Du lịch

Đáng sợ loạt đặc sản ăn sống khiến khách Tây "khóc thét" ở Việt Nam

Bên cạnh những món ăn ngon nức tiếng, Việt Nam còn có các món độc lạ chế biến từ nguyên liệu tươi rói, không qua nấu nướng “thách thức” thị giác và vị giác nhiều người.

Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng bởi nền ẩm thực đa dạng, phong phú với vô vàn những món ăn ngon.

Tuy nhiên, nhiều món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi sống, chưa được chế biến qua nhiệt độ là thử thách không phải thực khách nào cũng dám thử đặc biệt là những du khách nước ngoài.

Cá nhảy

Món cá nhảy khá phổ biến trong những gia đình người Thái ở Sơn La, đặc biệt là khi có khách quý. Nguyên liệu chính của món ăn này là cá nhưng phải là loại cá chép con, kích cỡ nhỏ chỉ khoảng 2 đầu ngón tay. Chúng được nuôi ở ao tự nhiên hoặc do người dân đi bắt ở sông, suối nguồn, cách xa khu dân cư.

Cá bắt về phải còn sống, được thả vào chậu nước muối sạch trong 1-2 tiếng đồng hồ để cá tiết hết những tạp chất bên trong cơ thể ra ngoài.

Điểm khác biệt của món ăn này chính là ở cách ăn rất lạ lùng: Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn. Ảnh: Youtube HOANGDAQN

Cá được trộn với các gia vị ăn kèm, khi ăn vẫn cảm nhận được cá "nhảy tanh tách" trong mồm. Ảnh: Youtube

Khi ăn, người ta thường bắt cá từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài để cá vẫn sống rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm bao gồm: lõi chuối tươi, rau thơm, tỏi, ớt, mắc khén...

Cá khi đó vẫn còn sống, quẫy mạnh nên có tên là cá nhảy. Mỗi người khi ăn sẽ dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo hỗn hợp gia vị trên, đưa lên miệng thưởng thức.

Đuông dừa

Đuông dừa (hay còn gọi là sâu dừa) là ấu trùng sống bên trong cổ hũ dừa và hút chất dinh dưỡng từ đó.

Sống nhờ chất dinh dưỡng từ phần ngon nhất, sạch nhất của cây dừa nên đuông dừa rất bổ dưỡng. Ảnh: @truongminhhieu1111

Những con đuông dừa chỉ bằng ngón tay trỏ hoặc ngón chân cái người lớn, dài chừng 3 - 5cm, toàn thân màu vàng nhạt. Đuông dừa có thể chế biến thành nhiều kiểu như nướng, nấu cháo, làm gỏi,... nhưng ngon nhất, dễ làm nhất vẫn là món đuông dừa tắm mắm. Đây là món ăn khoái khẩu của người dân Bến Tre.

Sau khi bắt đuông dừa từ thân cây dừa, người dân rửa chúng sơ qua nước để làm sạch vụn dừa còn sót. Đuông dừa sạch được nhanh chóng bỏ vào chén rượu trắng trong vài phút để loại bỏ chất đen trong cơ thể. Cuối cùng, ngâm đuông dừa vào bát nước mắm ớt.

Đuông dừa tắm mắm là món nhậu khoái khẩu của người miền Tây. Ảnh: @truongminhhieu1111

Những con đuông dừa vẫn còn sống, ngọ nguậy trong miệng, cắn ngập chân răng, dòng sữa từ đuông dừa béo ngậy tan dần trong khoang miệng. Thực khách sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon đặc biệt, hòa quyện từ vị béo ngậy của đuông dừa như nước cốt dừa với vị mặn của mắm, vị cay của ớt.

Nhum biển

Nhum biển (có nơi gọi là nhím biển hay cầu gai) thường sống thành từng nhóm trong hốc đá, có nhiều ở vùng biển các tỉnh miền Trung như: Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang)…

Nhum biển là món ngon được nhiều du khách yêu thích khi đến vùng biển miền Trung. Ảnh: @tradynh

Nhum biển có hình dáng to tròn, bên ngoài nhiều gai, được biết đến với hai loại trắng và đen. Nhum trắng thường dùng để nấu cháo rất ngon còn nhum đen là nguyên liệu cho các món gỏi hay ăn tái.

Những con nhum biển được bắt lên vẫn còn tươi rói. Đập nhum vỡ làm đôi sẽ thấy cả phần trứng lẫn thịt gồm nhiều múi đầy đặn vàng ươm bên trong, khác hẳn vẻ ngoài xấu xí, gai góc.

Nhum sống là món được thực khách thích nhất vì vẫn đảm bảo độ tươi ngon. Ảnh: @kennytaste

Để ăn nhum biển sống, người ta thường vắt thêm nước cốt chanh cho nhum tái đi một chút. Thêm chút mù tạt cay nồng làm giảm vị tanh của nhum.

Gỏi kiến

Cách làm có phần lạ lẫm nhưng gỏi kiến lại thơm ngon, bổ dưỡng. Ảnh: Phạm Hoàng

Nguyên liệu làm nên món gỏi kiến gồm có cá, kiến vàng và một số gia vị khác. Cá tươi được bắt từ suối tự nhiên để đảm bảo độ ngon, ngọt thịt, sau đó được lọc lấy phần thịt và băm nhuyễn cho dễ ăn, hạn chế mùi tanh.

Cá sau khi băm nhiễm được trộn với rau thơm. Người dân bắt vài tổ kiến vàng thả vào hỗn hợp trên để kiến tiết ra chất axit làm chín cá. Nếu chọn được những tổ kiến thật to thì sẽ có cả trứng kiến vàng, giúp món ăn thêm bùi, ngậy.

Người dân bưng cá băm nhuyễn trộn gia vị tới những tổ kiến để lấy kiến. Ảnh: Phạm Hoàng

Khoảng 30 phút sau, trộn đều kiến vàng và cá rồi bóp hỗn hợp cho ráo bớt nước. Khi ăn, dùng ít rau rừng để cuốn. Vị chát của rau rừng giúp giảm vị tanh của cá, làm món gỏi thêm đậm đà hơn. Bà con gọi đây là món Plat (gỏi kiến vàng), còn trộn thêm thính gạo vào gỏi thì gọi là món Trót IagLia.

Gỏi kiến được ăn kèm với rau rừng, là món ngon mà thực khách có muốn cũng khó được thưởng thức. Ảnh: Phạm Hoàng

Tuy cách chế biến có phần lạ lẫm với thực khách nhưng đây là món ngon bổ dưỡng mà người dân Rơ Mâm yêu thích cũng như thường dùng để chiêu đãi khách quý tới nhà. Vị ngọt dai tươi rói của cá sống với vị béo ngậy, bùi bùi của trứng kiến tạo nên món ăn thơm ngon khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.

Tác giả: Thảo Trinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP