thị giảng cho cha với chức “Nội thị văn chức”. Năm 1768 ông được bổ làm tri phủ Quốc Oai, năm 1774 cải sang làm võ chức trấn thủ ở Hưng Hóa. Năm 1779 được đặc ban chức “tiến triều ứng vụ” rồi Hiệp lý hương hướng các trấn Sơn Tây, Hưng Nguyên rồi sung chức Đốc đồng trấn thủ Hưng Hóa. Năm 1783 ông về Trường Lưu chịu tang mẹ, lúc này cha ông là Nguyễn Huy Oánh đã về hưu, nhận thấy triều đình nhà Lê thối nát ông đã cùng cha ở lại quê nhà nghiên cứu văn học, mở thư viện chăm lo dạy học, đào tạo nhân tài xây dựng quê hương. Năm 1786 Quang Trung tiến quân ra Bắc lần thứ nhất dừng chân ở Nghệ An và cho Tiến sỹ Trần Kỷ đến Yết kiến cụ Nguyễn Nguyễn (ở Nghi Xuân) nguyên tể tướng triều Lê để hỏi ý kiến về việc chiêu dụ và tuyển lựa quân sĩ, Nguyễn Nghiễm trả lời rằng: “Nếu cần đạo sĩ mưu lược thì gặp La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, nếu cần chính trị giỏi thì gặp Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, nếu cần dũng tướng thì gặp Nguyễn Huy Tự”.

Sơ qua vài nét như trên để thấy rằng Nguyễn Huy Hổ đã sinh ra từ một dòng họ danh giá cả bên nội lẫn bên ngoại và từ một vùng miền văn hóa khá cao con đường của Nguyễn Huy Hổ bước đầu có vẻ thuận lợi, song sự thật lại xảy ra không như vậy, có khá nhiều biến cố đã tác động đến cuộc sống của ông ngay từ khi ông còn nhỏ tuổi, trong gia đình các người thân lần lượt qua đời. Năm 1785 người em ông nội là Nguyễn Huy Quýnh mất, năm 1879 ông nội là Nguyễn Huy Oánh mất, năm 1970 cha đẻ là Nguyễn Huy Tự qua đời tại Phú Xuân, bên họ mẹ thì dinh thự ở Kinh đô cũng bị bọn kiêu binh phá nát từ năm 1782 và đến năm 1786 ông ngoại Nguyễn Khản cũng mắc bệnh và mất. Chỉ trong vòng 5 năm trời mà hai dòng họ Nguyễn ở Trường Lưu và Tiên Điền đã chịu nhiều tổn thất. Đến nổi khi viết lại hành trạng của Nguyễn Huy Oánh vào mùa Thu năm 1791, Nguyễn Huy Vinh đã thốt lên “Than ôi! núi nghiêng, cây đổ. Ông rồi cha tiếp nối từ giã cõi trần. Có than khóc kêu gào cũng không tìm đâu được nữa”. Nguyễn Huy Hổ lúc này mới lên 8 tuổi, ông chỉ còn mẹ và những anh chị cùng cha khác mẹ.

Hiện nay không còn một tài liệu nào chép rõ hành trạng Nguyễn Huy Hổ, gia phả có mấy dòng vắn tắt nói ông lấy bà vợ đầu tiên  là Lê Thị Hậu cháu gái vua Lê Hiển Tông nhưng cũng không chép vào năm nào. Chỉ biết vua Lê Hiển Tông  thì đã mất từ năm 1786 và đến khi ông trưởng thành thì triều Lê cũng chỉ còn vang bóng. Qua Mai Đình Mộng ký ta biết vào mùa xuân Kỷ Tỵ (1809) ông có cuộc du chơi Hung Sơn thăm anh là Nguyễn Huy Vinh. Đến năm 1818 Nguyễn Huy Vinh mất và năm 1819 mẹ ông là bà Nguyễn Thị Đài cũng tạ thế. Theo lời kể của Nguyễn Huy Chương, Hoàng Xuân Hãn đã viết về quảng đời sau đó của Nguyễn Huy Hổ “Lúc ông chừng 40 tuổi, vua Minh Mạng triệu ông vào làm thuốc trong cung. Nhân ông chỉ trích sự tính sai của Tòa Khâm thiên giám và sau đó nghiệm ra lời ông nói đúng nên vua ban chức Linh Đài Lang. Cùng với nghề làm thuốc, Nguyễn Huy Hổ còn có nghề xem lí và thiên văn. Năm 1826 vua Minh Mạng có chỉ dụ cho việc tìm đất, Nguyễn Huy Hổ có công trong việc tìm đất cho vua Minh Mạng, “Đại Nam thực lục” ghi lại lời nhà vua ban thưởng cho những người có công tìm đất cho có nhắc đến tên Nguyễn Huy Hổ.

Nguyễn Huy Hổ giữ chức Linh Đài Lang khoảng 1 năm, Ngày 20 tháng 9 năm 1841 thì mất. Ông đã cống hiến cho đất nước cả cuộc đời danh nghiệp của mình, và để lại cho nền văn học Việt Nam một tác phẩm văn học cổ điển có giá trị, đó là tác phẩm “Mai đình mộng ký“. Qua nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Huy Hổ ta thấy ông đã cống hiến cho đất nước cả cuộc đời danh nghiệp của mình, là người đã để lại cho nền văn học Việt Nam một tác phẩm văn học cổ điển có giá trị.

Ngọc Bé

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP