Ngày 21/8, VietNamNet nhận được thông tin có kèm video clip nam sinh H.Đ.H là học sinh lớp 12A2 Trường THPT Trần Thị Dung, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bị nhóm bạn đánh hội đồng trong lớp học.
Ảnh cắt ra từ clip trò H. bị đánh hội đồng.
Trong clip một nhóm nam sinh hết dùng ô đến chân, tay, cùi chỏ đánh vào đầu vào người nạn nhân là em H. Sự việc diễn ra ngay trong lớp học. Người bị đánh chỉ biết ôm đầu chịu trận đòn đau.
Nguồn tin này cho hay học sinh H. đi học thường xuyên bị đánh đập và phải nghỉ học cách đây mấy ngày vì sợ bị đánh đập của các bạn.
Ngày 22/8, có mặt tại Trường THPT Trần Thị Dung, tiếp PV là ông Tống Thế Xuân-Chủ tịch hội đồng quản trị trường, ông Nguyễn Quốc Tuấn-Bí thư đoàn trường kiêm phó ban giám thị trường, ông Phạm Xuân Tuyển-trưởng ban giám thị nhà trường, ông Vũ Xuân Trại – hiệu trưởng nhà trường, ông Phạm Công Hoàn-đại diện hội phụ huynh học sinh trường và cô giáo Nguyễn Thị Thúy-chủ nhiệm lớp 12A2.
Tất cả các vị này cho biết họ khá bất ngờ, sốc và không biết đến clip trò Đ. bị đánh hội đồng ngay trong lớp học như vậy.
Tuy nhiên theo bà Thúy, sau khi kết thúc tiết 1 của ngày 18/8 bà nhận được thông tin học sinh đánh nhau trong lớp. Sự việc ngay lập tức được báo lên ông Tuyển. Giáo viên cũng đồng thời gọi điện cho phụ huynh để thông báo tình hình. Đây cũng chính là vụ việc mà clip ghi lại.
Song chỉ có H.Đ.H.-người bị đánh và trò T.T.Đ (học sinh lớp 12A3) – một trong số các học sinh đánh bạn bị yêu cầu làm bản tường trình và cam kết không gây gổ đánh nhau nữa.
Sau khi xem chi tiết clip, ông Trại cho biết có thể đây là nhóm học sinh lớp 12A3 cùng sang đánh bạn. Nhà trường sẽ tiến hành tìm hiểu tất cả các học sinh có tham gia đánh bạn để có hình thức xử lí kịp thời.
“Học trò chưa ngoan”
Là trường tư thục, xét tuyển chứ không thi tuyển nên như ông Trại, ông Xuân cũng thừa nhận đầu vào của trường thường là những trò yếu về kiến thức văn hóa, không ít em đạo đức chưa ngoạn thậm chí cá biệt.
“Trường lại nằm trên địa bàn phức tạp về an ninh trật tự nhất của tỉnh nên công tác giáo dục đạo đức, kỉ luật cho trò ở đây được coi là nhiệm vụ số 1” – ông Trại cho hay.
Về trường hợp của trò H.Đ.H, cô Thúy cho biết trong lớp em trầm tính, hay bỏ học không lí do. Một số bạn bè trong lớp cũng khẳng định H. có tham gia trong không ít các vụ đánh nhau trong và ngoài trường.
Bảng tường trình và cam kết không gây gổ đánh nhau trong và ngoài nhà trường sau sự việc ngày 18/8 của trò H. và trò Đ. (Ảnh: P.Đăng).
Vụ việc ngày 18/8 H. bị Đ. đánh theo tường trình của Đ. là do trước đó 2-3 ngày Đ. bị H. cầm tuýp sắt dọa đánh ở ngoài trường.
Ông Xuân – một người đã ngoại lục tuần cho biết bản thân mình cũng từng bị Đ. cầm gạch dọa ném khi gặp, nhìn em ngoài đường.
Việc trò H. có những hành vi như vậy, theo ông Xuân có một phần do em hay tụ tập, cậy nhờ vào các “anh chị” ở khu vực.
