Tin Hà Tĩnh

Cần tìm một 'lối ra' cho các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ ở Hà Tĩnh

Trước việc UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa có văn bản chấm dứt các hoạt động đối với 4 cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn huyện. Mới đây, 4 doanh nghiệp này đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tổ chức sản xuất băm dăm keo trên địa bàn huyện này.

Từ việc chính quyền yêu cầu chấm dứt hoạt động…

Theo tìm hiểu của PV, ngày 4/10/2024, UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có văn bản số 2532/UBND-TNMT về việc chấm dứt các hoạt động đối với cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn huyện.

UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có văn bản yêu cầu chấm dứt các hoạt động đối với cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn huyện.


Theo nội dung văn bản, UBND huyện Hương Khê cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý việc sử dụng đất đai của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã: Gia Phố, Hương Long, Hương Bình, Phúc Trạch,.. còn lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa đúng theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất được giao, cho thuê theo quy định, ảnh hưởng an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường.

Qua kết quả kiểm tra 04 cơ sở gồm: Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố tại xã Gia Phố; Công ty TNHH TM và Dịch vụ Trà My tại xã Hương Bình; Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải tại xã Hương Long và hộ ông Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch cho thấy các cơ sở này chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt theo quy định; có 03 cơ sở xây dựng trên đất ở, đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân; 01 cơ sở sử dụng đất chưa đúng theo mục tiêu dự án; trong đó, cơ sở của hộ ông Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch đã dừng hoạt động.

Cũng theo UBND huyện Hương Khê, về nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các chủ sử dụng đất chưa được chú trọng; UBND các xã thiếu kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Từ thực tế nêu trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 769/UBND-KT1 ngày 07/2/2024 về việc kiểm tra, báo cáo tình hình hoạt động các cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 1823/UBND-KT1 ngày 04/4/2024 về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến gỗ băm dăm trái phép; Văn bản số 5264/UBND-KT1 ngày 09/9/2024 về việc kiểm tra xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê yêu cầu UBND các xã: Gia Phố, Hương Long, Hương Bình, Phúc Trạch, Hà Linh, cụ thể:

Đối với các xã Gia Phố, Hương Long, Hương Bình: Quán triệt, triển khai văn bản này đến tận các cơ sở hoạt động chế biến lâm sản thuộc địa bàn quản lý; đồng thời thông báo chấm dứt hoạt động tại các cơ sở: Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố tại xã Gia Phố; Công ty TNHH TM và DV Trà My tại xã Hương Bình và Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải tại xã Hương Long liên quan đến chế biến băm dăm gỗ rừng trồng (gỗ keo), kể từ ngày 10/10/2024.

Đối với xã Hà Linh: Xử lý dứt điểm việc xây dựng nhà xưởng trái quy định của hộ ông Hoàng Duy Viết, tại Thôn 10, xã Hà Linh, hoàn thành trước ngày 08/10/2024. Đối với xã Phúc Trạch: Chịu trách nhiệm giám sát không để cơ sở của hộ ông Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch tái sản xuất trở lại.

Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc chấp hành thông báo dừng hoạt động chế biến gỗ băm dăm của các cở sở chế biến nêu trên; trường hợp các cơ sở không chấp hành lập hồ sơ xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

…. đến lá đơn kiến nghị xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trước việc bị UBND huyện Hương Khê yêu cầu chấm dứt các hoạt động đối với cơ sở chế biến gỗ băm dăm, các Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải, Công ty TNHH TMDV Trà My, Công ty TNHH Ngàn Phố, Hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thiện đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tổ chức sản xuất băm dăm keo trên địa bàn huyện này.

Việc chính quyền đột ngột chấm dứt các hoạt động đối với cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn đã khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản...


Theo các doanh nghiệp này cho biết, Hương Khê có diện tích 126.293 ha. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 100.171,96 ha, chiếm 79,3% diện tích đất tự nhiên. Cụ thể, trong 31.658,12 ha đất trồng rừng có hơn 25.000 ha diện tích rừng trồng keo. Hàng năm có trên 2.000 ha đến thời kỳ khai thác, khối lượng thu hoạch bình quân 200.000₫/năm. Lượng keo này được vận chuyển đi tiêu thụ bán khắp các tỉnh thành trên cả nước, chứ không phải bán cho mỗi nhà máy trên địa bàn tỉnh gây thất thoát rất lớn cho ngân sách cho huyện và tỉnh nhà.

Ông Phan Thành Long, Công ty TNHH TMDV Trà My cho biết: “Những xưởng băm dăm được mở ra đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cấp thiết của người dân, phá vỡ thế độc quyền, tránh được việc người nông dân chịu cảnh được mùa thì mất giá. Vào mùa khai thác hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 8 lượng keo khai thác ở ạt, mỗi xe chở đi nhập 2 đến 3 ngày mới bán được một xe, đồng thời giá keo những năm trước rất thấp làm ảnh hưởng đến lợi ích, cuộc sống của người dân trong rừng rất lớn”.

“Chúng tôi thành lập các xưởng chế biến gỗ rừng trồng: băm dăm, xẻ thanh, bóc ván, sản xuất các phế phẩm từ gỗ keo tràm.... nhằm góp phần tiêu thụ đầu ra cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động trên địa bàn huyện, nộp thuế tăng thu ngân sách cho địa phương, cũng như tích cực đi đầu trong công tác an sinh xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, mặc dù chưa đầy đủ thủ tục nhưng chúng tôi luôn cố gắng tuân thủ vấn đề môi trường và phòng cháy chữa cháy theo quy định”, ông Trần Viết Hùng, Công ty TNHH Ngàn Phố chia sẻ thêm.

Theo văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh, đại diện các doanh nghiệp đã báo cáo việc số lượng cây keo trên địa bàn huyện Hương Khê đến độ khai thác rất lớn nên đầu ra cho bà con rất khó khăn, buộc các hộ dân phải vận chuyển đi nhập keo nguyên liệu tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình… nên gây thất thoát nguồn lực (tiền thuế, phí) cho tỉnh. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để được hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Thái Nam, Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải cho rằng: “Các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ chúng tôi luôn ủng hộ các quyết các chủ trương, chính sách của Đảng và tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, việc chính quyền đột ngột chấm dứt các hoạt động đối với cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn đã khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản, hàng ngàn công nhân của công ty điêu đứng vì bị mất việc, trong khi hàng ngàn hecta rừng đến độ khai thác có nguy cơ gãy đổ khi mùa mưa bão đang đến. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị tỉnh nên có lộ trình chấm dứt đối với các cơ sở chế biến gỗ băm dăm”.

Doanh nghiệp kêu cứu UBND tỉnh tạm thời cho các cơ sở băm dăm tiếp tục hoạt động nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu và việc làm cho nhân dân trên địa bàn, khi cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng chưa đi vào hoạt động.


Qua tìm hiểu của PV, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sẽ mở cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép theo danh sách trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê; trong đó, huyện Hương Khê là địa phương có nhiều cơ sở băm dăm.

Liên quan đến việc này, trước đó, khi làm việc với các cơ sở, UBND huyện Hương Khê xác định, về hồ sơ, thủ tục hoạt động của các cơ sở chưa đảm bảo quy định, các cơ sở băm dăm chỉ có Giấy ĐKKD, hồ sơ PCCC, hồ sơ theo dõi nhập - xuất lâm sản; phần lớn các cơ sở được xây dựng trên đất ở, đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động từ nhiều năm.

Nên tìm “một lối ra” cho các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ

Theo UBND huyện Hương Khê, hiện nay, các cơ sở đều có nhu cầu di dời vào cụm công nghiệp theo đúng quy định để trực tiếp thu mua, chế biến gỗ keo ngay tại vùng nguyên liệu với quy mô, công suất lớn hơn. Tuy nhiên, do Cụm công nghiệp của huyện đang triển khai các bước để đầu tư xây dựng chưa đủ điều kiện cho các doanh nghiệp vào hoạt động.

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng, UBND huyện Hương Khê cho rằng, trên địa bàn huyện chưa có Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng để tiêu thụ khối lượng keo tràm cho nhân dân. Việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ keo cho nhân dân trên địa bàn còn hạn chế. Hiện tại, nếu các cơ sở thu mua ngừng hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm của khoảng 50 - 60 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gián tiếp trên địa bàn. Đồng thời ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho các hộ trồng keo, đặc biệt là các rừng keo đã đến chu kỳ khai thác.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện Hương Khê đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương tạm thời cho các cơ sở băm dăm tiếp tục hoạt động nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu và việc làm cho nhân dân trên địa bàn, khi cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng chưa đi vào hoạt động.

Liên quan đến vấn đề này, thiết nghĩ, UBND huyện Hương Khê nên xem xét ý kiến đề xuất của đại diện Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải: “Đối với những cơ sở chưa đủ điều kiện hoạt động thì chấp nhận xử phạt; sau đó, các cấp chính quyền nghiên cứu những nhà máy nào của người dân, doanh nghiệp nằm trong quy hoạch thì hướng dẫn để chúng tôi hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định để được tiếp tục hoạt động. Còn đối với những cơ sở không đủ điều kiện, bắt buộc phải đóng cửa thì chúng tôi xin được gia hạn một thời gian nhất định, để cho chúng tôi tìm địa điểm mới xây dựng nhằm tiếp tục hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động”.

Đề nghị chính quyền các cấp cần nghiên cứu, tìm ra một giải pháp xử lý thật hài hòa, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt


Ai cũng biết rõ ràng, để có một cơ sở thu mua, chế biến dăm gỗ, các chủ doanh nghiệp phải bỏ ra không ít vốn liếng, công sức. Những năm qua, những doanh nghiệp, doanh nhân này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nhàn người lao động, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước; giúp tiêu thụ, ổn định giá nguyên liệu cho hàng trăm hộ nông dân trồng keo trên địa bàn.

Trước đề nghị hợp tình, hợp lý của các doanh nghiệp, UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê cần nghiên cứu, tìm ra một giải pháp xử lý thật hài hòa, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt, và về lâu dài là giải quyết đầu ra ổn định, hợp lý về giá cả cho các hộ trồng keo trên địa bàn miền núi của huyện Hương Khê và các vùng phụ cận. Đúng như Bác Hồ đã từng dạy: “Những gì có lợi cho dân, ta nên làm”, và Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhắc nhở các cấp, các ngành khi xử lý những vấn đề liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp phải trên tinh thần: “Chung sức đồng lòng, hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn”.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP