Xã hội

Châm lửa đốt luôn xe máy khi dính vi phạm nồng độ cồn

Khi bị lập biên bản vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển, người ngồi sau cũng là chủ xe đã châm lửa đốt khiến chiếc xe cháy trơ khung.

Chiều 19/11, Công an TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý vụ việc người đàn ông đốt xe máy sau khi bị kiểm tra nồng độ cồn.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 20 giờ 20 phút ngày 18/11, tổ công tác của Công an tỉnh Đắk Nông đang làm nhiệm vụ tại đường 23/3 (phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa) thì phát hiện 1 chiếc xe máy có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra.

Hiện trường chiếc xe cháy trơ khung. Ảnh: C.N


Khi người điều khiển xe máy là anh N.X.Đ (ngụ phường Nghĩa Đức) đã vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở và không xuất trình được giấy phép lái xe. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm và quyết định tạm giữ phương tiện. Ngay sau đó, người ngồi sau tên N.H.P. (thường trú huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), là người ngồi sau, cũng là chủ xe máy, xin phép lại lấy đồ trong cốp xe.

Tuy nhiên, sau khi mở yên xe, ông N.H.P. bất ngờ mở nắp bình xăng, lấy bật lửa để đốt xe của mình. Phát hiện vụ việc, 1 cán bộ CSGT chạy lại can ngăn nhưng ông P. đạp ngã xe khiến xăng trong bình chảy ra, lửa bùng cháy. Ít phút sau, chiếc xe máy đã bị cháy trơ khung.

Trao đổi với PV Pháp luật Plus, LS Vũ Đình Khẩn - Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai, cho biết, theo quy định pháp luật dân sự mọi người đều có quyền tự định đoạt về tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, hành động đốt xe của ông N.H.P được xem là hành vi xâm hại đến trật tự công cộng và có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định, hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật hình sự.

Bên cạnh đó, tại thời điểm vi phạm, phương tiện là tang vật và là cơ sở để lực lượng CSGT có thể tiến hành lập biên bản sự việc vi phạm hoặc tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm. Do đó, hành vi đốt xe của ông N.H.P đã trực tiếp gây cản trở cho người đang thi hành nhiệm vụ, nên có thể khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257, Bộ luật hình sự.

“Theo đó, tại Khoản 1 điều 257, của Bộ luật hình sự quy định, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, LS Vũ Đình Khẩn cho biết.

Ngoài việc tự ý đốt xe, LS Vũ Đình Khẩn cho biết thêm, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người vi phạm thì không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm liên quan đến tài sản bị hủy hoại. Tuy nhiên, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người khác, đối tượng sử dụng do đi mượn, hoặc thuê, trị giá thiệt hại trên 2 triệu đồng thì còn có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Tác giả: Minh Bình

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

  Từ khóa: đốt xe , nồng độ cồn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP