Pháp luật

Công ty đăng ký 'dịch vụ cầm đồ' lừa dân gửi tiết kiệm hàng chục tỉ đồng?

Nhiều khách hàng miền Trung đã gửi tiết kiệm vào Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Họ nhận được những cuốn sổ chứng nhận tiết kiệm nhưng đến kỳ hạn thì không thể rút lãi và gốc ra được.

Sổ tiết kiệm công ty cấp cho khách hàng khi huy động tiền - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Chết tôi rồi, toàn bộ tiền tiết kiệm đều gửi vào đây. Vì tôi thấy sổ này không khác những cuốn sổ tiết kiệm ngân hàng nên mới tin tưởng gửi tiền vào nhưng không ngờ không rút ra được" - chị N.T.M.P. nói.

Bất thường công ty cấp sổ tiết kiệm

Đầu năm nay, qua giới thiệu trên một nhóm Zalo, chị P. (quận Hải Châu, Đà Nẵng) được Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital tiếp cận giới thiệu dịch vụ tiền gửi tiết kiệm. Trong một lần bán thuốc bắc, khách hàng này được mời đến trụ sở công ty trên đường 2-9 (quận Hải Châu) với dịch vụ và không gian bày bố như một ngân hàng.

Được giới thiệu sổ tiết kiệm, an tâm tin tưởng nên ngày 11-1 chị P. mang 500 triệu đồng tiền mặt đến gửi tại đây. Công ty viết phiếu thu và cấp sổ ghi "Giấy chứng nhận tiết kiệm" với số hiệu AA89948, trong đó ghi rõ lãi suất 9,5%/năm với ngày đáo hạn là ngày 11-7.

Sổ do ông Trương Quốc Thái, giám đốc Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital, ký tên đóng dấu.

Sau lần được cấp sổ này, nhân viên công ty thường xuyên nhắn tin mời gọi chị tham gia gửi tiết kiệm. Thấy lãi suất huy động 9,5%/năm, vả lại công ty còn "nhiệt tình" đến tận nhà thu tiền gửi tiết kiệm mà không phải đi lại nên chị P. gom góp thêm tiền hàng và từ người thân gửi thêm 3 cuốn sổ nữa.

Tổng cộng 4 cuốn sổ tiết kiệm do công ty này chứng nhận, chị gửi số tiền hơn 872 triệu đồng. Vào ngày 11-7 và 1-10 vừa qua, khi sổ tiết kiệm đến hạn, chị tìm tới trụ sở công ty này để rút lãi và gốc nhưng không được. Công ty hứa hẹn nhiều lần rồi... đóng cửa miễn tiếp khách.

"Toàn bộ tài sản tôi đều gửi vào đây nhưng đến nay ba trong số bốn cuốn sổ đã đến kỳ hạn nhận lãi và gốc nhưng không liên lạc được với giám đốc. Liên lạc với nhân viên trước đây đến nhà thu tiền thì nhân viên ú ớ trả lời không biết giám đốc ở đâu rồi sau đó khóa máy" - chị P. nói.

Theo chị P., vì thấy công ty có logo, trang trí và điều hành tương tự một chi nhánh ngân hàng, khi cấp sổ tiết kiệm thì không khác gì sổ tiết kiệm ngân hàng mà trước đây chị vẫn hay gửi nên chị mới giới thiệu thêm người thân trong gia đình.

Tương tự chị P., khách hàng tên H. (quận Sơn Trà) bắt đầu gửi tiền vào công ty này từ năm 2017. Đến nay cả năm sổ tiết kiệm với số tiền 1 tỉ đồng đứng tên ông H. có kỳ hạn nhận gốc và lãi vào tháng 7 và 8-2023 vẫn chưa được thanh toán.

"Trên thực tế tôi gửi còn nhiều sổ chưa tới hạn với số tiền hơn 3,7 tỉ đồng. Nhưng mới có 5 sổ đến hạn đã không được rút tiền ra nên chưa biết thế nào" - ông H. nói.

Ông H. cho biết mình gửi tiền tiết kiệm vào công ty này khá sớm. Trong thời gian đầu vẫn được chi trả tiền lãi đều đặn nên ông an tâm chỉ rút tiền lãi mà không rút tiền gốc. Thậm chí thấy trả lãi uy tín, ông còn bán một số tài sản mang tiền vào gửi tại đây.

