Chiều ngày 19/12, Sở GTVT tổ chức buổi họp báo giới thiệu về tuyến buýt nhanh BRT, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài, kinh phí để xây dựng buýt nhanh chỉ bằng 1/10 đường sắt trên cao, 1/20 tàu điện ngầm. Cho nên, tuyến buýt nhanh rất phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Ông Viện lý giải: “Trong tương lai, Hà Nội sẽ có thêm 7 tuyến buýt nhanh nữa. Theo đó, có 3 tuyến sẽ trùng với tuyến đường sắt đô thị. Trong khi 3 tuyến đường sắt đô thị chưa được xây dựng, buýt nhanh sẽ thay thế vận chuyển hành khách.
Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ kéo dài ở dự án buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã là do Việt Nam thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật BRT, có nhiều quy định về buýt nhanh nếu ban hành sẽ mâu thuẫn với các quy định trước đó. Chính vì vậy, vừa làm Sở GTVT vừa phải trình lên các cơ quan chức năng để sửa đổi một số quy định trước đó”.
Ông Vũ Văn Viện – Giám Đốc Sở GTVT Hà Nội và bà Jung Eun Oh – Trưởng ban Giao thông (đại diện Ngân hàng Thế giới, Đồng Giám đốc dự án) trả lời báo chí trong buổi họp báo về tuyến buýt nhanh (BRT) |
“Một nguyên nhân khác mà vị giám đốc Sở GTVT đưa ra là tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã có nhiều đoạn trùng với truyến đường sắt số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo), Cho nên buýt nhanh phải “nhường” tuyến đường sắt số 2 hoàn thành trước”, ông Viện nói.
Trong khi đó, trả lời PV, về tuyến buýt nhanh bà Jung Eun Oh – Trưởng ban Giao thông (đại diện Ngân hàng Thế giới, Đồng Giám đốc dự án) cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là do UBND Hà Nội thay đổi quy định về hành lang dành cho buýt nhanh. Dự án phải thiết kế, quy hoạch lại cho đúng quy định của thành phố.
Bên cạnh đó, tốc độ phát triển giao thông, phương tiện cá nhân ở Thủ đô quá nhanh so với thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Một nguyên nhân nữa là do Hà Nội xây dựng tuyến buýt nhanh đầu tiên nên vẫn còn thiếu khung pháp lý, thể chế dành riêng cho BRT”.
Xe buýt nhanh (BRT) tại bến xe Yên Nghĩa Hà Nội |
Trước những câu hỏi của PV về việc tuyến buýt nhanh chạy song song với các phương tiện khác sẽ làm chậm thời gian di chuyển, ông Vũ Hà – Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Phát triển Giao thông Đô thị cho biết: “Trong trường hợp ùn tắc, các phương tiện có thể chạy cùng với buýt nhanh để giải tỏa áp lực giao thông, nhưng, nếu đường thông thoáng, các chủ xe vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt”.
“Tại các nút giao thông và các nhà chờ đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát. Đây là căn cứ để lực lượng chức năng xử phạt nguội xe vi phạm qua hình ảnh. Ở làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo cho người dân được biết. Phía dưới cũng có vạch sơn kẻ đường phân biệt đường dành cho buýt nhanh và phương tiện khác”, vị này nhấn mạnh.
Cũng trong buổi họp báo, đề cập tới tần suất hoạt động của buýt nhanh, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị cho hay, thời gian hoạt động của tuyến buýt BRT sẽ từ 5h sáng đến 22h tối. Tần suất hoạt động là 5, 10, 15 phút/lượt. Ngày thường sẽ có 356 lượt xe hoạt động và 264 lượt/ngày (chủ nhật).
“Buýt nhanh sẽ rút ngắn được thời gian đi lại tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã là 5 đến 10 phút so với buýt thường. Theo tính toán, mỗi giờ buýt nhanh sẽ vận chuyển được 1.800 lượt khách, đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại trên tuyến”, ông Hải nói.
Thế Anh