Bé tên NTT, sinh năm 2012, hộ khẩu ở quận Tân Bình, TP.HCM. Giấy khai sinh của bé do một người phụ nữ khác đứng tên trong mục “mẹ ruột”, bởi mẹ ruột thật của bé không có tờ giấy tùy thân nào.
Người mẹ trên thực tế của bé T. là chị NTL, năm nay ngoài 40 tuổi. Chị L. nhiễm HIV trước khi sinh con. Nhưng như một phép màu, bé không bị nhiễm mà ngày càng xinh xắn, ngoan ngoãn, thông minh.
Một cuộc đời trượt dài, không lối thoát
Chị L. không nhà cửa, không giấy tờ, đang ở nhờ trong một căn chòi quây bằng vải, nền xi măng, chưa tới 10 m2 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Chị L. rời khỏi gia đình từ năm 13 tuổi, khi đó nhà chị từ Huế vào Tây Nguyên làm việc ở khu kinh tế mới. Tuổi trẻ nổi loạn, bốc đồng, chị nghe lời bạn rủ vào đến TP.HCM xin việc. Từ nhỏ chị đã không biết chữ, tự nhận mình tính cách hơi “tửng tửng”, không thể đi học được. Cha mẹ nhiều lần đòn roi cũng vô ích.
Đến TP.HCM, chị biết thế nào là nỗi cơ cực của cuộc sống vô gia cư. Mới 13 tuổi, xin việc không ai nhận, chị muốn tìm đường về nhà nhưng không nhớ nhà mình ở đâu, xã nào. Sống lang thang trên đường phố, chị bị lạm dụng, bị dụ dỗ, rồi chị chấp nhận luôn việc làm gái mại dâm để kiếm sống khi vẫn đang ở tuổi thiếu niên.
18 tuổi, chị lấy chồng nhưng cuộc hôn nhân ấy cũng nhanh chóng tan vỡ. Chị quay lại con đường cũ. Trong thời gian này, chị bị khách ép chơi hàng trắng và nghiện luôn từ đó.
Năm 2003, chị gặp một anh xe ôm. Anh thường chở chị “đi làm”, sau đó hai người nảy sinh tình cảm. Anh khuyên chị bỏ nghề, tìm công việc lao động bình thường để về ở cùng anh. Nhưng rồi mẹ của anh nhất định ngăn cản cuộc hôn nhân này, không chấp nhận chị làm dâu trong nhà bởi quá khứ của chị. Chị tiếp tục sống bất cần.
Mẹ con chị NTL trong “căn nhà” của mình ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HỒNG MINH |
Trong một đợt kiểm tra, chị bị phát hiện đã nhiễm HIV. Chị phải đi cai nghiện bắt buộc ở Bình Dương, sau đó được đưa qua trung tâm Nhị Xuân, TP.HCM. Trong một lần được cho nghỉ phép về thăm gia đình, chị nghe người quen cho biết gia đình chị đã đùm túm nhau về TP.HCM sinh sống. Chị đi tìm gặp được mẹ và em gái, thuê nhà sống ở Bình Chánh, em gái đã có chồng, cuộc sống cũng rất khó khăn. Họ động viên chị chấp hành tốt nội quy để được về nhà. Cả mẹ và em gái của chị cũng không có tờ giấy tùy thân lận lưng nào.
Thời gian này, người yêu của chị, là anh chàng chạy xe ôm, vẫn đến thăm nuôi đều đặn thường xuyên. Anh hứa với chị dù chị có nhiễm HIV anh vẫn thương, chỉ cần chị cố gắng sống tốt. Chị đã khóc và hứa sẽ đoạn tuyệt với ma túy, chấp hành kỷ luật của trung tâm, cố gắng lao động để được sớm về nhà.
Báu vật của đời
Năm 2009, chị được về nhà. Chị và anh xe ôm về ở với nhau. Lúc này anh nói cho chị biết anh cũng đã nhiễm HIV do lây từ chị trước đó. Nhưng anh không trách cứ gì chị, vẫn ân cần chăm lo cho chị.
Đến năm 2011, sau một thời gian mệt mỏi, chị đi khám mới biết mình đã có thai năm tháng. Chị khóc: “Tôi ở với ảnh từ trước lúc tôi biết mình bị nhiễm, ở miết với nhau mà không có con nên tôi với ảnh cũng không phòng ngừa gì”.
Cái thai lúc đó đã lớn, chị quyết định giữ lại. Khi chị có bầu tháng thứ tám, chồng chị mất. Chị không còn chỗ dựa, đành rời nhà trọ về Bình Chánh mượn đất quây chòi ở tạm. Bé T. sinh ra xinh xắn, khỏe mạnh và ơn trời, bé không bị nhiễm! Chị nhờ một phụ nữ ở quận Tân Bình làm giấy khai sinh cho bé với danh nghĩa là “mẹ ruột”.
Để có tiền lo cho con, chị xin đi làm mướn, phụ việc nhà. Những người ở gần không ai dám mướn chị làm việc, chị phải đi qua quận khác xin làm việc nhà theo giờ. Sức khỏe của chị cũng không tốt nên chị làm một ngày nghỉ một ngày.
Bé T. tới tuổi đi học, chị đến một trường công ở huyện Bình Chánh xin cho bé đi học nhưng bé có hộ khẩu (theo “mẹ ruột” trong giấy khai sinh) ở Tân Bình trong khi ở Bình Chánh lại không có tạm trú nên không được nhận. Các trường tư đều quá khả năng chi trả của chị. Đưa con về Tân Bình thì chị không đủ sức, riêng tiền trả nhà trọ đã quá sức của chị rồi.
Chị đến gặp một cô giáo dạy kèm tại nhà xin cho con gái theo học để biết mặt chữ, mỗi tháng học phí 300.000 đồng.
Cũng vì không có giấy tờ tùy thân nên chị L. không thể mua bảo hiểm y tế, không thể xin nhập hộ khẩu vào đâu được. Hiện nay có một tổ chức xã hội giúp đỡ chị mua thuốc ARV để uống.
Bé T. rất lanh lợi, xinh xắn. Bé hay nói: “Trong lớp dạy kèm, cô khen con tiếp thu bài nhanh. Nhưng cô nói con muốn học lên cấp II thì phải vô trường học đàng hoàng. Con muốn được đi học như các bạn”.
Chị L. mong rằng sẽ có ngôi trường nào đó nhận bé với mức học phí thấp. Chị nói: “300.000-500.000 đồng thì tôi ráng lo được. Hơn nữa thì tôi không đủ sức…”.
Một tin rất vui là một độc giả của báo Pháp Luật TP.HCM, chị Nguyễn Thị Minh Giang, làm việc tại Tập đoàn Mekong Capital, khi biết câu chuyện này đã quyết định hỗ trợ bé một phần học phí trị giá 10 triệu đồng. Để bé có tương lai tốt hơn, chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và của trường học có thể tạo điều kiện cho bé theo học. |
Tác giả: HỒNG MINH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM