Trước hết, phải biết phân biệt hóa chất mà Formosa nhập về dùng trong vận hành bình thường và hóa chất dùng để tẩy rửa, thụ động hóa bề mặt trước vận hành.
Vì vận hành bình thường thì thường nồng độ hóa chất sử dụng rất thấp và hệ thống xử lý nước thải đã được thiết kế để có thể xử lý được các chất thải này. Còn khi tẩy rửa bề mặt và thụ động hóa bề mặt kim loại trước vận hành sẽ phải sử dụng hàm lượng cao gấp nhiều lần và thường là trong giai đoạn này hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy chưa sẵn sàng nên họ thường tìm cách đổ ra môi trường. Đặc biệt là các nhà máy không nằm trong khu công nghiệp tập trung, không có nơi xử lý giúp trong giai đoạn đầu.
Vì vậy nên tập trung vào làm rõ các Hóa chất mà Formosa nhập về để tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại cho hệ thống. Đặc biệt, tập trung vào các hóa chất mua của các nhà sản xuất là Trung Quốc hoặc Đài Loan…
Trong việc truy tìm độc tố, vì các loại cá chết là ở tầng đáy nên chúng ta phải tập trung vào các độc tố là các muối của kim loại nặng có tỷ trọng lớn hơn nước biển. Vì các hóa chất sau khi thải sẽ tập trung và ít bị phân tán khi bị đưa ra biển. Trong khi đó, các chất hoạt động bề mặt để tẩy rửa dầu và chất diệt vi sinh thường có tỷ trọng gần bằng nước biển nên dễ bị pha loãng và phân tán trong môi trường biển nên rất khó đủ nồng độ để làm cá chết.
Trạm quan trắc tự động xả thải của FHS. Ảnh: Trần Tuấn
Nói về độc tố gây chết cá, trong lĩnh vực hóa học và sinh học thì có vô số. Vì vậy, phải nắm thành phần các hóa chất thường dùng và thường tạo ra trong quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại thường là gì? Đó là: Sắt, Kẽm, Molybdate, Phosphate (tổng). Vì vậy nên tập trung vào phân tích các chỉ tiêu này trong dạ dày cá hay nước biến tại những nơi nuôi trồng thủy sản vẫn còn mẫu nước này, từ đó mới kết luận có hay không có liên quan đến xả thải của Formosa. Nếu chỉ phân tích COB, BDO, pH, Độ mặn,…thì không thể kết luận liên quan đến Formosa được.
Để kiểm tra Formosa có thải những chất nói trên ra biển hay không thì phải kiểm tra số liệu, ngày nào họ tẩy rửa và thụ động hóa, lượng hóa chất tiêu thụ là bao nhiêu, thể tích nước đã dùng đã tẩy rửa và thụ động là bao nhiêu. Bao nhiêu ppm (mg/l) kim loại nặng đi vào hệ thống nước thải, họ đã xử lý bằng phương pháp nào để đạt được các chỉ tiêu nước thải công nghiệp ra môi trường? Dữ liệu chứng minh họ đã phân tích và theo dõi trong quá trình xử lý đâu?
Thêm nữa, ở góc độ chuyên môn, việc xử lý kim loại ra khỏi nước thải là rất khó, nếu muốn xử lý đạt chuẩn trước khi thải thì chi phí xử lý là rất cao. Thông thường, để loại 1 mg/l kim loại ra khỏi hệ thống thường mất khoảng 10-20 mg/l hóa chất xử lý. Trong khi đó trong quá trình tẩy rửa và thụ hóa bề mặt, hàm lượng kim loại trong nước xả là hàng hàng trăm mg/l. Do đó, muốn xử lý triệt để chi phí sẽ đội lên rất cao, vì vậy các nhà máy luôn tìm cách đẩy nước thải này ra môi trường bằng cách này hoặc cách khác khi chưa xử lý để giảm chi phí
Vị chuyên gia cũng khẳng định, vừa qua cá chết ở tầng đáy là chủ yếu nên khớp với việc sử dụng các chất tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt có tỷ trọng lớn hơn nước biển. Với cá chết trong lồng bè mà chỉ lồng bè ở khu vực lân cận Formosa còn xa hơn thì nồng độ độc trong nước trên bề mặt sẽ loãng dần nên không gây chết cá nuôi nữa.
Để khẳng định Formosa có liên quan đến việc cá chết, còn có thể truy việc họ đã dùng hóa chất tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại thế nào. Sau khi xử lý nước thải, nước sẽ đi ra biển, nhưng bùn thải thì chắc chắn còn tại Formosa, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra độc tố này trên bùn thải tại khu xử lý nước thải. Nếu họ đã nhờ bên thứ 3 xử lý thì vẫn có thể đến bãi của bên thứ 3 để lấy mẫu bùn này và test: Fe, Zn, Mo, PO4. Sau đó lấy mẫu bùn hoặc nước đáy của bè nuôi cá mà bị chết hoặc dạ dày cá để đối chiếu kết quả có hay không liên quan đến Formosa.
Clip Hệ thống xả thải của Formosa Hà Tĩnh