Xã hội

Canh bạc cuộc đời – Kỳ cuối: Vĩ thanh từ những đứa trẻ mang họ mẹ

Hầu hết những cô gái làm dâu xứ Hàn đều không lường trước được những rắc rối, trắc trở về sau. Thế nên dù nhiều người sau một thời gian ở xứ sở Kim Chi trở về Việt Nam lấy chồng, sinh con, hệ lụy pháp lý do kết hôn với người nước ngoài luôn đeo đẳng.

>>Canh bạc cuộc đời – Kỳ 2: Nước mắt xa xứ

>>Lấy chồng Hàn Quốc – Canh bạc cuộc đời

Khoảng lặng Seoul.

Sự khác biệt về văn hóa

Trung tâm trợ giúp phụ nữ nước ngoài, hay còn có tên gọi khác là “Gia đình đa văn hóa” tọa lạc tại số 6F Seoul Gobal Center, tòa nhà 38 GongYo, thủ đô Seoul. Chức năng của trung tâm này là trợ giúp cho tất cả các cô gái ngoại quốc từ các nước đến làm dâu tại xứ Hàn. Tại đây có bộ phận trợ giúp riêng biệt cho từng ngôn ngữ và quốc gia. Khi ai đó gọi đến trung tâm, tùy theo ngôn ngữ của người đó là tiếng Việt, Trung Quốc hay Philippines, sẽ có chuyên viên phụ trách về quốc gia đó trợ giúp.

Khi tôi đến, có hai phụ nữ vừa kể vừa khóc. Nhân viên tư vấn ngồi đối diện chăm chú lắng nghe, ghi chép. Khoảng một tiếng sau, người phụ nữ được nhân viên tư vấn dẫn ra ngoài. Lúc đi ngang qua, tôi mới biết đó là một cô dâu Việt Nam khoảng 23 tuổi, bụng mang bầu và địu trên lưng một đứa trẻ chừng 3 tuổi. Trong lòng tôi không khỏi xót xa khi thấy trên khuôn mặt cô gái còn hằn rõ những vết bầm tím, nước mắt còn đọng thành vệt trên khóe mắt mệt mỏi.

Bà Seong Euy Kang – Giám đốc trung tâm nói: “Hôn nhân quốc tế là một xu thế của toàn cầu hóa. Chúng ta cần phải chấp nhận nó như một xu hướng hiện đại. Khi hôn nhân quốc tế xuất hiện, song song đó sẽ nảy sinh những vấn đề, chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và mục đích kết hôn. Chính vì các yếu tố đó, các cô dâu ngoại quốc trong đó có cô dâu Việt mới cần tìm đến đây xin được trợ giúp.

Sau khi tiếp nhận, chúng tôi phải lắng nghe, chia sẻ với họ những vấn đề mà người cần trợ giúp đang gặp phải. Từ đó đưa ra phương hướng trợ giúp phù hợp. Trường hợp vấn đề đã nghiêm trọng, cô dâu bị bạo hành có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng chúng tôi sẽ bố trí cho cô dâu vào ở “nhà tạm lánh”. Thời gian tạm lánh tối đa ba tháng, mọi chi phí ăn ở hoàn toàn miễn phí”.

Tôi hỏi bà Seong Euy Kang: “Vậy sau khi hết ba tháng tạm trú, các cô dâu sẽ như thế nào?”. “Trong thời gian đó, Trung tâm tiến hành các thủ tục trợ giúp pháp lý cho cô dâu bởi thông thường, các cô dâu Việt Nam đều muốn ở lại Hàn Quốc sau khi ly hôn”, bà Kang trả lời.


Bà Kang, giám đốc Trung tâm trợ giúp phụ nữ nước ngoài với tác giả.

Hiền, nhân viên của trung tâm sau khi được phép của giám đốc, tiết lộ với tôi về trường hợp của cô dâu Việt mà tôi bắt gặp lúc nãy: “Cô này sinh năm 1993, chồng nhiều hơn vợ 30 tuổi. Chính vì chênh lệch về tuổi tác nên cô ấy và chồng không có sự cân bằng trong đời sống tình dục, cũng như tâm sinh lý.

Rồi một người đàn ông Hàn Quốc khác quen và cảm thông với cô. Sau một thời gian, cô tiến hành ly hôn với chồng cũ để kết hôn với người mới. Oái oăm thay người chồng mới của cô đã lắp đặt hơn 10 camera trong nhà, kể cả buồng ngủ hay nhà tắm để giám sát vợ. Vì lo sợ vợ phản bội, nên nếu cô không xuất hiện trong camera quá 10 phút, sẽ bị ông chồng đánh nhừ tử. Theo xác minh thì cô ấy đã phải nhập viện 3 lần…”.

Tôi lặng im không nói gì, hình ảnh một bà mẹ trẻ mang bụng bầu, lặc lè địu thêm đứa trẻ sau lưng như đang đi qua trước mặt. Hiền trầm tư: “Trước khi kết hôn, các cô gái cần phải tự hỏi mình liệu có yêu thương, hay sống hết cả cuộc đời với người chồng đó hay không.

Nếu vì một lý do nào khác, thì phải tìm hiểu kỹ người chồng tương lai của mình, không được tin vào những gì môi giới nói vì họ thường vẽ ra những viễn cảnh rất đẹp. Nhưng chung quy lại là đừng nên mạo hiểm đánh cược số phận với cuộc hôn nhân không có tình yêu ở xứ người”.


Tờ giấy đăng ký khai sinh bỏ trống phần ghi họ tên cha.

Vĩ thanh từ những đứa trẻ mang họ mẹ

Trở về Việt Nam, tôi phóng xe xuống Cửa Lò (Nghệ An) tìm gặp ông Đ. (65 tuổi) hiện đang cư trú tại phường Nghi Thủy. Ông cho biết con gái ông sau mấy năm đi lao động ở Hàn Quốc theo hình thức “kết hôn với người Hàn”, nay đã trở về Việt Nam lấy chồng, sinh được 3 đứa con. Thế nhưng cả ba cháu dù đã đi học, nhưng phải mang họ của mẹ và phần mục ghi tên cha trong giấy khai sinh vẫn còn bỏ trống. Ông cũng cho biết thêm, tại nơi ông cư trú có nhiều cháu bé có hoàn cảnh tương tự.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết mảnh đất ven biển này có rất nhiều những cặp vợ chồng bất đắc dĩ phải vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Lý do là những người vợ trước đây đã đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc để xuất cảnh, nhưng vì họ vẫn chưa ly hôn trước khi về nước, do đó họ không được quyền đăng ký kết hôn như những người bình thường khác.

Họ đành chấp nhận bỏ qua các thủ tục bắt buộc của pháp luật để sống với nhau. Từ việc chung sống với nhau nhưng không được đăng ký kết hôn, đã phát sinh ra những hậu quả pháp lý khác làm ảnh hưởng đến quyền khai sinh của trẻ em, mà trực tiếp là những đứa trẻ, con của họ.

Tình trạng hôn nhân của người mẹ với người chồng Hàn trước đây chưa chấm dứt, “tên cha” trong giấy khai sinh của con, phải là ông Hàn Quốc nào đó chứ không thể ai khác. Chính vì “vướng” như vậy nên đứa trẻ buộc phải mang họ mẹ, còn ông bố “thật” đành phải chấp nhận bỏ trống “Phần ghi họ, tên cha” trong giấy khai sinh của chính con mình, dù rằng cha mẹ con cái đang chung sống trong một nhà.


Nhân viên tư vấn người Việt Nam tại trung tâm trợ giúp phụ nữ nước ngoài.

Khi hỏi số liệu về những đứa trẻ hiện đang phải mang họ mẹ tại Cửa Lò, Phòng Tư pháp Cửa Lò không có con số thống kê đầy đủ và toàn diện. Cơ quan này chỉ cung cấp được cho chúng tôi 8 cháu bé hiện đang ở tại phường Nghi Tân. Còn tại phường Nghi Thủy, cán bộ Tư pháp phường cho biết: “Từ năm 2008 đến 2015 tại Nghi Thủy có khoảng 15 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, chưa ly hôn và có 10 cháu bé phải mang họ mẹ, “bỏ trống” tên cha trong giấy khai sinh”.

UBND phường Nghi Thủy đã làm công văn gửi lên Sở Tư pháp Nghệ An xin được hướng dẫn cách giải quyết. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Hộ tịch, Quốc tịch (Bộ Tư pháp), ngày 31/12/2015 Sở Tư pháp Nghệ An đã có công văn số 2267/STP- HCTP gửi cho UBND phường Nghi Thủy và thị xã Cửa Lò, hướng dẫn: “Để đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh cho trẻ em đối với các trường hợp nêu trên, nếu người mẹ hoặc người cha trên thực tế đề nghị giải quyết yêu cầu nhận cha, mẹ, con, thì UBND phường kết hợp đồng thời việc đăng ký khai sinh cho trẻ, và đăng ký nhận cha, con.

Trong hồ sơ đăng ký nhận cha, con phải có kết quả giám định ADN của cha, mẹ, con của cơ quan có thẩm quyền. Nếu có tranh chấp từ phía người chồng Hàn Quốc, thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của tòa án”. Như vậy, để con của mình không phải mang họ mẹ và để trống tên cha trong giấy khai sinh, thì không còn cách nào khác ngoài việc phải làm giám định ADN giữa… hai cha con với nhau.

Khi rời làng chài, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ đang mải miết nô đùa trên con đường đầy cát chạy dài ra bờ biển. Tôi tự hỏi: “Trong số những đứa trẻ hồn nhiên vô tư kia, có bao nhiêu cháu bị thiệt thòi ngay từ lúc mới sinh ra khi trong tờ giấy chứng nhận cuộc đời thiếu vắng phần ghi họ, tên cha?

Và không biết những người phụ nữ trở về từ Hàn Quốc đang sống trong những ngôi nhà khang trang kia, liệu có cùng chung nỗi lo sợ, dù mơ hồ như chị Hoa người tôi gặp trong hành trình tìm cô dâu Việt ở xứ sở Kim Chi đã từng nói: “Nếu chồng em không tốt, nhỡ anh ấy thay lòng, thì em chẳng còn lại gì trong tay…”.

Sau khi kiểm tra trên máy tính, bà Kang cho biết: “Tạm thời thống kê, một tháng có khoảng 150 – 160 cô dâu Việt được trợ giúp trực tiếp tại Trung tâm và tư vấn qua điện thoại. Chiếm 25% trong tổng số các cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc cần trợ giúp về hôn nhân”.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết mảnh đất ven biển này có rất nhiều những cặp vợ chồng bất đắc dĩ phải vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Lý do là những người vợ trước đây đã đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc để xuất cảnh, nhưng vì họ vẫn chưa ly hôn trước khi về nước, do đó họ không được quyền đăng ký kết hôn như những người bình thường khác.

Tác giả: Thế Sơn

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP