Tưởng rằng hành quyết người đứng đầu ngay tại phiên họp chính chợ Hội, ý chí chiến đấu của những người cộng sản và phong trào chống Pháp bị đập tắt, nhưng không, hành động đó đã thổi bùng ngọn lửa căm thù và ý chí quyết tâm của những người cộng sản và quần chúng nhân dân…
Chân dung người bí thư huyện ủy đầu tiên huyện Cẩm Xuyên…
Đồng chí Nguyễn Đình Liễn sinh năm 1898 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại làng Lương Điền, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng). Ngay từ nhỏ, được nuôi dưỡng trong truyền thống yêu nước, căm thù giặc Pháp, ông sớm nuôi chí lớn, dồn sức học chữ Hán, chũ Quốc ngữ và tìm đọc các sách báo tiến bộ.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông được khỏi đầu sau phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du, năm 1925, ông bắt liên lạc với người em ruột là Nguyễn Đình Cương phụ trách tỉnh hội Quảng Trị và đồng chí Hà Huy Tập (sau này là Tổng Bí thư của Đảng). Qua lời giới thiệu của em trai ông được kết nạp vào tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội vào năm 1927. Những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các chiến sỹ cộng sản kiên trung, đồng thời được truyền bá các tài liệu nói về chủ nghĩa cộng sản, về cách mạng tháng Mười Nga và phong trào cách mạng thế giới, Nguyễn Đình Liễn hiểu rằng con đường lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Giữa năm 1927, Nguyễn Đình Liễn được Tỉnh Hội Quảng Trị giao trách nhiệm xây dựng cơ sở hội tại Hà Tĩnh. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng nhiệt tình cách mạng cùng sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Hà Huy Tập đến cuối năm 1928, ông đã thành lập được ở huyện Cẩm Xuyên một Liên chi hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội gồm 5 chi hội và 32 hội viên do ông trực tiếp lãnh đạo… Ngày 3-2-1930 cũng là ngày thành lập Đảng Nguyễn Đình Liễn trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên. Ngày 17-7-1930 tại Đại hội huyện Đảng bộ Cẩm Xuyên lần thú nhất, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên. Bấy giờ phong trào cách mạng Xô- Viết Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đang lên cao. Ngày 8- 9-1930 Nguyễn Đình Liễn trực tiếp tổ chức và lãnh đạo hàng ngàn nông dân huyện Cẩm Xuyên giương cao cờ đỏ búa liềm rầm rộ kéo ra thị xã Hà Tĩnh. Chính quyền thực dân và tay sai hoảng hốt, huy động binh lính đàn áp. Nguyễn Đình Liễn và hàng chục người khác bị bắt. Sau một thời gian giam cầm và dùng mọi ngón đòn tra khảo nhưng không lung lạc được ý chí chiến đấu và tinh thần bất khuất của người chiến sỹ cộng sản, ngày 2-1 Thực dân Pháp và chính quyền Nam triều dẫn Nguyễn Đình Liễn về xử chém tại Gia Hội huyện Cẩm Xuyên vào đúng phiên chợ Hội để uy hiếp tinh thần nhân dân. Nhưng hành động đê hèn đó không đạt hiệu quả như ý muốn, trái lại phong trào yêu nước và đấu tranh chống Pháp lan rộng…
Cảm phục ý chí và nghị lực của người bạn, người đồng chí, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hữu Thiều bấy giờ đang ở nhà lao Hà Tĩnh đã làm câu đối ngợi ca: Đấng trượng phu xem chết như chơi, tha hồ một lát gươm đưa, chín suối chôn sâu thù đế quốc!. Bạc chí sỹ quên mình là phải, bao quản muôn trùng sóng dậy, năm châu mở rộng cửa dân quyền
Nghĩa cử tri ân…
Cẩm Xuyên là nôi của quê hương cách mạng đã sản sinh ra những người con ưu tú như: cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót. Sự hy sinh anh dũng của Bí thư Huyện ủy đầu tiên huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Đình Liễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp một lần nữa tô thắm thêm truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường của dân tộc, là niềm tự hào đối với người Hà Tĩnh nói chung và nhân dân huyện Cẩm Xuyên nói triêng.
“ Lẽ ra nhà thờ tưởng niệm cố Bí thư huyện ủy đầu tiên phải được thực hiện sớm hơn để thể hiện lòng tri ân đối với sự đóng góp công sức trí tuệ và xương máu của ông, tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan nên công việc này mới được tiến hành từ cuối năm 2010 đến nay. Sau lể khánh thành 23-7 năm nay, huyện sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để nâng tầm nhà tưởng niệm thành di tích văn hóa cấp tỉnh, đồng thời làm các thủ tục truy tặng danh hiệu Anh hùng liệt sỹ cho cố Bí thư huyện ủy Nguyễn Đình Liễn” – Bí thư Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Huyên cho biết.
Nỗi niềm đau đáu vì chưa thể thực hiện trọn vẹn được đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã được chuyển hóa thành hành động cụ thể và thiết thực khi ngày 25-3-2010, Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên đặt bút ký công văn số 1562, kêu gọi toàn Đảng bộ, nhân dân quyên góp xây dựng nhà thờ liệt sỹ Nguyễn Đình Liễn. Theo đó đối với mỗi cán bô, đảng viên là công chức mỗi người đóng góp tối thiểu một ngày lương; đối với đối tượng không hưởng lương thì tùy theo điều kiện tự nguyện đóng góp một hình thức phù hợp. Qua hơn một tháng triển khai phát động, với tình cảm và trách nhiệm đối với sự hy sinh anh dũng của người đã khuất phong trào quyên góp đã bước đầu đạt kết quả ngoài tầm mong đợi với tổng số tiền quyên góp được trên 400 triệu đồng. Được sự nhất trí của người thân gia đình liệt sỹ Nguyễn Đình Liễn, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định xây dựng nhà thờ liệt sỹ Nguyễn Đình Liễn trên nền đất cũ của ông với diện tích hơn 1.400m2 tại xã Cẩm Hưng. Công trình chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 14-12-2010 với các hạng mục: nhà thờ, sân nền, tường rào…Do khủng hoảng kinh tế kéo dài, nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hẹp lại chia làm nhiều giai đoạn và thời tiết bất lợi kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nhưng cho đến nay với quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo Ban Thường trực, thường vụ huyện ủy đã hoàn tất các hạng mục với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó các nguồn của huyện là 846 triệu đồng.
Ngày 23-7- 2012 là một ngày đáng nhớ không chỉ đối với gia quyến của người đã khuất mà là dịp để những người dân, người đảng viên thể hiện tình cảm và tri ân đối với người đồng chí đã hy sinh cho đất nước nở hoa hôm nay. Có thể là muộn nhưng công trình được đưa vào sử dụng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho lớp lớp các thế hệ noi theo.
Hoài Nam
Báo Hà Tĩnh