Dự tọa đàm có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đinh Xuân Việt, các chuyên gia của tổ chức UNESCO đến từ một số trường đại học tại Anh, Nhật Bản, trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Viện dân tộc học và văn hóa dân gian Croatia, các giáo sư, tiến sỹ, chuyên viên thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Tường trực Tỉnh ủy Đinh Xuân Việt khẳng định những giá trị văn hóa, nghệ thuật của làn điệu dân ca ví giặm. Từ xưa đến nay, dân ca ví giặm đã gắn bó với đời sống lao động, sản xuất của nhân dân giúp người dân giải tỏa những mệt nhọc và gắn kết tâm hồn. Trải qua thăng trầm của lịch sử, dân ca ví giặm đã ít nhiều bị mai một nhưng sức sống của loại hình nghệ thuật này vẫn trường tồn.
Hiện nay, cùng với tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực nhằm sưu tầm và bảo tồn dân ca ví giặm. Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia và Bộ VH – TT & DL để dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh sớm được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại”.
Chuyên gia nước ngoài chia sẻ những cảm nhận về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam và địa phương đã chia sẻ với các chuyên gia nước ngoài những đặc trưng cơ bản của dân ca ví, giặm. Qua đó cũng trả lời những câu hỏi của các chuyên gia về phương pháp bảo tồn dân ca ví giặm hiện nay như: Tư liệu hóa qua băng đĩa và in ấn, thành lập các CLB và đưa dân ca vào trường học, truyền dạy trong gia đình, dòng họ; Về vai trò ngang bằng nhau của nghệ nhân nam hay nữ trong việc bảo tồn; Về sức mạnh tái sinh trong âm nhạc của dân ca ví giặm v.v…
Kết thúc buổi tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Chí Bền đã khẳng định: Đây là hoạt động quan trọng để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và công nhận Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Các ý kiến của các đại biểu hôm nay giúp Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam định hình việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này. Chặng đường đi tới việc được công nhận rất cần sự chung tay nỗ lực rất lớn của các chuyên gia cũng như các nhà nghiên cứu.
Trước đó, đoàn đã đi điền dã, tham gia sinh hoạt văn hóa dân ca ví giặm tại làng Trường Lưu và Phù Việt nhằm khảo sát đánh giá các giá trị dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh.
A.H
Báo Hà Tĩnh