Câu chuyện những thầy giáo cắm bản ở xã miền núi Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa dạy học trong điều kiện khó khăn, vừa tất tả đi xin quần áo, sách vở cho học trò là hình ảnh đẹp đầu năm học mới.
Hơn nữa, còn cho thấy lòng nhân ái, nhất là của những người thầy - vốn là những người nhạy cảm dường như không có giới hạn của giàu nghèo, không phải chờ đủ đầy mới có thể cho đi. Còn rất nhiều người thầy trên khắp mọi miền đất nước luôn dang rộng vòng tay yêu thương, hào phóng của mình ngay cả lúc họ khó khăn nhất.
Đó còn là câu chuyện về thầy giáo Huỳnh Văn Thế, giáo viên Văn tại Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long. Thầy Thế mang bệnh hiểm nghèo, gia đình khó khăn nhưng một lòng đau đáu về văn hóa đọc của học trò. Nhiều năm gần đây, thầy đứng ra tổ chức những ngày hội sách, Tết sách cho học trò để tặng sách, khuyến khích các em đọc sách. Thầy có niềm tin, sách sẽ giúp các em tư duy, bản lĩnh và biết yêu thương nhiều hơn.
Để tổ chức được những ngày hội sách, thầy tự “gõ cửa” ở những nơi có thể hỗ trợ mình để xin sách, xin tiền mua sách và chính bản thân thầy cũng “xén” đồng lương eo hẹp của mình để mua sách cho học trò.
Thầy Huỳnh Văn Thế (đứng giữ) giáo viên Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long không mệt mỏi trong việc đưa sách đến với học trò |
Đó là câu chuyện hơn cả trong cổ tích về cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương, dạy học tại Trường tiểu học An Phú, Củ Chi (TPHCM). Chồng mất sức lao động, một mình cô Phương cáng đáng cho gia đình có con nhỏ và má chồng lớn tuổi nhưng không vì thế mà cô chọn cách “nắm chặt” bàn tay của riêng mình. Ngược lại, những gì cô làm, cô cho đi... làm người khác phải ngỡ ngàng.
|
Trước thềm năm học mới, cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương lại tất tả giữ con đường đến trường cho học trò nghèo |
Nhiều năm nay, cô Phương không e dè trích tiền lương ít ỏi của mình để mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho học trò. Trước thềm năm học mới, lại thấy cô Phương vừa tất bật lo chuyên môn vừa đi rong ruổi tìm đến nhà những học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học để động viên, tìm cách giúp đỡ các em. Qua đây những mảnh đời éo le của nhiều học trò được chia sẻ, có em bố mẹ mất, có em bị bỏ rơi, sống với ông bà, người thân... con đường đến trường vô cùng gập ghềnh
Đến nỗi, bây giờ không chờ cô Phương tìm đến, nhiều học sinh nghèo khi phải bỏ học còn chủ động tìm đến cô Phương nhờ giúp đỡ. Hiển nhiên, cô Phương không có đủ tiền để lo cho các em đến trường nhưng cô Phương có thể đi... xin, kêu gọi mọi người giúp đỡ và hơn hết cô truyền cho các em nhiệt huyết học để thoát nghèo, học để thay đổi tư duy.
Chưa hết, giữa làng quê nghèo An Phú, le lói chút ánh sáng khi giữa căn nhà cấp 4 xệp xệ của gia đình cô Phương trở thành thư viện sách thu hút các em học sinh, người lớn và và người già đến đọc sách. Thư viện với hàng ngàn đầu sách cũng do cô Phương đi xin, được hỗ trợ hoặc chính cô bỏ từng đồng tiền gom góp được ra mua.
Đó là câu chuyện về thầy Ninh Văn Dậu, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã la HDreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) nhiều lần vượt đường rừng để “lấy” học sinh bỏ học quay lại lớp làm nhiều người xúc động rớt nước mắt.
Thầy Dậu tự thấy mình thất bại khi học sinh bỏ học. Thấp thỏm khi không thấy học trò đến lớp và nghẹn ngào gọi điện để “rủ” học sinh quay lại lớp nhưng cậu học trò không nghe máy.
Thầy Ninh Văn Dậu ở Gia Lai "rước" học sinh quay trở lại lớp |
Không ngần ngại, không phó mặc, bỏ cuộc, 4 - 5 lần thầy Dậu đến nhà và 3 lần lên tận rẫy của gia đình học sinh cách gần 20 cây cây số thầy đã “bắt” được cậu học trò tên Gôl nhiều lần bỏ học quay lại lớp.
Điều kiện gia đình thầy Dậu cũng vô cùng éo le, thầy đang ở nhà tập thể, mẹ bị bệnh ung thư... nhưng thầy vẫn làm những gì có thể trong khả năng của mình cho học trò. Như thầy tâm tư, đồng lương eo hẹp, có thể chỉ giúp chút ít về kinh tế nhưng có thể chia sẻ với học trò về mặt tinh thần để có thêm động lực học tập.
Chuyện thầy Dậu vô rẫy “lấy” học trò làm bao người nghẹn ngào, xúc động. Còn bản thân thầy lại thấy đây là việc bình thường của người thầy mong muốn học sinh trở lại lớp, nhiều giáo viên tại các bản lảng nhiều năm qua cũng làm mọi cách để “giữ chân” học trò.
Giáo viên của chúng ta còn rất nghèo, đồng lương thấp, điều kiện làm việc còn hạn chế. Nhưng nghèo, khó khăn chưa bao giờ là rào cản để họ yêu thương và trao đi. Và họ đang tiếp thêm những ngọn lửa của lòng nhân ái, những câu chuyện đẹp giữa đời thực chứ không phải trong cổ tích hay sách vở.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí