Chuyển đổi là… chặt
Ngày 15/9/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch diện tích đất trồng cao su năm 2009 cho Công ty cao su Hà Tĩnh. Tổng diện tích, theo quyết định này lên tới 248ha, thuộc địa phận hai xã Thượng Lộc (Can Lộc) và Hà Linh (Hương Khê).
Riêng tại xã Thượng Lộc, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chuyển sang dự án trồng cao su được thực hiện tại tiểu khu 133, với các khoảnh 8, 9, 6, 4. Tổng diện tích quy hoạch cho việc chuyển đổi lên đến 118,5ha.
Người dân bản địa nói, diện tích chuyển đổi đó thực chất là rừng thông được trồng từ nhiều năm trước, có tác dụng giữ đất, giữ rừng. “Rừng ở đây có nơi được trồng sớm nhất là từ năm 1982, muộn nhất là 1965” – ông Phan Kiệm, người dân tại Thượng Lộc, cho phóng viên biết.
Khảo sát của Pháp Luật Việt Nam cho thấy, sau khi có quyết định chuyển đổi, hiện trạng của tiểu khu 133 giờ chỉ còn trơ trọi lại những gốc thông với đường kính rất lớn, nhiều cây thông có đường kính hơn hai gang tay. Đường mòn lên núi, đâu đó còn vương lại những thân cây thông chưa kịp chuyển đi. Dưới dòng suối, thông cổ thụ bị triệt hạ vẫn được ngâm nước giữ bền.
Đồi thông giống (theo người dân bản địa thì đó là nơi trồng nhiều cây thông để làm giống) nằm ngay đầu nguồn của đập thủy lợi Khe Thờ, nơi chứa nước và điều tiết lũ vào mùa mưa. Ngọn đồi giờ đây san sát những gốc thông với đường kính người lớn ôm không xuể bị chặt hạ, xen lẫn vào đó là hình dáng khẳng khiu của số cây cao su được trồng chen lấn trước đó một thời gian.
Từ xa, những đồi thông cổ thụ nay chỉ còn lại ngọn núi bị “cạo trọc”.
Chung “số phận” như đồi thông giống, diện tích thông tại các lô 1a, 1b, 2a, 2b, 2c, 3a, 3c của khoảnh 8 (tiểu khu 133) cũng hằn lên trên nền đất rừng các vết tích còn sót lại. Thay vào những cây thông cổ thụ là diện tích cây cao su được trồng lên theo quyết định chuyển đổi.
Phòng hộ cũng chặt!
Theo người dân bản địa, dựa vào quyết định chuyển đổi, doanh nghiệp trồng cao su đã ra tay không thương tiếc, triệt hạ những cây thông lâu năm mà người dân và Nhà nước đã chăm bẵm hàng chục năm trời.
Bức xúc trước hành động tàn phá rừng xanh, người dân đã cung cấp cho phóng viên biên bản làm việc giữa Công ty Cao su Hà Tĩnh với các hộ nhân tại vùng Truông giữa, thuộc tiểu khu 133 (khu vực được tỉnh cho phép chuyển đổi sang trồng cây cao su).
Theo đó, khẳng định của doanh nghiệp này cho thấy, tiểu khu 133 là diện tích rừng phòng hộ, nằm trung tâm vùng dự án được tỉnh Hà Tĩnh giao tại quyết định số 713 (ngày 23/4/2004) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, được đầu tư vốn để xây dựng rừng phòng hộ theo chương trình 5 triệu ha rừng.
Số phận những cây gỗ đường kính hơn 2 gang tay giờ chỉ còn thế này đây.
Những người dân như ông Phan Kiệm, Phan Lục nói rằng, có những cây thông với kích thước rất lớn, có thể xẻ ra để làm phản vẫn không thể đứng vững trước những nhát cưa từ công nhân công ty Cao su Hà Tĩnh. “Ngay đầu con đập, người ta còn chặt cây ngã xuống cả mép nước…” – người dân ở đây cho hay.
Thời gian chưa kịp xóa nhòa đi những “mất mát”, trên đồi thông mà người bản địa gọi là đồi thông giống, những gốc cây có đường kính lớn hơn hai gang tay còn sót lại vài vết nhựa khô, nom như giọt nước mắt hờn tủi nhỏ xuống đầu đập khe Thờ đầy nước bạc trắng.(Còn tiếp)
Việt Hưng
PLVN