Rừng phòng hộ: Biên bản nói có, công văn bảo không
Theo Công văn của ông Hùng, việc khai thác rừng tại tại khoảnh 6,4,8,9 (tiểu khu 133) tại xã Thượng Lộc (Can Lộc) dựa trên phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo quyết định của tỉnh, diện tích 118,5 ha (tại xã Thượng Lộc) được chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su. Đương nhiên, doanh nghiệp này được phép triệt hạ đồi thông theo như sự cho phép của tỉnh Hà Tĩnh.
Cty Cao su Hà Tĩnh khẳng định, diện tích rừng chuyển đổi trồng cao su “không phải là rừng phòng hộ”, như bài báo nêu. Tuy nhiên, ông Hùng đã quên rằng, năm 2004, trong biên bản làm việc với đại diện người dân về việc giao đất, đại diện Cty Cao su Hà Tĩnh lúc đó là ông Nguyễn Huy Lý lại nói tại tiểu khu 133 là “diện tích rừng phòng hộ, nằm trung tâm vùng dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao theo quyết định và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, được đầu tư vốn để xây dựng rừng phòng hộ theo chương trình 5 triệu ha rừng”.
Ông Hùng khẳng định, doanh nghiệp không khai thác rừng trái phép tại các lô 17, 18A, 19 (tiểu khu 133), việc khai thác này đều được chính quyền sở tại cho phép.
Theo tài liệu của Pháp Luật Việt Nam, tháng 5/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch diện tích đất trồng cao su năm 2009 cho Cty Cao su Hà Tĩnh. Theo quyết định này, tại tiểu khu 133, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp chuyển sang thực hiện dự án trồng cao su chỉ nằm tại các khoảnh 8 (với các lô 1a, 1b, 1c, 2a, 2b, 2c, 3a, 3b, 3c), 9 (các lô 1a, 1b, 1c), 6 (lô 2, 1), 4 (lô 1a, 1b, 1c). Văn bản cho phép của tỉnh Hà Tĩnh, hoàn toàn không có mặt các lô 17, 18a, 19. Đây cũng là diện tích đất rừng mà tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi của Cty, giao lại cho chính quyền xã. Đối với các lô rừng không thuộc diện chuyển đổi nhưng Cty Cao su Hà Tĩnh vẫn chặt, liệu không gọi là phá rừng thì dư luận phải gọi bằng hành động gì cho đúng?
13 cm hay hai gang tay: “chúng tôi tính trung bình”
Ông Hùng khẳng định, “rừng thông được phép khai thác có thời gian trồng từ những năm giữa thập niên 70 của thế kỷ 20. Trong đó có cây lớn cây nhỏ, nên công ty tính bình quân trữ lượng khai thác bằng cách đó”.
Những cây thông có đường kính hơn 2 gang tay, hoàn toàn không được đưa vào trong báo cáo.
Phản hồi này, mâu thuẫn với chính Biểu tổng hợp diện tích xây dựng dự án trồng cao su năm 2009 – 2010. Biểu này cho rằng, rừng trồng tại khu vực khai thác được trồng từ năm 1996 – 2005. Trong khi ông Hùng nói rừng được trồng “giữa thập niên 70”, nhưng trong biểu tổng hợp, rừng trồng lại được “nhích” lên thành năm 1996 – 2005!?.
Công văn nói rằng, phóng viên chỉ lựa chọn cây kích thước lớn để làm ảnh minh họa, mà “bỏ sót” những cây nhỏ cho nên làm “hàm oan” phía doanh nghiệp. Xin được nhắc lại, tại phụ lục về địa danh, diện tích, trữ lượng cấp phép khai thác gỗ, củi tận dụng của Sở NN&PTNT thuộc tiểu khu 133, các khoảnh 8,6,8 lại khẳng định tổng số cây bị chặt có đường kính từ 10 – 13cm là 9296 cây, có đường kính dưới 10cm là 12259 cây, gỗ nhỏ là 360 cây… Theo như phụ lục này, hoàn toàn không có cây gỗ nào vượt đường kính lớn hơn 13cm! Trong khi đó, tại hiện trường, những cây thông đường kính người lớn ôm không xuể bị triệt hạ nằm nhan nhản trên rừng. Điều này, hoàn toàn không được đưa vào báo cáo.
Tỉnh thúc, dân mong, Cty giậm chân tại chỗ
Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Can Lộc, Cty Cao su Hà Tĩnh tổ chức xác định giá trị tài sản trên đất thu hồi trước khi bàn giao.
Cty Cao su Hà Tĩnh khẳng định, họ đã làm tròn trách nhiệm khi năm 2009 có văn bản bàn giao thực địa cho UBND xã Thượng Lộc.
Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định, thu hồi 274,35 ha đất tại huyện Can Lộc do Cty Cao su Hà Tĩnh quản lý. Diện tích bị thu hồi này, buộc doanh nghiệp cao su phải giao toàn bộ cho UBND các xã quản lý để thực hiện việc giao đất và cấp giấy CNQSDD cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, văn bản bàn giao thực địa này đã bị người dân cực lực phản ứng. Bởi, khi đo thực địa không có mặt của người dân. Mặt khác, cho đến tận năm 2010, liên tiếp Sở Tài nguyên – Môi trường, cũng như UBND tỉnh Hà Tĩnh lần lượt có công văn, yêu cầu Sở NN&PTNT, Cty Cao su Hà Tĩnh tổ chức xác định giá trị tài sản trên đất thu hồi trước khi bàn giao. Thế nhưng, đến nay mọi việc vẫn chỉ dẫm chân tại chỗ.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.
Việt Hưng
PLVN