Các Sở - Ban - Ngành

Công ty Đăng kiểm Hà Tĩnh khó khăn trước lộ trình cổ phần hóa

“Thu vừa đủ chi” khiến việc đầu tư theo quy định ở Công ty TNHH MTV Đăng kiểm Hà Tĩnh không thể thực hiện được.

Bởi vậy, không dưới 3 lần doanh nghiệp (DN) đã bị Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo sẽ “đình chỉ hoạt động”. Nhưng, điều khiến những người trong cuộc lo lắng như “ngồi trên đống lửa” là năm 2014, DN buộc phải cổ phần hóa (CPH) theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.


Thất bại từ những mô hình thí điểm


Tưởng rằng hoạt động theo mô hình thí điểm công ty TNHH MTV, đăng kiểm xe cơ giới Hà Tĩnh sẽ có nhiều khởi sắc, nhưng không…! “Thực tế cho thấy, 5 DN đang tồn tại ở mô hình này gồm: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đăk Nông và Hà Tĩnh đều trong tình trạng “thu vừa đủ chi” – Giám đốc Công ty Võ Ngọc Sơn cho biết.


Gần 3 năm thực hiện mô hình DN, năm 2012 được coi là năm Công ty TNHH MTV Đăng kiểm xe cơ giới Hà Tĩnh có doanh thu cao nhất với xấp xỉ 2,5 tỷ đồng. Nhưng trừ tất cả chi phí, phần lãi cũng chỉ hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, từ 1.200 đầu xe trở lên, theo quy định phải có 2 dây chuyền kiểm định (lượng xe ở Hà Tĩnh là 1.400). Đó là chưa nói đến diện tích 4.622 m2 của DN là quá nhỏ và chưa đạt chuẩn theo quy định. Bởi vậy, “không dưới 3 lần DN nhận được khuyến cáo bằng công văn từ Cục Đăng kiểm Việt Nam với nội dung, nếu cuối năm 2013 không có thêm dây chuyền thứ 2 thì phải chấm dứt hoạt động. Một dây chuyền có giá gần 3 tỷ đồng, DN không biết lấy đâu ra” – ông Sơn băn khoăn.


Nhận rõ những khó khăn của DN, ngày 18/4/2013, UBND tỉnh ra Quyết định số 1031 giao chỉ tiêu kế hoạch cho DN trong năm 2013 cũng có phần “khiêm tốn”: thu trên 3 tỷ đồng, chi trên 2,9 tỷ đồng.


Bất cập khi cổ phần hóa


Lộ trình của Thủ tướng Chính phủ vạch ra là đến năm 2020, các DN nhà nước phải hoàn tất việc CPH. Tuy nhiên, ngoài thiếu kinh phí đầu tư như đã phân tích ở trên thì nan giải nhất đối với đơn vị hoạt động công ích có thu lại ở khâu cán bộ. Để có chứng chỉ kiểm định viên, người được tuyển dụng phải mất 5 năm học đại học và 3 năm làm việc thực tiễn.

Hàng trăm lượt phương tiện đóng phí bảo trì đường bộ

Các chủ phương tiện đóng phí bảo trì đường bộ tại Công ty TNHH MTV Đăng kiểm Hà Tĩnh. Ảnh: Vũ viễn

Thực tế cho thấy, trong số 9 DN đã CPH trên toàn quốc (trong đó có những địa phương lượng xe dồi dào như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) thì có đến 6 DN bị buộc dừng hoạt động mà nguyên nhân không ngoài việc thiếu cán bộ kiểm định. 3 DN còn lại tồn tại một cách “lắt lay” và chỉ với 1 dây chuyền kiểm định.


Đề án xây dựng Trung tâm Đăng kiểm trên khuôn viên rộng tại xã Thạch Đài (Thạch Hà) đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 6/2011, nhưng cho đến nay, mọi việc mới chỉ dừng lại ở… đền bù đất. Số tiền 46 tỷ đồng phục vụ cho việc xây dựng chưa biết lấy từ đâu? Về chủ trương, tỉnh đồng ý cho DN “tự xử lý” phần diện tích cũ để lấy nguồn đầu tư. Nhưng hiện nay, thị trường bất động sản đang bị đóng băng; hơn nữa nếu bán được thì trong quá trình xây dựng, mọi hoạt động của DN cũng phải dừng lại chờ cơ sở mới… hoàn thành.


Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT thực hiện việc thu phí đường bộ. Đó là một tín hiệu tốt lành đối với các địa phương, nhất là với một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh. Theo quy định thì Bộ GTVT thu 65%, tỉnh thu 35%. “Với lượng xe ở Hà Tĩnh đang lưu hành, tỉnh sẽ có khoảng 14 tỷ đồng/năm. Nếu cho chúng tôi ứng trước 5-7 tỷ đồng để vừa xây dựng cơ sở mới lại không ảnh hưởng đến hoạt động của DN thì đó là một giải pháp tối ưu” – ông Sơn đề xuất.


Hoài Nam

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP