Như đã phản ánh, năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc triển khai dự án cấp nước sạchcho xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo) được đầu tư 12 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay nhiều công trình bị đập bỏ, người dân tự đào giếng khơi để có nước sinh hoạt.
Nhiều người dân bức xúc khi chứng kiến một dự án đầu tư hơn chục tỷ đồng với mục đích cộng đồng, thay đổi cuộc sống bà con xã nghèo bị bỏ hoang....
UBND xã buông lỏng quản lý
Ông Hoàng Minh Ái xác nhận có thực trạng trên xảy ra ở xã Bồ Lý.
Theo ông, dự án cấp nước sạch theo chương trình 134 của Chính phủ được triển khai dựa trên nhu cầu nước sạch cấp bách của bà con, đặc biệt là người dân tộc Sán Dìu trên hai xã Đạo Trù và Bồ Lý.
Ông Hoàng Minh Ái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc |
Đối với xã Bồ Lý, các công trình nước sạch được chia theo cụm gồm Đồng Cà, Tân Lập, Đồng Bụt (bàn giao năm 2010), cụm Chùa Bồi, Bồ Trong (bàn giao năm 2015).
Theo ông Ái, khoảng 80% các cụm công trình trên đang trong tình trạng 'đắp chiếu', người dân không được hưởng giọt nước sạch nào từ khi bàn giao dự án. Nguyên nhân chính là do nguồn nước không đủ để bơm, nặng lượng điện không đủ để vận hành máy và đặc biệt, do mất trộm các thiết bị vận hành...
"Sau khi hoàn thiện các công trình thuộc dự án nước sạch, chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể đối với các tổ vận hành nước sạch từ công tác bảo quản, vận hành máy bơm... công trình thời điểm bàn giao hoạt động bình thường, không có vấn đề gì xảy ra.
Sau bàn giao, UBND xã có trách nhiệm quản lý, bảo quản và vận hành, để các cụm công trình ngưng hoạt động hay hư hỏng, mất trộm, trách nhiệm chính thuộc về UBND xã Bồ Lý" - ông Ái cho biết.
Không trông chờ vào dự án, người dân bức xúc đập bỏ bể nước, tự vay tiền đào giếng khơi |
Sau khi bàn giao cho UBND xã quản lý các công trình nước sạch, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ các chi phí để vận hành tổ công tác trong 3 năm đầu. Sau đó, UBND xã chủ động nguồn thu xã hội hóa để chi trả cho tổ vận hành.
Xã phải tự sửa chữa
Tại các cụm công trình nước sạch ở xã Bồ Lý, rất nhiều công trình như bể nước, máy bơm, hệ thống điều khiển, dây điện đều bị hư hỏng, mất cắp hoặc bị người dân phá hủy. Muốn vận hành trở lại thì bắt buộc ph chi một số tiền lớn để tu sửa các hạng mục trên.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trọng Dân, Chủ tịch UBND xã cho rằng, xã đã có văn bản gửi Ban Dân tộc để xin kinh phí để vận hành lại dự án, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Trước vấn đề này, ông Ái cho rằng: Sau khi bàn giao cho xã quản lý, việc công trình có nước hay không là do xã phụ trách vận hành, Ban Dân tộc đã hết trách nhiệm.
Dự án nước sạch tiền tỉ bỏ hoang nhiều năm nay |
"Xã buông lỏng quản lý để cho người dân tự ý đập bỏ các công trình thì phải tự bỏ tiền ra để tu sửa, chứ không thể trông chờ vào ngân sách của Ban Dân tộc tỉnh được" - lời ông Ái.
Trước thực tế UBND xã ra chủ trương thu phí nước sạch 5 nghìn đồng/m3 nước khiến người dân không đồng tình, lãnh đạo Ban Dân tộc cho rằng: "Khi triển khai dự án nước sạch, người dân được sử dụng miễn phí, không phải bỏ khoản phí nào. Còn UBND xã trưng cầu ý kiến người dân về việc thu phí là không phù hợp".
Tác giả: Đoàn Bổng
Nguồn tin: Báo VietNamNet