Sáng 8.8, sau khi nghe tin cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Loan – không phải là Lanh hay Lang như thông tin ban đầu báo chí đăng tải – (41 tuổi), ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, trở về sống với người thân ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, nhiều người dân ở huyện miền núi Tây Trà đã tìm đến để tận mắt chứng kiến “người rừng”.
Nhìn những vật dụng sinh hoạt, sản xuất của cha con “người rừng”, mọi người đều không khỏi kinh ngạc. Từ những mảnh bom, mảnh nhôm mà cha con người rừng tìm kiếm được trong rừng, họ đã “chế tạo” ra các vật dụng như rìu, búa, rựa, dao, lược chải đầu, ca đựng nước, nồi dùng nấu thức ăn…
Để chống chọi với thú dữ và thời tiết khắc nghiệt ở nơi rừng thiêng, nước độc, cha con “người rừng” làm ra ngôi nhà như tổ chim nằm trên thân cây cổ thụ, dùng nứa đan thành chiếu, mền. Họ dùng vỏ cây làm áo và khố che thân. Họ lấy thân cây lồ ô cắt ra thành từng ống dựng giống lúa, mè; đan lá cây thành áo mưa…
Những vật dụng dùng sinh hoạt và lao động rất đơn sơ cộng với nghị lực phi thường, sức khỏe dẻo dai đã giúp cha con “người rừng” tồn tại trong rừng sâu ròng rã suốt 40 năm mà không cần đến một viên thuốc nào.
Do mới được giải cứu đưa về nhà nên “người rừng” Loan tỏ vẻ sợ sệt khi nhìn thấy đông người, chỉ ngồi im một chỗ, khi nào có nhu cầu gì mới nói với người thân.
“Người rừng” Hồ Văn Thanh đang được truyền dịch tại Bệnh viện đa khoa H.Tây Trà
Những vật dụng mà cha con “ người rừng” tự chế ra để sinh hoạt và lao đông khiến mọi người kinh ngạc
Chiếc rìu và dao tự chế từ mảnh bom
Chiếc lược và nồi, ca đựng nước “chế tạo” từ mảnh nhôm
Hai tấm áo làm bằng vỏ cây khô
Dùng lá cây và thân cây nứa làm áo mưa và chiếu
Những món đồ “quý hiếm” như hạt giống, da thú… được cha con “người rừng” cất kỹ vào các ống thân cây lồ ô
Hiển Cừ
Thanh Niên