Mỗi tuần, cứ vào thứ bảy hay chủ nhật là ngôi nhà nhỏ của cụ Phan Chí Nhượng, một Đại tá biên phòng về hưu, lại trở thành lớp học cho những học sinh nghèo tại xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Điều đặc biệt, những lớp học này hoàn toàn miễn phí và người thầy của các em chính là ông cụ 80 tuổi không hề qua một trường lớp sư phạm.
Luôn đáu đáu cho lũ trẻ bám con chữ
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, nhưng từ nhỏ cụ Nhượng đã rất ham học và học rất giỏi. Năm 1959, cụ lên đường nhập ngũ vào chiến trường Đông Nam B. Sau khi đất nước được giải phóng, năm 1975, cụ Nhượng về công tác tại Đà Nẵng rồi được cử đi học Trung cấp Biên phòng và sau đó về công tác tại Trường Đại học Biên Phòng cho đến lúc nghỉ hưu.
Trong thời gian nghỉ hưu, cụ Nhượng thấy người dân vùng Hương Thọ quanh năm bán mặt cho ruộng đồng, nhiều em học sinh không có điều kiện theo học đến nơi đến chốn. Sẵn có kiến thức về các môn học tự nhiên, cụ Nhượng bàn với gia đình mở lớp học miễn phí cho các cháu học sinh nghèo. Ngoài ra, vợ chồng cụ còn nuôi ăn ở một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt trong nhà.
Cụ giáo làng Phan Chí Nhượng gần 15 năm mở lớp học miễn phí cho học sinh nghèo miền núi |
“Nói là dạy học cho các cháu nhưng bản thân tôi vừa dạy nhưng cũng vừa học để trang bị thêm kiến thức vì chương trình giáo dục luôn đổi mới. Mình không học thì không theo kịp để truyền đạt lại”, cụ Nhượng cho hay.
Chính vì vậy, cụ Nhượng đã bày tỏ nguyện vọng với ban giám hiệu trường THPT Vũ Quang được dự giờ giảng dạy các môn tự nhiên ở trường để cập nhật kiến thức. Vậy là những ngày đầu, ngày ngày cụ Nhượng lại cắp sách đến trường say mê nghe giảng cùng các cháu học sinh. Ngoài ra, cụ Nhượng còn tận tình mời thầy giáo dạy Toán ở trường về tận nhà dạy cho các cháu.
Năm 2004, lớp học đầu tiên của cụ ra đời ngay chính ngôi nhà của mình.Thời điểm đông nhất, lớp học của cụ Nhượng có 20 cháu theo học, trong đó 8 cháu được hai vợ chồng cụ nuôi ăn ở tại nhà.
Không chỉ truyền kiến thức, cụ Nhượng còn rèn luyện kỷ luật cho các em học sinh. Dù tuổi đã cao nhưng nhiều năm rèn luyện trong quân ngũ khiến cụ Nhượng vẫn rắn rỏi và phong độ. Cứ 4h30 mỗi buổi sáng, các cháu ở trong nhà đều được cụ thức dậy để rèn luyện thân thể như: tập thẻ dục, tập tạ, nhảy dây, cầu lông… Nhờ chế độ rèn luyện cùng học tập tập khoa học mà sức khỏe và kết quả học tập của các cháu đều được cải thiện rõ rệt.
Như trường hợp em Nguyễn Quang Sang. Nhà Sang khó khăn, lớp 5 em được bố mẹ gửi sang nhà cụ Nhượng kèm cặp. Từ một học sinh trung bình, Sang đã trúng tuyển vào Học viện Quân y với 29 điểm.
Nhờ sự tận tình dạy dỗ của cụ Nhượng, năm 2017 em Trần Quang Sáng đã đậu Học viện Quân y với số điểm 29. |
Trong gần 15 năm qua, lớp học cụ Nhượng đã giúp cho hàng chục em đậu Đại học. Nhiều kỹ sư, bác sĩ, công an… đều được chắp cánh từ lớp học này như: Thiếu úy Nguyễn Văn Quý, hiện đang là nhân viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình); Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thái, Trợ lý Tham mưu kế hoạch, Phòng Hậu Cần, Sư đoàn 370; Trần Tuấn, Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn và Kỹ sư Nguyễn Văn Báo (cả hai đều tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Chia sẻ về bí quyết dạy học của mình, cụ Nhượng khiêm tốn: Tôi không có bí quyết gì cả. Tất cả là nhờ sự nổ lực của các cháu. Còn tôi nếu có chắc là tình thương đói với các cháu thôi. Vì thương nên mình hiểu được tâm tư, tính cách của các cháu. Trước rèn đức sau mình rèn trí.
Người công dân mẫn cán
Không chỉ dạy học, cụ Nhượng còn tham gia tích cực các hoạt động của địa phương. Năm học 2010 -2012 là năm số học sinh đông nhất, cụ vừa kiêm thêm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện. Dù nhiệm vụ nào cụ cũng làm hết khả năng của mình.
Ông Nguyễn Văn Cúc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hương Thọ cho biết: “Việc làm của cụ Nhượng là một việc làm rất nhân văn. Trong nhiều năm qua, nhờ sự tận tình giúp đỡ của cụ Nhượng mà nhiều học sinh đã tiến bộ rõ rệt. Công tác khuyến học, khuyến tài tại Hương Thọ đã có nhiều khởi sắc”.
Không chỉ mở lớp học miễn phí, vợ chồng cụ Nhượng còn nuôi ăn ở nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. |
Những việc làm ý nghĩa của cụ Nhượng đều có sự đóng góp từ phía người vợ của mình - bà Thái Thị Nhuần. Hàng ngày, ông dạy học, bà lại cơm nước gặt giũ cho các cháu. Ngoài chợ búa, điện nước hằng ngày, bà còn dè sẻn chi tiêu để ông sử dụng tiền lương để mua sách giáo khoa, sách tham khảo để cho các cháu ôn luyện.
“Thành quả của các cháu là niềm vui, niềm động viên cho vợ chồng tôi tiếp tục. Tuổi nào việc đó, cứ có ích còn có sức thì mình làm thôi”, bà Nhuần tâm nguyện.
Tác giả: Phượng Dũng
Nguồn tin: Báo Dân trí