Vừa qua khi không rút được tiền, ông có tới chất vấn giám đốc công ty rồi tìm hiểu giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital. Lúc đó mới biết ngành nghề kinh doanh của công ty này là không có huy động vốn. Đồng thời phát hiện có nhiều khách hàng của công ty này cũng gặp tình trạng tương tự ông.

"Ban đầu khi công ty còn huy động tiền của nhiều khách hàng mới thì vẫn mở cửa hứa hẹn với chúng tôi. Giám đốc công ty còn viết giấy nhận nợ vì chưa trả được gốc lẫn lãi cho chúng tôi. Tuy nhiên, sau đó các chi nhánh đều đóng cửa, chúng tôi liên hệ cả giám đốc và nhân viên đều biến mất. Không trả một cắc dù đã quá hạn gần nửa năm" - ông H. nói.

Huy động vốn bất hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có hơn 40 khách hàng của Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital được cấp hàng trăm giấy chứng nhận tiết kiệm đến hạn nhưng vẫn chưa chi trả. Trong đó, số tiền gửi tiết kiệm ít nhất vài trăm triệu, nhiều trường hợp gửi gần 10 sổ tiết kiệm tại công ty này với số tiền gửi từ 2-5 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, công ty này mở bốn chi nhánh tại Đà Nẵng và một chi nhánh tại Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện nay các chi nhánh tại Đà Nẵng có nơi đã trả mặt bằng, có nơi đóng cửa. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ ông Trương Quốc Thái, giám đốc Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital, tuy nhiên không liên lạc được.

Theo luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư Đà Nẵng), điều 98 và điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định rõ chỉ có ngân hàng mới được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân. Còn các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (bao gồm công ty tài chính) chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức, không được phép thực hiện hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân.

Luật sư Tín cho rằng qua nghiên cứu ngành nghề kinh doanh của Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital, cho thấy công ty này có đăng ký ngành nghề kinh doanh là "hoạt động cấp tín dụng khác" nhưng dưới hình thức chi tiết là "dịch vụ cầm đồ" chứ không phải là nhận tiền gửi.

Do đó, việc công ty này tiến hành huy động vốn thông qua hoạt động nhận tiền gửi của khách hàng (bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm...) rồi sau đó cấp giấy chứng nhận tiền gửi cho khách hàng, không chỉ trái với quy định của pháp luật mà còn không phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty.

"Thực tế hiện nay, qua tố cáo của một số khách hàng, công ty đã không thể hoàn trả được tiền gốc và lãi cho khách hàng khi đến hạn, lãnh đạo công ty có dấu hiệu trốn tránh và thoái thác trách nhiệm. Theo tôi, vụ việc này có dấu hiệu rõ nét phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - luật sư Tín phân tích.

Theo luật sư Tín, công ty này đã tính toán rất tinh vi để gây dựng niềm tin nơi khách hàng, khiến khách hàng lầm tưởng về hoạt động kinh doanh tài chính của công ty là hợp pháp.

Trong đó từ việc đặt tên công ty, đăng ký ngành nghề kinh doanh đều có hai chữ "tài chính", tư vấn nhận tiền gửi của khách hàng cho đến việc cấp giấy chứng nhận tiết kiệm tương tự như hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác.

Luật sư đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, điều tra, có biện pháp nhằm kịp thời bảo vệ quyền lợi, tài sản cho khách hàng, đồng thời xử lý các cá nhân, tổ chức có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Huy động tiền gửi tiết kiệm phải được cấp phép

Ngày 12-12, bên lề kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, phóng viên đã cung cấp hình ảnh giấy chứng nhận tiết kiệm của công ty này đến ông Võ Minh - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng.

Theo ông Minh, việc huy động tiền gửi tiết kiệm là hoạt động phải được Nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital không nằm trong danh sách được cấp phép huy động tiền gửi theo quy định của Nhà nước.

"Công ty này làm bậy, làm ẩu, làm liều rồi. Công ty thì chắc chắn không được tiến hành huy động vốn bằng hình thức mở sổ tiết kiệm giống như ngân hàng, lại làm kiểu sổ tiết kiệm y như vậy. Chỉ những ngân hàng, mà phải được Nhà nước cấp phép mới được làm sổ tiết kiệm như vậy" - ông Minh nói.

Ông Minh cũng khuyến cáo người dân cảnh giác, tìm hiểu kỹ các hoạt động huy động tiền gửi để tránh bị lừa đảo.

Tác giả: Trường Trung

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP