Xã hội

Chặn xe rước dâu để đòi tiền nông thôn mới: Có thể bị khởi tố

Bí thư chi bộ và Trưởng thôn tổ chức chặn xe đám cưới để đòi tiền đóng góp làm đường nông thôn mới có thể bị khởi tố.

Mặc dù gia đình bà Nguyễn Thị Thu (ngụ thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) khẳng định lãnh đạo thôn ra đường chặn xe rước dâu để đòi tiền xây dựng nông thôn mới nhưng cả bí thư chi bộ và Trưởng thôn thôn đều cho rằng họ không sai và sẽ không xin lỗi...

Cán bộ thôn Sơn Tây chặn xe rước dâu của gia đình bà Thu.

Cán bộ thôn kiên quyết không xin lỗi

Tối ngày 31/10, thôn Sơn Tây đã tổ chức họp giải quyết việc Bí thư chi bộ Thẩm Thị Linh và Trưởng thôn Phạm Văn Quảng tổ chức chặn xe đám cưới của gia đình bà Thu vào ngày 17/10 để đòi tiền đóng góp làm đường nông thôn mới.

Tuy nhiên, cuộc họp đã không thống nhất được quan điểm. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Lâm Hải - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây cho biết: “Giữa thôn và bà Thu vẫn chưa thống nhất. Ở thôn thì ông Quảng nói qua việc đó cũng thấy thiếu sót, mong bà con thông cảm để thời gian đến sẽ làm tốt hơn. Còn gia đình bà Thu thì muốn nói xin lỗi một tiếng nên chưa thống nhất được”.

“Lãnh đạo thôn Sơn Tây nói nếu tổ chức họp dân thì họ sẽ rút kinh nghiệm. Chứ nếu buộc xin lỗi thì cả Bí thư chi bộ lẫn Trưởng thôn xin viết đơn từ chức. Tôi đã nói, việc mình làm sai thì mình xin lỗi. Đó là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, họ không chịu”, ông Hải cho biết thêm. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thu cho biết: “Trước đông đảo bà con của thôn, ông Chủ tịch UBND xã nói rằng việc của thôn là không đúng, cần phải rút kinh nghiệm. Chủ tịch UBND xã đề nghị thôn và gia đình tôi sớm giải quyết ổn thỏa, thông cảm cho nhau.

Tôi nói số tiền đó gia đình tôi không phải là không đóng mà đang xin miễn giảm vì con trai tôi đã cắt khẩu khỏi địa phương, sinh sống ở nơi khác. Nếu thôn không đồng ý miễn giảm thì gia đình tôi sẽ đóng. Còn việc Bí thư chi bộ và Trưởng thôn tổ chức chặn xe rước dâu của gia đình tôi để đòi tiền giữa đường như vậy là cố tình bêu rếu, xúc phạm danh dự chúng tôi thì phải công khai xin lỗi”.

Về phần mình, bà Linh - Bí thư chi bộ cho rằng, trong vụ việc này lãnh đạo thôn không sai. Bà cho rằng việc chặn xe cưới là do những người dân trong xóm thực hiện vì bức xúc trước việc gia đình bà Thu chưa nộp đủ tiền xây dựng giao thông nông thôn. Việc bà và ông Quảng ra hiện trường không phải để chặn xe cưới mà để giải quyết ổn thỏa cho xe cưới đi.

“Nếu có sai sót, chúng tôi dám đương đầu để nhận lỗi, nhưng ở đây chúng tôi có làm gì sai đâu mà xin lỗi. Nếu buộc xin lỗi thì tôi sẽ viết đơn xin từ chức, chứ nhất định không xin lỗi”, bà Linh nói. Ông Quảng cũng cho biết, ông không xin lỗi gia đình bà Thu.

“Cái này không phải do tôi tổ chức chặn xe rước dâu. Lúc đó người dân ra trước rồi, tôi không ra thì khó. Nếu tôi không ra, hai bên gây gổ nhau thì sao. Còn bảo tôi xin lỗi thì không, vì tôi có sai gì đâu. Giả xử xin lỗi đi thì sau này những người khác họ đâu nể mặt”, ông Quảng nói.

Ép ký biên bản?

Trước đó, theo phản ánh của bà Thu, vào ngày 17/10, trong lúc gia đình bà tổ chức cưới vợ cho con trai thì bất ngờ bị nhiều cán bộ thôn ra chặn xe rước dâu. Trong đó, có bà Bí thư chi bộ thôn và ông Trưởng thôn Sơn Tây. Mục đích chặn xe là để đòi tiền nợ đóng góp làm đường xây dựng nông thôn mới.

Bà Thu cho biết: “Bà Linh và ông Quảng ra giữa đường huy động nhiều cán bộ thôn dùng cây làm barie chặn xe. Họ còn lấy xe máy chặn ngay đầu ô tô, không cho đi. Khi tôi hỏi vì sao lại chặn xe đón dâu, ông Quảng yêu cầu gia đình phải trả ngay tiền nợ đóng góp làm đường xây dựng nông thôn mới thì mới cho xe đi. Họ nói con đường này do Nhà nước hỗ trợ xi măng, dân đóng góp tiền để làm, họ buộc phải trả nợ xong thì mới được đi”.

Lúc bị chặn xe, dù gia đình bà Thu giải thích đây là ngày trọng đại của gia đình, làm vậy không hay, nhưng cán bộ thôn vẫn kiên quyết không cho xe đi. Đến khi bị cán bộ thôn ép ký vào biên bản, xe rước dâu mới được qua.

“Việc chặn xe rước dâu khiến phía nhà gái rất buồn vì đời con gái gả chồng có một lần. Sau khi chặn, Bí thư chi bộ thôn và Trưởng thôn lập biên bản, ép tôi ký vào biên bản ngày nào đóng tiền trả nợ rồi mới cho xe qua.

Tôi lo sợ nếu không cho xe qua, không kịp giờ cô dâu về nhà chồng, trễ giờ thì mất ngày lành tháng tốt. Tôi đồng ý ký vào biên bản nhưng không hẹn ngày đóng tiền mà hẹn ngày 30/12 sẽ gặp trực tiếp thôn để bàn chuyện đóng tiền, vì tôi chưa thống nhất số tiền đóng trên. Cán bộ thôn chặn xe cô dâu ép tôi phải ký biên bản chứ tôi không muốn ký”, bà Thu cho biết.

Bản cam kết do cán bộ thôn Sơn Tây lập giữa đường khi chặn xe đám cưới của gia đình bà Thu có nội dung: “Đóng tiền đường giao thông nông thôn”. Thành phần tham dự có bà Thẩm Thị Linh, ông Phan Văn Quảng, ông Trần Hữu Lợi - Phó thôn Sơn Tây, cùng các ông Nguyễn Ngọc Cam và Dương Lê Túy.

Bản cam kết yêu cầu gia đình bà Thu phải đóng 2.160.000 đồng. Bản cam kết này có chữ ký của Quảng. Ngoài ra, còn có chữ ký của bà Thu, với nội dung ghi thêm: “Tiền còn thiếu, tôi chịu nợ chưa trả. Nhưng ngày hôm nay, cán bộ thôn chặn xe chở cô dâu, bắt buộc tôi phải ký”.

Theo ông Quảng, gia đình bà Thu có 4 khẩu, tổng số tiền phải đóng để làm đường là 6 triệu đồng nhưng bà chỉ mới đóng 3 triệu đồng. Nếu trừ tiền đối ứng của tỉnh, huyện hỗ trợ thì số tiền gia đình bà Thu phải đóng góp là hơn 2 triệu đồng nữa nhưng chây ì, chưa chịu đóng.

“Từ năm 2014 đến nay, dù gia đình có điều kiện nhưng vẫn chây ì, chưa chịu đóng khiến người dân bức xúc. Đến ngày cưới, gần 20 hộ dân ra chặn xe rước dâu nên tôi phải ra để giải quyết”, ông Quảng nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại cuộc họp tối ngày 31/10, cán bộ thôn Tây Sơn cho biết, hiện cả thôn còn 27/70 hộ gia đình chưa đóng tiền làm đường giao thông nông thôn mới.

Như vậy, số hộ chưa đóng tiền là rất nhiều, chứ không phải chỉ gia đình Thu. Trao đổi với chúng tôi về sự việc, bà Hồ Nguyên Thảo - Bí thư Huyện ủy Tây Hòa cho biết, ngay sau khi biết tin đã yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Sơn Thành Tây chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm ngay với Bí thư chi bộ thôn và Trưởng thôn Sơn Tây.

“Có nhiều cách tuyên truyền, vận động nhưng ngày trọng đại của gia đình mà làm vậy thì không phù hợp. Bức xúc kiểu gì thì bức xúc, chứ cán bộ thì phải vận động người dân không được làm vậy, nhưng trường hợp này cán bộ cùng tham gia với người dân là không đúng”, bà Thảo cho hay.

Về việc cả Bí thư chi bộ và Trưởng thôn Sơn Tây kiên quyết không xin lỗi gia đình bà Thu, bà Thảo cho biết: “Đã làm sai thì xin lỗi dân, không có gì xấu cả. Để xảy ra chuyện vậy không chỉ là thôn, mà lãnh đạo xã cũng có khuyết điểm. Chúng tôi sẽ làm việc với thôn Sơn Tây để chấn chỉnh ngay.

Quan điểm của huyện là không bao che”. Liên quan đến vụ việc trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến đã chỉ đạo “nóng” cho UBND huyện Tây Hòa vào cuộc giải quyết, xử lý nghiêm vụ việc và có báo cáo chính thức cho UBND tỉnh.

Tác giả: Nhuận Oanh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP