Chiều tối ngày 24/10, thông tin tới Dân trí, ông Phạm Văn Công, Phó trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho hay, chiều cùng ngày Cục trưởng Cục Người có công Bộ LĐ-TB&XH – ông Đào Ngọc Lợi- đã gọi điện cho lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh thông báo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trực tiếp chỉ đạo yêu cầu Cục Người có công khẩn trương vào cuộc, sớm trình hồ sơ của đối tượng để Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết thấu đáo.
Tên "liệt sĩ" Nguyễn Hữu Quỳ được khắc trên văn bia Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ xã Cẩm Nhượng từ năm 1962 nhưng đến nay ông Quỳ vẫn chỉ là liệt sĩ chưa chính danh do chưa được Chính phủ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công, chưa được truy phong là Liệt sĩ. |
Theo ông Công, Cục trưởng Cục Người có công yêu cầu Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trên cơ sở hồ sơ mà gia đình đối tượng đề nghị cấp bằng nhưng bị trả về thì nay cho gia đình đối tượng vận dụng, bổ sung thêm cuốn Lịch sử Đảng bộ xã có ghi trường hợp Nguyễn Hữu Quỳ là liệt sĩ để trình UBND tỉnh, Cục Người có công, trước khi Cục báo cáo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Ông Công cũng cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo nêu trên, ngay trong chiều qua Phòng Người có công của sở đã liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên thông tin tới địa phương và gia đình đối tượng nội dung chỉ đạo nêu trên.
Đến tối cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Định, con trai “liệt sĩ” Nguyễn Hữu Quỳ mừng tủi thông tin tới PV Dân trí, ông vừa được biết về nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về hồ sơ của cha mình.
“Tôi rất mừng là cuối cùng Bộ trưởng cũng đã có chỉ đạo, giải quyền quyền lợi chính đáng cho cha tôi, gia đình tôi”- ông Định nói.
Đơn ông Nguyễn Hữu Định, con trai "liệt sĩ" Nguyễn Hữu Quỳ gửi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về sự thiệt thòi của người cha. |
Ông Định cho biết thêm, ngay trong ngày hôm nay, ông sẽ có mặt tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh để bổ sung thêm tài liệu theo yêu cầu.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, bố ông Định là cụ Nguyễn Hữu Quỳ, SN 1920, nhập ngũ năm 1947, bị địch Pháp bắt rồi xử tử 1951, được chính quyền địa phương truy điệu từ năm 1962, được khắc ghi trên văn bia Đài tưởng niệm và Lịch sử Đảng bộ xã, lưu danh trong danh sách liệt sĩ của huyện, được hưởng chế độ hương khói của liệt sĩ theo chế độ Nhà nước ban hành.
Thế nhưng suốt hàng chục năm qua cụ Quỳ vẫn chưa được Chính phủ công nhận Liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Dân trí