Ngày 13/4, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đang khẩn trương làm rõ nguồn gốc một chiếc kim tiêm dài 2 cm được bộ phận cấp dưỡng Trường Khiếm thính Lâm Đồng phát hiện trong lúc chế biến thức ăn cho học sinh vào ngày 12/4, báo Người Lao động đưa tin.
Ngay khi phát hiện sự việc bất thường trên, Ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành lập biên bản, đồng thời mời nhân viên Trạm Y tế phường 4, TP Đà Lạt tới niêm phong, lấy mẫu thịt có cắm chiếc kim tiêm để đi kiểm tra. Trường này cũng đã trình báo vụ việc lên Công an TP Đà Lạt, đề nghị xác minh, làm rõ nguyên nhân xuất hiện kim tiêm trong thịt lợn.
Cơ quan chức năng đã thu giữ miếng thịt có kim tiêm để kiểm tra chất lượng thịt và truy tìm nguồn gốc kim tiêm. (Ảnh: NLĐO) |
Theo trình bày của Ban giám hiệu Trường Khiếm thính Lâm Đồng, từ năm 2015 đến nay, nhà trường có hợp đồng với bà Trần T.T ở khu chợ mới chợ Đà Lạt – cung cấp dài hạn các loại thực phẩm cho trường khiếm thính gồm các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà và các loại rau xanh cho trường để thực hiện các bữa ăn hằng ngày.
Đại diện nhà trường cho biết: Hằng ngày sau khi nhận thực phẩm từ bà T. cung cấp, bộ phận y tế và cấp dưỡng của trường kiểm tra (bằng mắt thường) sau đó mới tiến hành chế biến để phục vụ cho trên 100 học sinh và giáo viên.
Đây là lần đầu tiên nhà trường phát hiện trường hợp bất thường trong thực phẩm.
Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành một mối lo ngại cho cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Thực tế, trường hợp người mua gặp phải tình cảnh kim tiêm trong thịt lợn không phải lần đầu xảy ra ở nước ta.
Trước đó, chiều nay 23/4/2015, một nữ sinh viên trường Đại học Thương mại Hà Nội đã mua một miếng thịt lợn sống ở một cửa hàng thịt trong chợ phía sau trường.
Sau khi làm sạch và luộc chín, cô bổ đôi miếng thịt thì đụng vào một nửa chiếc kim tiêm với đầu nhọn trông y như một cái ngòi bút đang nằm nguyên bên trong.
Nữ sinh viên sau đó đã chụp ảnh lại chiếc kim tiêm và đăng tải trên facebook cá nhân. Cô bình luận: “Không ăn thì chết đói mà ăn vào thì chết khiếp”. Miếng thịt đã bị vứt đi.
Hàng trăm con heo bị tiêm thuốc an thần và bơm nước trước khi giết mổ. (Ảnh: VOV) |
Theo khảo sát gần nhất được Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố thì trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Việt, thịt lợn chiếm tới 73,3%, thịt gia cầm là 17,5% và chỉ 9,2% còn lại là thịt đỏ (bò, trâu, dê, cừu…).
Tuy nhiên, nỗi lo thịt lợn “bẩn” luôn thường trực khi các vụ việc lợn bị tiêm thuốc an thần, chất tạo nạc… bị phanh phui ngày càng nhiều.
Theo các quy định mới của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước.
Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm, tin tức được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.
Tình Nguyên (TH)