Cô Thúy cho biết em cũng từng bị lập biên bản vì ăn mặc, đầu tóc không đúng nội quy.
Ông Tuyển cho biết trường đã ít nhất 4 lần yêu cầu H. viết tường trình do mâu thuẫn, xích mích đánh nhau với bạn cùng trường. Với nhiều lỗi vi phạm của H. đáng ra năm lớp 11 nhà trường đã có thể kỉ luật, cảnh cáo đuổi học đối với em.
“Nhưng đuổi học chưa bao giờ là cách làm hay với trò. Đẩy các em ra ngoài xã hội sớm có thể khiến các em hư hỏng hơn. Nhà trường đã bố trí cho H. theo học lớp 12A2 có nhiều trò ngoan để giúp em tiến bộ, hạnh kiểm các năm lớp 10-11 của H. đều được thầy cô động viên ở mức Khá (H. học lực trung bình) với mong mỏi em sẽ thay đổi” – cô Thúy cho biết.
Trò nghỉ học, xin chuyển trường
Sự việc ngày 18/8 xảy ra, H. nghỉ học ở nhà đã được 4 ngày. Suốt mấy ngày qua, các giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên và giám thị đã gọi điện, trực tiếp đến nhà động viên nhưng bà Bùi Thị Liễu – mẹ H. kiên quyết không để con tới trường vì sợ con bị đánh.
“Dù được khẳng định là chỉ là mâu thuẫn giữa các học sinh đã được giải quyết. Các em đã cam kết không vi phạm, gây gổ đánh bạn. Chuyện nếu nghiêm trọng hơn sẽ có nhà trường, công an, pháp luật xử lí nhưng chị Liễu vẫn không để con đến trường” – ông Tuyển cho biết.
Trường THPT Trần Thị Dung, Thái Bình (Ảnh: P.Đăng).
Chiều 22/8, chúng tôi tới gặp vợ chồng bà Liễu tại nhà ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Em H. sau 3 ngày bỏ học đến hôm nay đã đi theo xe tải bốc vác thuê ở huyện Quỳnh Phụ.
Chồng bà Liễu – theo lời bà có dấu hiệu về hoang tưởng. Một mình bà phải đi bốc vác thuê, làm ruộng chăm lo cho ba bố con. Bà nói không biết con ở trường, ra ngoài thế nào nhưng về nhà rất ngoan. “Hè rồi cháu đi làm thuê được hơn 2 triệu là đưa hết cho mẹ”.
Bà cho biết trường chưa bao giờ nói cháu hay xích mích, gây gổ đánh nhau, đi họp phụ huynh cũng không thấy cô nói về vấn đề này. Trong khi cô Thúy chia sẻ dù chỉ là việc nhỏ như trò ăn mặc sai quy cách, đến việc trò bỏ học cô đều báo cho tất cả phụ huynh, không riêng gì em H.
“Lần gần đây nhất (ngày 18/8) thấy con thâm tím mặt mày, tôi hỏi và sau được cô Thúy nói là cháu hay chỉ trò trong đám đánh nhau nên bị vạ lây”. Bà nói mình có hỏi con nhưng con không nói.
Còn theo cô Thúy: Việc trò H. gây gổ, xích mích sau nhiều lần trò vi phạm đến ngày 21/8 khi đến nhà thuyết phục bà Liễu vẫn “một mực bênh con, không cho em đến lớp” khiến cô cả đêm khóc lóc thương trò vì đã 4 ngày không được đến lớp.
Cuối ngày 22/8, tôi nhận được cuộc gọi từ nhân vật chính là em H.Đ.H. Qua điện thoại em cho biết: “Em chỉ có 1 lần đánh bạn học lớp 10. Những lần đánh nhau đều là các bạn của em”.
Em nghỉ học một phần vì sợ, phần vì chán học song được mọi người động viên em hứa sẽ đi học trở lại nhưng sẽ xin bố mẹ rút hồ sơ, chuyển sang trường khác vì không muốn liên quan đến “những ấn tượng xấu, bị nói này nói kia” nữa.