Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An động viên học sinh đang ôn thi tại Cao Bằng. Ảnh: N.H |
Hiện các địa phương đang tổ chức ôn tập “nước rút”, tập trung hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh. Tại các địa phương như Bắc Giang, Phú Thọ, học sinh được chia theo nhóm học lực để ôn tập đạt kết quả cao. Còn tại Hòa Bình, công tác ôn tập cho học sinh được chú trọng hơn bao giờ hết. Những ngày này, thời tiết khá nóng, các lớp học chỉ có sự hỗ trợ là quạt mát, không điều hòa nhưng học sinh, giáo viên đều căng mình để ôn tập.
Tại trường THPT Mai Châu, Hòa Bình, thầy Phạm Công Tác, hiệu trưởng nhà trường cho biết kế hoạch ôn thi cho học sinh của trường bắt đầu từ tháng 10/2018 và kết thúc vào ngày 21/6/2019, sát ngày thi. Như vậy, nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh sớm hơn các năm trước, lựa chọn đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh ôn tập.
Nội dung ôn tập bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, ôn tập sát với từng nhóm đối tượng học sinh. Chú trọng đến đối tượng học sinh xét tốt nghiệp, rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm với các câu hỏi dạng nhận biết, thông hiểu. Theo thầy Tác, điểm thi trường THPT Mai Châu có 303 thí sinh dự thi, trong đó có 15 thí sinh tự do, 66 thí sinh giáo dục thường xuyên còn lại là học sinh của trường.
Số lượng dự thi để xét ĐH, CĐ là 78 thí sinh, chiếm 25,74%. Số còn lại, hơn 74% là xét tốt nghiệp. Số liệu của Ban chỉ đạo thi tỉnh Hoà Bình cho thấy, năm nay, toàn tỉnh bố trí có 37 điểm thi với 393 phòng thi. Số cán bộ tham gia làm quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi là 1.632, trong đó hơn 500 cán bộ đến từ bốn trường đại học, học viện phối hợp làm thi.
“Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hòa Bình là phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, phản ánh đúng chất lượng dạy và học; kiên quyết không để xảy ra sai phạm. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của cả hệ thống chính trị địa phương”, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình nói.
Năm nay, Sơn La có hơn 10.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Tỉnh bố trí 453 phòng thi tại 33 điểm thi và huy động 855 cán bộ địa phương phối hợp với hơn 540 cán bộ của 6 trường đại học, cao đẳng làm công tác quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi. Tại trường THPT Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, cô Lê Thùy Dương, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết ngày 15/6 là kết thúc ôn tập cho thí sinh theo đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT Sơn La. Thời gian còn lại thí sinh tự ôn tập tại nhà. Điểm thi trường THPT Thảo Nguyên có 287 thí sinh dự thi, trong đó có 4 thí sinh tự do và 146 thí sinh dự thi xét ĐH, CĐ.
Yếu tố con người quyết định thành bại kỳ thi
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn TP Hà Nội có 125 điểm thi; 3.119 phòng thi. Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất. Địa phương cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho điểm thi, kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh.
Ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, năm nay địa phương có hơn 13.000 thí sinh đăng ký dự thi tại 36 điểm thi. Có 4 trường ĐH được Bộ GD&ĐT cử về phối hợp tổ chức thi gồm: ĐH Thương mại, ĐH Tân Trào; Học viện Ngoại giao và Cao đẳng Sư phạm T.Ư. Ông Lập cho rằng, kỳ thi được tổ chức nhiều năm, những người làm đã có kinh nghiệm cùng với những điều chỉnh về mặt kỹ thuật của Bộ năm nay, Phú Thọ tự tin khẳng định sẽ không có tiêu cực.
Trong vấn đề coi thi, ông Lập cho rằng, mỗi phòng thi có 24 mã đề thí sinh không thể hỏi bài nhau. Khâu in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi cũng có lực lượng an ninh giám sát 24/24 nên địa phương hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, điều ông lo lắng nhất chính là việc thí sinh có thể sử dụng thiết bị công nghệ cao để đưa đề ra ngoài dẫn tới chuyện lộ, lọt đề, ảnh hưởng rất lớn tới kỳ thi.
Còn theo ông Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, một trong những yếu tố quyết định đến thành công của kỳ thi THPT quốc gia chính là việc chuẩn bị tốt các điều kiện. Theo ông Kiểm, cùng với hệ thống hàng rào kỹ thuật như hiện nay nếu làm nghiêm túc, sẽ rất khó xảy ra gian lận ở bất kỳ khâu nào. Bởi từ khâu in sao, vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi…đều có nhiều lực lượng phối hợp, đặc biệt với sự tham gia giám sát của lực lượng công an.
Theo ông Kiểm, điểm mới trong kỳ thi năm nay là việc cho lắp hệ thống camera ở tất cả các phòng chứa đề thi, bài thi. Ninh Bình năm nay có 24 điểm thi, đã lắp trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để chạy thử.
“Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hòa Bình là phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, phản ánh đúng chất lượng dạy và học; kiên quyết không để xảy ra sai phạm. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của cả hệ thống chính trị địa phương”. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình |
Tác giả: NGHIÊM HUÊ - NGUYỄN HÀ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong