Du lịch

Chùa Minh Thịnh (Can Lộc, Hà Tĩnh): Nơi hội tụ văn hóa tâm linh

Chùa Minh Thịnh (Minh Thịnh Tự) tọa lạc tại thôn Tây Quang Trung (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng vào năm 1487 đời vua Lê Thánh Tông, có giá trị lịch sử văn hóa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân làng Tỉnh Thạch xưa cũng như nhân dân xã Tùng Lộc ngày nay, góp phần vào việc chấn hưng văn hóa dân tộc, hướng con người làm những điều tốt đẹp, có ích cho gia đình và xã hội.

Chùa Minh Thịnh. Ảnh: Viết Hải.

Đến với di tích chùa Minh Thịnh, từ thành phố Hà Tĩnh (trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh) du khách có thể sử dụng các phương tiện như ô tô, xe máy hoặc xe đạp theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 20km đến thị trấn Nghèn (huyện lỵ của huyện Can Lộc). Từ đây chúng ta rẽ tay phải về hướng Đông theo Tỉnh lộ 548 khoảng 5km là đến trung tâm xã Tùng Lộc, tiếp tục đi khoảng 1km trên con đường liên thôn hướng Nam là đến với di tích chùa Minh Thịnh.

Theo cứ liệu lịch sử cho biết chùa Minh Thịnh được xây dựng vào năm 1487 đời vua Lê Thánh Tông, do dân làng xây dựng để thờ Phật pháp và tri ân công đức của các bậc tiền nhân, chư vị tướng sĩ trong đạo quân của vua Lê Thánh Tông tham gia mở mang bờ cõi về phương Nam của Tổ quốc. Chùa được xây dựng trên vùng đất cao ráo gần sông Nghèn, là điểm trú quân của quân đội nhà Lê.

Mặt trước cổng chùa được tu bổ lại theo lối chồng diêm, trên nóc mái có hổ phù mặt trời cách điệu. Ảnh: Viết Hải

Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần trên nền nhà cũ, mang kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Mái chùa đổ bê tông không dán ngói, cột, xà ngang dọc, hoành phi được đổ bê tông, có trang trí hoa văn và trên mái gắn đầu rồng bằng mảnh sứ ghép. Hiện nay đang được lưu giữ như nguyên trạng ban đầu. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ được nguyên vẹn 15 pho tượng Phật cổ bằng gỗ mít sơn son, 03 lư hương bằng gốm sứ cổ, 02 lư hương bằng gỗ mít sơn son thếp vàng và một chiếc mõ cổ có trang trí hoa văn mặt người.

Theo các cụ cao niên trong làng và tài liệu lịch sử cho biết, phong trào cách mạng 1930 - 1931 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, chùa Minh Thịnh là nơi sinh hoạt hội họp gặp gỡ của các đảng viên Đảng cộng sản của xã Tùng Lộc và huyện Can Lộc. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy thường xuyên qua lại chùa để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của xã nhà, vì địa thế chùa rất kín đáo, thuận lợi cho việc tiến thoái khi gặp bất trắc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chùa Minh Thịnh là nơi tập trung dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường…

Chùa Minh Thịnh là một di tích Kiến trúc tôn giáo có cấu trúc kiểu chữ Quốc quay mặt về hướng Tây Nam, bao gồm: Cổng vào, hạ điện, hai nhà thờ các họ tộc có công khai phá vùng đất này và xây dựng nên chùa Minh Thịnh trong lịch sử (họ Viết tộc, Xuân tộc, Yên tộc và Duy tộc - đây là tên lót của các họ trong làng), thượng điện, ngoài ra những năm gần đây nhân dân mới xây dựng thêm nhà Phật điện.

Cổng chùa được xây dựng theo lối nhà rường, mặt trước mới được tu bổ tôn tạo lại theo lối chồng diêm, trên nóc mái có hổ phù mặt trời cách điệu, chính giữ cổng có đề 3 chữ Hán “Minh Thịnh Tự”, trên 04 cột trụ có một đôi câu đối bằng chữ Hán và một câu đối chữ quốc ngữ, câu đối chữ Hán có nội dung sau:

“Đáo vô đường tự thiện vô biên
Kim chỉ nam cứu dân độ thế”
Câu đối bằng chữ quốc ngữ viết cách điệu, có nội dung:
“Chùa linh hương tỏa ngát muôn xuân
Đất Phật mở danh ngàn trí tuệ”

Như vậy, chùa Minh Thịnh có lịch sử ra đời trên 535 năm, trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, chùa vẫn giữ được nhiều dáng vẻ cổ xưa, đây là nơi thờ Phật của nhân dân làng Tỉnh Thạch.

Các pho tượng Phật cổ giá trị có tuổi thọ trên dưới 200 năm được bài trí tại thượng điện còn tương đối nguyên vẹn như ban đầu giúp chúng ta hiểu được về sự phát triển của đạo Phật vùng quê xã Tùng Lộc nói riêng, của huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Ảnh: Viết Hải

Hàng năm vào các ngày lễ chính của nhà Phật như lễ Phật đản (Rằm tháng 4), lễ Vu lan (Rằm tháng 7) và các ngày sóc vọng (ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng), tết nguyên đán… bà con nơi đây đều tổ chức nghi lễ cúng Phật với các hoạt động thiết thực như lễ cầu yên, lễ Phật đản rất trọng thể, trang nghiêm và thành kính, thể hiện đạo lý “Từ bi bác ái”.

Cùng với sự ra đời của làng, một nhu cầu tất yếu của đời sống nhân dân, đó là sinh hoạt văn hóa tâm linh, trong đó đền chùa đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh lịch sử đó, chùa Minh Thịnh ra đời đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng đó của nhân dân.

Tên gọi của chùa cũng phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương, rằng Minh Thịnh là chỗ sáng rõ và thịnh vượng, yên bình để làm ăn và tu nguyện, mang lại mọi điều lành cho tất cả mọi người.

Hai nhà họ tộc (dạng nhà tả hữu vu trong kiên trúc đền) là nơi thờ các họ tộc trong làng có công khai phá vùng đất này và xây dựng chùa Minh Thịnh trong lịch sử (họ Viết tộc, Xuân tộc, Duy Tộc và Yên Tộc). Ảnh: Viết Hải

Với những giá trị lịch sử văn hóa đó, ngày 26/8/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3371/QĐ-UBND công nhận chùa Minh Thịnh (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh./.

Tác giả: Viết Hải

Nguồn tin: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP