Liên hoan này là bước đệm quan trọng để hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hát ví, dặm là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Điệu ví dặm quê mình…răng mà thương mà nhớ”!
Có thể nói, dân ca ví, dặm Nghệ – Tĩnh là tinh hoa nghệ thuật không chỉ của riêng người dân nơi đây, mà còn là của cả dân tộc Việt Nam, góp phần lưu giữ vốn văn hóa cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần người Việt thêm phong phú, đa dạng. Với hơn 40 làn điệu độc đáo, dân ca ví, dặm luôn hiện hữu trong cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Nghệ từ bao đời nay. Nếu điệu ví cất lên nghe man mác, bâng khuâng, xao xuyến, day dứt, ân tình thì điệu dặm lại là một trường đoạn có kết cấu hoàn chỉnh, mạch lạc, thiên về tự sự, nỗi niềm. Từ cuối tháng 3-2011, Sở VHTTDL Nghệ An đã có Báo cáo tóm tắt về di sản văn hóa ví, dặm để đề nghị Bộ VHTTDL cùng Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đưa ví, dặm vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ cho lập hồ sơ trình đề nghị UNESCO công nhận dân ca ví, dặm xứ Nghệ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, năm 2000, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cũng đã được thành lập với tư cách là một cơ quan nghiên cứu khoa học, lưu trữ, đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản dân ca ví, dặm Nghệ – Tĩnh. Thời gian qua, nhiều chương trình nghệ thuật dân ca Nghệ – Tĩnh cũng được dàn dựng biểu diễn, tạo cơ hội cho công chúng gần xa thưởng thức, tiếp cận với di sản ví, dặm để “Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ/ Ai đi ra nơi đây, xin chân dừng xứ Nghệ/ Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu/ Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thuở vui sầu”…
Theo ông Tạ Quang Tâm – Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An: “Ví, dặm là một phần đặc biệt của văn hóa xứ Nghệ. Từ năm 1998, hát dân ca đã được đưa vào các trường học tỉnh Nghệ An và đạt kết quả tốt”. Hiện nay ở Nghệ An có 52 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2.000 thành viên đang duy trì sinh hoạt.
“Núi Hồng và Sông Lam/ Để muôn đời sừng sững”
Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất
Theo các nhà nghiên cứu dân gian, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là loại hình văn hóa phi vật thể có nguồn gốc từ dân gian cần được bảo tồn. Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của các thể hát ví, dặm xứ Nghệ, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ phối hợp tổ chức Festival dân ca ví, dặm lần đầu tiên diễn ra tại TP Vinh (Nghệ An) vào tháng 6-2012. Khoảng một tháng nữa, Festival mới được tổ chức, nhưng suốt từ trung tuần tháng 4 đến nay, tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các câu lạc bộ hát dân ca đã tổ chức theo cấp cơ sở để lựa chọn những tiết mục xuất sắc tham dự Festival.
Theo Ban tổ chức, Festival là một hoạt động cấp thiết, thể hiện nguyện vọng, mong muốn của người dân xứ Nghệ, thông qua hoạt động này giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Nghệ An và Hà Tĩnh với bạn bè trong nước và quốc tế. Điểm nhấn của Festival dân ca ví, dặm xứ Nghệ 2012 là việc tái hiện, phục dựng môi trường, không gian diễn xướng truyền thống, đồng thời thiết kế trang phục của các nghệ nhân bảo đảm tính lịch sử, văn hóa và phù hợp với tính chất của ngày hội. Festival là dịp trình diễn cả dân ca nguyên hợp và dân ca phát triển, tạo thành các mô hình điển hình gắn với việc xây dựng nông nghiệp và nông thôn mới, nuôi dưỡng các thế hệ nghệ nhân dân gian nòng cốt trong các CLB dân ca xứ Nghệ. Festival cũng là bước đệm quan trọng để Nghệ An, Hà Tĩnh trình UNESCO công nhận hát ví, dặm là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Nguyễn Xuân Đường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Festival sẽ hội tụ đầy đủ gương mặt các nghệ nhân tên tuổi, nam nữ thanh niên, học sinh có năng khiếu hát ví, dặm. Đây sẽ là ngày hội của đông đảo lứa tuổi người dân hai tỉnh”. Đây còn là ngày hội của nhân dân hai tỉnh cũng như cả nước yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Dự kiến Festival sẽ diễn ra 3 năm một lần, luân phiên giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
NGUYỄN LONG
ĐĐK