Ông Nguyễn Văn Tân. Ảnh: Xuân Thắng |
Trước đây, ông Tân làm nghề hớt tóc, còn vợ đi làm thuê để nuôi 3 con nhỏ. Do muốn kiếm thêm thu nhập nên ông tham gia lực lượng dân phòng của địa phương. Rạng sáng 6/12/2014, ông cùng các đồng nghiệp được huy động phối hợp lực lượng dân quân xã Láng Lớn tuần tra dịp cao điểm trước Tết .
Đến điểm hẹn, khoảng 10 người đứng trong lề, phía bên kia bờ đập Núi Nhan, chờ thành viên cuối cùng của nhóm. Kẻ đứng, người ngồi trên xe máy, riêng ông Tân ngồi trên cục đá dưới cây trụ điện. Bất ngờ, chiếc ôtô màu đen xé gió lao đến, húc văng tất cả, có người bị hất tung hơn chục mét. Ngoài 2 nạn nhân tử vong, tất cả những người còn lại đều bị thương.
Sau hơn hai tháng nằm viện tại TP HCM với gần chục lần mổ phổi và tay chân, ông được bác sĩ cho về. Cánh tay phải của ông hiện không thể cử động, cẳng chân vừa tháo nẹp inox, miệng nói chưa rõ lời do đặt ống thở đã gây biến chứng. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt của ông đều phải nhờ vợ chăm sóc.
“Nếu ổng tự chăm sóc được thì tui còn đi làm kiếm tiền nuôi con, trang trải chi phí thuốc men. Phải chữa trị cho ổng, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, khốn khổ”, bà Thủy – vợ ông Tân – nghẹn giọng.
Theo bà Thủy, tổng viện phí của chồng là gần 300 triệu đồng, chưa tính những chi phí không có chứng từ. Trong đó, gia đình tài xế Tuân chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng.
Trường hợp anh Mai Văn Quốc (35 tuổi) bi đát hơn khi phải mang thương tật 100%. Từ khi tai nạn xảy ra, anh phải sống đời sống thực vật, toàn thân teo tóp chỉ còn da bọc xương. Nằm liệt trên giường, tới giờ ăn uống, anh được vợ truyền thức ăn qua đường ống. Song, đầu óc anh dường như còn tỉnh táo nên khi có người đến thăm, nước mắt anh lại trào ra.
Anh Quốc là dân quân, có hai con nhỏ 5 tuổi và 2 tuổi. Cũng như anh Tân, chi phí điều trị cho anh Quốc đã hơn 300 triệu đồng, trong đó gia đình tài xế Tuân chỉ hỗ trợ 80 triệu. Cách nay gần hai tháng, anh nhập viện trở lại do bị nhiễm trùng xương. Hiện, vợ anh phải chạy vạy khắp nơi để có tiền thuốc men cho chồng.
Anh Quốc sống thực vật sau tai nạn. Ảnh: Xuân Thắng |
Còn anh Dương Văn Hoa trước đây là lao động chính nuôi vợ, hai con và cha già. Sau tai nạn, anh bị gãy xương vai, xương cánh tay phải, hở xương chậu, thương tật 42%, mất hoàn toàn khả năng lao động.
Trong khi đó, anh Võ Xuân Đồng tử vong để lại vợ và hai con gái. Cô con gái đầu bị bệnh thiếu máu não, nói trước quên sau, không thể học hành mà cũng chẳng giúp được cho mẹ. Người vợ dù sức khỏe yếu vẫn phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Gia đình cũng chỉ nhận được hỗ trợ mười triệu đồng từ phía người gây nạn.
TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự định ngày 12/1 đưa ra xét xử nguyên thượng úy CSGT Phạm Hồng Tuân về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo cáo trạng, ngày 5/12/2014, Tuân đưa vợ con đi công việc tại TP HCM. Về đến giữa đường, thượng úy ghé TP Biên Hòa (Đồng Nai) gặp bạn nên giao ôtô cho vợ tự lái về.
Rạng sáng hôm sau, Tuân lấy chiếc BMW của bạn chạy về nhà. Ôtô đang đi trên tỉnh lộ Mỹ Xuân – Hòa Bình (đoạn xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) thì gặp một người băng qua đường. Do khoảng cách quá gần, thượng úy đánh lái sang trái tránh khiến ôtô tông vào nhóm dân quân đứng tuần tra bên đường. Tai nạn làm ông Hồ Xuân Thu và Võ Xuân Đồng (cùng là dân phòng xã Láng Lớn) chết tại chỗ, 7 người khác bị thương.
Ôtô BMW lật ngửa, biến dạng sau khi tông nhóm người. Ảnh: Xuân Thắng |
Cơ quan điều tra xác định biển số và tem kiểm định của chiếc BMW là giả, hết hạn đăng kiểm từ năm 2011; không xác định được tốc độ của ôtô và không tìm thấy nồng độ cồn trong máu của Tuân. Sau hai tháng tạm giam, thượng úy CSGT được tại ngoại.
Xuân Thắng/ VnExpress