Nhiễu loạn thị trường
Việc chính quyền huyện Đức Thọ xây dựng giá khởi điểm đấu giá đất "trên trời" dễ dẫn đến nhiễu loạn thị trường đất trong khu vực. Ảnh: Thanh Nga. |
Nhân việc chính quyền huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh thất bại trong cuộc đấu giá lần đầu 9 lô đất ở xã Lâm Trung Thủy, xin nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu năm liên quan đến vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Hôm đó, ông Phớc nói, đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.
Nói thêm về hiện tượng này bên hành lang Quốc hội, ông Phớc cho hay, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của TP HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính cho rằng, việc đó là bất thường và là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.
Tương tự tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra một mức giá khởi điểm cao ngất ngưởng để đấu giá đất cũng dễ dẫn đến nhiễu loạn thị trường đất trong khu vực.
Chị Phạm Thị Thu bức xúc với cách áp giá bồi thường quá rẻ mạt của xã nên chưa ký nhận vào biên bản nhận tiền đền bù. Ảnh: Thanh Nga. |
Trả lời báo chí, ngành chuyên môn huyện Đức Thọ khẳng định “giá nhà nước (huyện) đặt ra là có cơ sở”, “căn cứ giá thị trường”, song ngay chính những người quản lý nhà nước, đơn vị đứng ra tổ chức đấu giá và người dân có đất bị thu hồi đều há hốc mồm và chưa bao giờ nghĩ rằng giá đất ở xã Lâm Trung Thủy có thể đẩy lên đến hơn 20 triệu đồng/m2. Trong khi số tiền bồi thường cho người dân có ruộng chỉ nằm ở mức chưa đến 200 ngàn đồng/m2. Đây là một sự khập khiễng đến khó tin.
Đấu giá đất khi chưa có hạ tầng là sai
Không chỉ có vậy, Đức Thọ tiến hành đấu giá khi trên thực địa, đất đang ở hiện trạng ruộng lúa, tất cả hạ tầng như điện, đường, nước… đều chưa được đầu tư. Đây rõ ràng vi phạm các quy định của nhà nước vì bán đấu giá đất khi chưa có hạ tầng.
Những lô đất đấu giá từ năm 2020 đến nay xã Lâm Trung Thủy vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: Thanh Nga. |
Trong khi nông dân muốn giữ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực thì những năm gần đây, hàng trăm ha đất hai lúa đã bị huyện Đức Thọ thu hồi, chuyển đổi sang làm cụm công nghiệp; phân lô bán nền đất ở; làm cụm công nghiệp; thương mại dịch vụ; xây dựng trang trại, làm điện mặt trời… |
Thậm chí khu vực ngay bên cạnh, đã bán đấu giá từ năm 2020 đến nay cũng chỉ mới xây dựng được mương thoát nước.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thuỷ thừa nhận, theo quy định phải hoàn thiện hạ tầng mới đưa ra đấu giá, nhưng do địa phương không có nguồn, không thể làm trước được.
“Khu quy hoạch bán năm 2020 chưa có đường, chúng tôi đang đề xuất huyện xin hỗ trợ thêm chứ xã không có tiền để làm. Khi bán đất thành công, xã được hưởng 45%, nhưng địa phương phải chịu khoản kinh phí trả tiền mặt bằng, làm hạ tầng nên rất khó khăn. Vì thế với khu đã bán xong thì giờ đang làm đề xuất xây dựng đường gom trước, còn các lô chưa bán được phải chờ bán thành công đã mới làm”, ông Thọ nói.
Còn 9 lô đất đấu giá ở thôn Hòa Bình mới đây, mặt bằng vẫn chỉ là ruộng lúa. Ảnh: Thanh Nga. |
Căn cứ vào các quy định hiện hành, dư luận tại Hà Tĩnh cho rằng, chính quyền Đức Thọ tổ chức đấu giá đất khi chưa có hạ tầng là sai quy định.
Việc này sẽ có thể tạo tiền lệ xấu cho nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Tĩnh chạy theo lợi nhuận mà quên đi việc phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo quy định, qua 3 lần đấu giá không thành công, giá đất mới được điều chỉnh nhưng chỉ được phép hạ xuống không quá 10%. Với mức hạ này, giá đất đấu giá ở thị trấn Đức Thọ và xã Lâm Trung Thủy vẫn cao ngất ngưởng, người dân nông thôn có nhu cầu mua đất ở khó có thể với tới.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp