Chủ nhân của bức ảnh nhiều khi không thể kiểm soát được tác động của nó đối với xã hội, và đôi khi họ sẽ phải trả giá rất đắt.
I. Nhiều ngày nay, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một tấm ảnh chụp một chiến sĩ công an ngồi “tạo dáng” bên cạnh một thi thể phụ nữ nằm ngửa bên mép sông với vẻ mặt tươi cười.
Ngay lập tức, bức hình phản cảm này đã được lan truyền rất nhanh. Và kèm theo đó là những bình luận rất gay gắt không chỉ của cư dân mạng mà còn gây xôn xao trong dư luận xã hội.
Điều mà chủ nhân của bức ảnh (và nhân vật trong ảnh) không lường được là sau khi được đăng lên, bức hình đã bị một số đối tượng phản động bình luận với những lời lẽ rất thiếu văn hóa, thậm chí còn cố ý bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ Lực lượng Công an nhân dân.
Khách quan mà nói, người chụp và đăng bức hình trên có ý thức chính trị rất kém. Họ không lường trước được những hậu quả mà bức hình đó khi nó bị phát tán. Trước hết nó sẽ gây hiểu lầm cho Lực lượng Công an, những chiến sĩ luôn ngày đêm chiến đấu vì bình yên cho nhân dân. Nó làm xấu đi hình ảnh người công an trong mắt người dân…
Một bức ảnh – cá nhân nó đã chứa đựng rất nhiều thông tin rồi. Người ta xem một bức ảnh là đã có thể hiểu được nội dung người chụp muốn nói gì, thậm chí tâm tư tình cảm của họ… Dù cho chủ nhân của bức ảnh có “chú thích” ở dưới là chụp để cho vui, hay là một khoảnh khắc vô ý thì việc đăng bức ảnh lên cũng là điều khó chấp nhận.
Theo quan sát của chúng tôi thì phải nói rằng có rất nhiều Facebooker đã rất tinh ý. Họ nhận ra đây nhiều khả năng chỉ là cảnh hậu trường trong một bộ phim, đặc biệt là các phim về cảnh sát hình sự. Có người cũng khẳng định rằng, hành động vô cảm như trong bức hình không thể xuất hiện trong Lực lượng Công an nhân dân.
Để tìm hiểu sự thực về bức ảnh trên, chúng tôi đã liên hệ với đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng. Anh Dũng khẳng định bức hình trên đúng là một trong số những ảnh hậu trường không chính thức của đoàn làm phim “Kẻ bán linh hồn” mà các bạn diễn viên tự chụp cho nhau bằng điện thoại di động. Nếu là cảnh chính thức thì sẽ phải nộp lại tất cả cho nhà sản xuất chứ không thể lọt ra ngoài như thế được.
Đạo diễn này cũng cho biết thêm đó là một cảnh trong bộ phim truyền hình dài tập “Kẻ bán linh hồn” được khởi quay từ tháng 11/2012. Sau khi sự cố về bức ảnh xảy ra, anh Dũng cũng đã gọi điện cho tác giả của bức ảnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Diễn viên Thanh Bình đăng đính chính trên mạng xã hội Facebook.
Trao đổi với chúng tôi, diễn viên Thanh Bình – người đóng vai chiến sĩ cảnh sát trong bức ảnh trên cho biết. Bức ảnh được chụp vào ngày 8/3/2013 tại bờ sông Sài Gòn (quận 2, TP HCM). “Xác chết” trong ảnh là của một nữ diễn viên quần chúng. Bối cảnh của bức hình là một chiến sĩ cảnh sát cùng đồng đội tiến hành điều tra một vụ trọng án, trong đó Bình là đội trưởng.
Sau khi chụp bức ảnh, Bình đã đăng lên mạng xã hội Facebook của mình với lời chú thích cảm thông với tinh thần làm việc của chị diễn viên này trong Ngày Quốc tế phụ nữ. Mục đích của Bình chỉ là để khoe với bạn bè, đồng nghiệp về quá trình làm phim.
Bình cũng cho biết anh rất hối tiếc vì hành động của mình đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Lực lượng Công an. Bình hiểu rằng dù chỉ là đóng phim nhưng khi đã mặc sắc phục Công an nhân dân thì phải thực hiện đúng theo lễ tiết, tác phong của ngành. Bình đã lên trang Facebook của mình và nhiều trang mạng khác đính chính về bức ảnh trên. Bình cũng muốn qua đây gửi lời xin lỗi chân thành đến các chiến sĩ cảnh sát nói riêng và Lực lượng Công an nhân dân nói chung.
II. Có thể thấy rằng một bộ phận giới trẻ hiện nay rất thiếu suy nghĩ khi chụp và đăng những bức ảnh “nhạy cảm” lên mạng Internet. Trước khi vụ việc về tấm hình của người chiến sĩ cảnh sát mà chúng tôi đã nhắc ở trên xảy ra thì cư dân mạng đã nhiều phen xôn xao trước nhiều tấm hình gây tức mắt khác.
Cuối tháng 2/2013, trên mạng Facebook xuất hiện bức hình một nam thanh niên cởi trần điềm nhiên ngồi khoanh chân trên… ngôi mộ tổ của một dòng họ, ngay chỗ để lư hương, mặt tỏ vẻ bình thản.
Chỉ ít giờ sau khi tấm hình được đăng lên đông đảo cộng đồng mạng phẫn nộ và lên án gay gắt hành vi phản cảm và thiếu ý thức của nam thanh niên này. Một thành viên có nickname Tuananh bức xúc: “Không hiểu tại sao nam thanh niên này lại có hành động vô ý thức, bất kính với người đã khuất đến vậy. Hành vi này đã làm xấu xí hình ảnh của giới trẻ ngày nay”. Gay gắt hơn, thành viên Vanvina bình luận:”Hình ảnh trên thật chướng mắt, như thế mà cũng làm được, thật là vô đạo đức”.
Trong khi đó, một số thành viên khác lại cho rằng nam thanh niên trên chẳng qua là muốn thể hiện, gây sốc để được nhiều người biết đến, còn người chụp tấm hình này cũng coi như cổ súy cho hành vi thiếu ý thức trên.
Thành viên Lananh… bình luận: “Làm như thế để được nổi tiếng à! Hết ngồi lên mộ giờ lại chui vào mộ tổ mà ngồi lên. Đúng là không hiểu nổi”.
Bức ảnh nam thanh niên ngồi trên mộ tổ.
Trước đó, tháng 1/2013 cộng đồng mạng cũng một phen xôn xao với bức ảnh nữ sinh có khuôn mặt khá xinh xắn, sáng sủa, diện áo quần mùa đông, vô tư ngồi trên một phần mộ liệt sĩ trong nghĩa trang tạo hình chụp ảnh, dưới chân là một bát hương.
Không biết rõ danh tính của cô gái trong bức ảnh là ai và cũng chưa rõ nguồn gốc của bức này nhưng sau khi xuất hiện trên mạng thì không lâu sau, hình ảnh này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên tất cả các trang diễn đàn.
Một ngày sau khi bức hình này được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, cô bạn đã đăng lên trang cá nhân của mình những bức ảnh bạn tỏ ra ân hận vì hành động thiếu suy nghĩ. Trong hình, nữ sinh này lần lượt đi thắp nhang ở từng ngôi mộ một cách thành khẩn. Ngoài ra, thiếu nữ còn ngồi chắp tay quỳ gối trước ngôi mộ để tỏ rõ sự hối lỗi.
Phải nói rằng, việc chia sẻ ảnh trên mạng Internet, mạng xã hội… bản thân nó không có gì là xấu. Nó chỉ xấu khi bức ảnh có nội dung phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, gây hiểu nhầm hoặc ảnh hưởng xấu đến cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Hy vọng sau những vụ việc trên các bạn trẻ sẽ rút ra những kinh nghiệm đắt giá cho bản thân
Minh Tiến ([email protected])
CAND