Thế giới

Cuộc sống của mẹ đơn thân Nhật Bản: chiến đấu với nghèo đói và miệt thị

Các single mom cố gắng che giấu mình bằng lớp trang điểm với mỹ phẩm rẻ tiền.

Masami Onishi, 23 tuổi, cùng với các con gái của mình, Yua, 3 tuổi và Sora, 6 tuổi, trên một chiếc xe đạp. Ảnh chụp khi họ đến Nishinari Kids' Dining Hall, nơi có thể vui chơi và nhận được đồ ăn miễn phí của nhóm cộng đồng.

Nhật Bản đã phải chịu một "thập kỷ tổn thất", và một lần nữa, sau "vụ nổ kinh tế bong bóng" cách đây 25 năm. Cho đến ngày nay, bất chấp những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe, nền kinh tế vẫn trong tình trạng ảm đạm.

Hiện nay, các chuyên gia đang cảnh báo về một "thế hệ mất mát" - những đứa trẻ Nhật Bản lớn lên trong các gia đình khuyết thiếu (chỉ có bố hoặc mẹ) và mặc dù bố mẹ của chúng đã làm việc vất vả nhưng không thể vượt qua ngưỡng nghèo.

Yukiki Tokumaru, người điều hành Chương trình Giảm nghèo cho trẻ em Osaka - một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ các gia đình khuyết thiếu, cho biết: "Nền kinh tế Nhật Bản ngày càng trở nên tồi tệ và điều đó làm tổn thương người nghèo, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân".

Sự đánh giá và kỳ thị mà các bà mẹ đơn thân phải đối mặt ở nhiều nước được đưa lên mức độ khác ở Nhật Bản, một xã hội đồng nhất, nơi mà những người không tuân thủ chuẩn mực thường cố gắng giấu hoàn cảnh của mình, thậm chí với cả bạn bè và đại gia đình. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có một nền văn hóa làm cho phụ nữ khó có thể tìm việc sau khi sinh con - điều này được chính phủ đưa ra giống như một giải pháp cho nền kinh tế và khiến cho cuộc sống của các bà mẹ đơn thân khó khăn hơn.

"Vị trí của phụ nữ vẫn còn thấp hơn nhiều so với nam giới ở đất nước này và điều đó ảnh hưởng đến cách chúng ta được đối xử như thế nào. Phụ nữ thường không có công ăn việc làm thường xuyên, vì vậy họ cần làm nhiều việc để trang trải cuộc sống", Tokumaru cho biết.

Đất nước mặt trời mọc có một hệ thống phúc lợi, cung cấp lợi ích theo các tình huống khác nhau. Một người mẹ 35 tuổi ở Osaka không có việc làm với hai đứa con học tiểu học có thể nhận được khoảng 2.300 USD một tháng.

Theo một nghiên cứu của Kensaku Tomuro thuộc Đại học Yamagata, số gia đình có thu nhập thấp hơn mức hỗ trợ phúc lợi công cộng đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm sau "kinh tế bong bóng" về giá bất động sản nổ ra vào năm 1992.

Hiện tại, 16% trẻ em Nhật sống dưới mức nghèo khổ, theo thống kê của Bộ y tế, nhưng trong số các gia đình đơn thân, tỷ lệ này là 55%. Tỷ lệ đói nghèo ở Osaka là một trong những điều tồi tệ nhất của Nhật Bản.

"Nếu cha mẹ nghèo, con của họ cũng nghèo và chu kỳ nghèo đói được truyền lại cho thế hệ sau", Tomuro nói.

Ông cũng cho biết thêm: "Trẻ em nghèo không thể có cơ hội tiếp cận bậc đại học, vì vậy chúng sẽ kết thúc với một công việc kém". Cuộc suy thoái kéo dài đã tạo ra một lớp công việc thứ hai mà ở đó người lao động không có được sự đảm bảo về an ninh hoặc lợi ích tiêu chuẩn - làm tổn hại đến tương lai của họ. "Họ không thể bắt đầu một gia đình vì họ chẳng thể kết hôn hoặc có con với thu nhập thấp".

Tình hình này càng đáng ngạc nhiên hơn khi Nhật Bản đang có dân số già. Đất nước cần nhiều người đóng thuế để tài trợ cho các khoản lương hưu của xã hội đang lão hóa nhanh chóng. Tỷ lệ sinh giảm xuống có nghĩa là dân số hiện nay khoảng 127 triệu người sẽ chỉ còn 100 triệu người vào năm 2060, và một phần ba người Nhật sẽ lớn hơn 65 tuổi.

Những đứa trẻ là con của bố, mẹ đơn thân vui chơi ở Nishinari Kodomo Shokudo. Chúng được tặng một suất ăn miễn phí mỗi tuần tại đây.

Các trung tâm cộng đồng ở Osaka cung cấp không chỉ những bữa ăn tối miễn phí và sân chơi cho trẻ mà còn kết nối tình bạn cho các bà mẹ. Masami Onishi, 23 tuổi, mẹ đơn thân, đang sinh hoạt ở trung tâm Nishinari Kids’ Dining Hall, nằm trong một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ, cho biết: "Tôi cảm thấy được giải thoát khi tôi đến đây cùng với các con của mình".

"Thật dễ chịu khi gặp gỡ các bà mẹ và nói về những khó khăn mà chúng tôi gặp phải. Tôi nhận ra rằng tôi không phải là người duy nhất trải qua chuyện này", cô nói. Onishi làm công việc đứng máy tại một nhà máy sản xuất kim loại, nhưng đó là một việc hơi quá sức với cô.

"Và thật thú vị khi đến đây vì tôi thấy các con mình mỉm cười, những đứa trẻ khác cũng vậy", bà mẹ hai con cho biết. Các con của cô, Sora, 6 tuổi và Yua, 3 tuổi, thích ăn bánh bao bạch tuộc, một món đặc sản ở Osaka.

Một cảnh tượng khác diễn ra tại trung tâm Nishinari Kids’ Dining Hall. Cậu bé Masahide, 8 tuổi, cố gắng giành lấy phần ăn của mình, xô ngã những đứa trẻ khác, đánh chúng mà chẳng vì lý do nào cả và hét lớn: "Cháu muốn 20 cái, và cháu sẽ ăn một mình".

Bà Yasuko Kawabe, người sáng lập trung tâm Nishinari, nói rằng những hành động như thế này là thường thấy sau khi bà gặp gỡ những đứa trẻ luôn luôn trong tình trạng cáu giận. "Tôi đã tự hỏi liệu rằng bởi vì chúng đói", bà Kawabe nói, do đó bà đã bắt đầu những bài học nấu ăn của mình như một cách để cho những đứa trẻ đó thức ăn. Và đã có những thay đổi tích cực. "Tôi đã nhìn thấy những thay đổi đáng kể trong hành vi của những đứa trẻ. Trước đây, chúng thậm chí còn không nhìn vào mắt tôi và không thể giao tiếp. Nhưng rồi chúng trở nên bình tĩnh hơn nhiều khi ở đây".

Tuy vậy, không chỉ về thức ăn mà còn là sự quan tâm, chú ý tới những đứa trẻ. "Những đứa trẻ này không gặp cha mẹ của chúng nhiều vì họ quá bận rộn làm việc", bà Kawabe cho biết. "Bởi vậy khi chúng ở đây, chúng rất đeo bám. Chúng muốn được quan tâm".

Các trường học địa phương từng cố giấu các vấn đề của họ, giờ đây lại giới thiệu trẻ em đến trung tâm của Kawabe. Đối với những người đang phụ trách các nhóm hỗ trợ, thậm chí việc tìm ra những bà mẹ đơn thân để giúp cũng là một thách thức - bởi cảm giác xấu hổ đã ăn quá sâu vào tiềm thức của họ.

Junko Terauchi, người đứng đầu nhóm Phúc lợi xã hội Osaka cho biết một số phụ nữ cảm thấy xấu hổ về mối quan hệ tan vỡ mà họ không chia sẻ với bạn bè, hoặc ngay cả là cha mẹ ruột của họ. Tổ chức phi chính phủ của Terauchi giúp đỡ các bà mẹ đơn thân bằng cách đưa cho họ lời khuyên và thực phẩm.

"Các bà mẹ đơn thân nghèo khổ thực sự không khó để nhận ra", bà Terauchi chia sẻ và miêu tả cách họ mua đồ trang điểm, sơn móng tay ở các cửa hàng một giá để cố gắng tân trang vẻ ngoài. Vì thế, "Đôi khi, các viên chức chính quyền địa phương, thường là nam giới, nói những điều như: 'Bạn trông giống như không cần nhận trợ cấp phúc lợi'".

Những đứa trẻ của các bố mẹ đơn thân hay nghèo khó thường bị tẩy chay trong cộng đồng của chúng, Tokumaru nói. Bà cũng nhấn mạnh rằng các phụ huynh khác không muốn con cái họ chơi đùa với những đứa trẻ xuất thân từ một gia đình không tương xứng.

Tình trạng của những đứa trẻ này trở nên tồi tệ hơn khi chúng lớn lên và phải đối mặt với những câu hỏi có nên tiếp tục đi học hay không. Đây là một vấn đề rất quen thuộc với Akiko, một người mẹ 48 tuổi đang làm công việc bán thời gian và nhận được sự trợ giúp của cộng đồng. Con gái 20 tuổi của cô đã bỏ học giữa chừng năm lớp 2 và lớp 6 khi luôn bị bắt nạt vì có cha mẹ ly thân, không vượt qua kỳ thi để vào một trường công lập. Hiện tại, cô ấy đang học ở một trường cao đẳng tư.

Akiko, không thể cung cấp tên đầy đủ của mình vì sự kỳ thị, cũng chia sẻ thêm rằng cô từng gặp thách thức từ các quan chức địa phương bởi chuyện cố gắng đưa con vào học trong trường cao đẳng tư. "Lúc đầu, tôi cảm thấy bị tổn thương bởi những ý kiến này, nhưng bây giờ tôi đã quen với nó", cô nói.

Hiện tại, các nhóm như của Kawabe và Tokumaru đã gây áp lực lên chính quyền địa phương để yêu cầu thực hiện nhiều việc nhằm giúp đỡ các bà mẹ đơn thân. Tuy nhiên, thay đổi ở cấp quốc gia dường như là một chặng đường dài.

Tokumaru nói: "Nhật Bản được xem là một nước mạnh về kinh tế nhưng chính phủ vẫn nói rằng chúng tôi đang nợ nần. Tôi cảm thấy Nhật Bản là một đất nước 'lạnh giá' đối với trẻ em".

Tác giả: Song Giang Theo Washingtonpost

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP