Dự án đầu tư

Cần có bãi hạ tải ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Theo quy định, lực lượng chức năng không giải quyết thủ tục thông quan đối với trường hợp xe chở quá tải. Tuy nhiên, việc hạ tải tại các cửa khẩu quốc tế như Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Nậm Cắn (Nghệ An) vẫn còn khá nhiều bất cập do chưa có bãi hạ tải.

Bãi hạ tải gỗ tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh).
Bãi hạ tải gỗ tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh).

Những năm gần đây, lượng phương tiện, hàng hóa và người từ Lào về Việt Nam và ngược lại thông quan tại các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Nậm Cắn (Nghệ An) ngày một nhiều. Hàng hóa từ Lào về chủ yếu là gỗ, khoáng sản, nông sản, nước giải khát và từ Việt Nam sang gồm vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng… Nhờ vậy, các cửa khẩu này đóng góp vào ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng tiền thuế xuất, nhập khẩu mỗi năm. Trước đây, khi chưa có chủ trương xử lý nghiêm với xe chở quá tải, xe chở hàng về cửa khẩu chỉ việc tiến hành các thủ tục cần thiết và thông quan nhanh chóng; nhất là một số hàng như gỗ, nông sản… thuộc luồng xanh do không phải kiểm tra hàng hóa nên thủ tục lại càng nhanh chóng.

Có một thực tế là xe chở hàng hóa từ Lào về đều được phía nước bạn cho phép chở hàng hóa nhiều hơn theo quy định tải trọng từ phía Việt Nam. Chính vì thế, một năm nay, tại công văn 4746/BGTVT-VT, ngày 26-4-2014 của Bộ Giao thông vận tải về chống quá tải, nêu rõ: “Không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô-tô chở hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế”, cho nên tất cả những xe chở quá tải từ Lào, khi về đến cửa khẩu Việt Nam nói chung và cửa khẩu Cầu Treo và Nậm Cắn nói riêng, đều phải thực hiện hạ tải theo đúng quy định mới được hoàn thành thủ tục thông quan. Tuy nhiên, một thực tế bất cập hiện nay tại các khu vực cửa khẩu này là không có bãi hạ tải đạt chuẩn. Ðơn cử, tại bãi hạ tải ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đều “ba không”: Không có mặt bằng bãi hạ tải (chính xác hơn là mặt bằng hạ tải chỉ là bãi đất rộng vài trăm m2); không có cân tải trọng và nhà kho; không có dịch vụ hạ tải đi cùng (xe cẩu, nhân lực…). Tại cửa khẩu Nậm Cắn có khá hơn là đã có cân tải trọng. Các đơn vị thực thi tại cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý hạ tải… Theo quy định tải trọng như hiện nay, cứ hai xe chở hàng từ Lào về Việt Nam phải chia thành ít nhất ba xe mới đúng tải. Tuy nhiên, do khối lượng của mỗi loại hàng hóa khác nhau, các xe chở cũng không giống nhau, trong khi tại cửa khẩu Cầu Treo không có hệ thống cân tải trọng nên để kiểm soát việc hạ tải bảo đảm chính xác theo quy định là rất khó. Thực tế hiện nay, việc kiểm soát hạ tải tại cửa khẩu quốc tế này là… áng chừng. Việc giám sát hạ tải bằng cảm quan này sẽ kéo dài thời gian cho nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tại cửa khẩu. Một điều khó khăn nữa là có khoảng 40 – 50% số xe chở hàng hóa qua lại cửa khẩu mang biển kiểm soát Lào và đa dạng chủng loại; mà trong giấy đăng kiểm của bạn không ghi rõ tải trọng chở cho phép nên cũng gây khó khăn cho việc giám sát quá tải tại cửa khẩu. Trong lúc đặc thù của các cửa khẩu quốc tế này là đoạn đường giáp cửa khẩu nên mặt bằng khá chật hẹp, không có chỗ để bố trí điểm hạ tải. Mặc dù tại cửa khẩu Cầu Treo đã có doanh nghiệp xin đăng ký đầu tư bạt núi làm khu hạ tải đạt chuẩn quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trong khi đó, suốt chiều dài nhiều km dọc tuyến đường độc đạo giáp cửa khẩu thì một bên là vực thẳm, một bên là dốc núi dựng đứng nên không thể bố trí được điểm hạ tải. Khó khăn lắm các lực lượng chức năng ở đây mới bố trí tạm hai vị trí hạ tải, với sức chứa mỗi vị trí khoảng 3 – 4 xe nên không thể đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, khi các đoàn xe quá tải từ Lào về, nhất là xe chở gỗ, thường đi mỗi đoàn hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc, cho nên cửa khẩu không tránh khỏi bị ách tắc. Ðó là chưa nói đến việc, do chưa có dịch vụ hạ tải, nên mỗi khi tiến hành hạ tải, doanh nghiệp phải điều xe cẩu, xe chở hàng từ dưới xuôi lên dẫn đến thời gian hạ tải phải kéo dài…

Dịp gần Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, một đoàn xe chở gỗ hàng trăm chiếc đã gây ách tắc một thời gian dài tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ở đây linh động cho xe về khu Ðại Kim, thuộc xã Sơn Kim 1 (cách cửa khẩu 25 km) để hạ tải, giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu. Do không có bãi hạ tải tại khu vực cửa khẩu, Cục Hải quan Hà Tĩnh có công văn đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép các phương tiện chở hàng quá tải được vận chuyển xuống địa bàn xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) để thực hiện hạ tải. Tuy nhiên, ngày 14-2-2015, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1588/TCHQ-GSQL trả lời, nêu rõ: “Ðề xuất của Cục Hải quan Hà Tĩnh về việc cho phép các phương tiện chở hàng quá tải được vận chuyển xuống địa bàn xã Sơn Kim 1 để thực hiện việc hạ tải là vượt quá thẩm quyền của Tổng cục Hải quan”.

Tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng không khá hơn nhiều, khi đúng vào dịp trước tuần lễ Tết Lào, chúng tôi chứng kiến đoàn xe chở gỗ hàng trăm chiếc nằm dài nhiều km ở hai bên cửa khẩu đợi hạ tải trong nhiều ngày liền, gây ách tắc giao thông, cũng như các vấn đề liên quan về kiểm soát an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu…

Với điều kiện thực tế hiện nay, các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Nậm Cắn sẽ tiếp tục bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Ðiều này sẽ khiến một lượng xe chở hàng hóa, nhất là hàng tươi sống, hoa quả… từ phía bạn về buộc phải tìm đường đi khác. Chưa kể, tại các cửa khẩu này, thời tiết âm u, nhiều ngày mưa, ẩm ướt kéo dài, việc hạ tải hầu hết đều diễn ra ngoài trời (do thiếu hệ thống kho chuyên dùng) nên rất khó cho việc hạ tải, nhất là các loại hàng hóa nông sản.

Mong rằng, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thông thoáng để hàng hóa lưu thông qua các cửa khẩu quốc tế này ngày càng nhiều hơn. Việc bố trí sớm một bãi hạ tải quy mô và đạt chuẩn quốc tế tại khu vực này là vô cùng cần thiết.

“Hạ tải để xe chở đúng quy định là việc của chủ hàng. Phía hải quan chỉ có chức năng giám sát. Xe nào hạ tải đúng quy định tải trọng ghi trong giấy đăng ký thì hải quan mới làm thủ tục thông quan nhập cảnh, kẹp chì hải quan. Tuy nhiên, lâu nay, chúng tôi đang kiểm soát việc hạ tải bằng cảm quan cho nên để chính xác là rất khó. Ðối với gỗ thì còn đỡ, một số hàng khác như sắn lát… khó khăn hơn vì khó xác định chính xác tải trọng”.

NGUYỄN HỒNG LINH

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh

“Ðã xảy ra tình trạng hàng trăm xe chở gỗ ùn tắc tại hai phía cửa khẩu chờ hạ tải trong nhiều ngày, gây khó khăn cho công tác duy trì bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu mà nguyên do chính là chưa có bãi hạ tải đạt chuẩn”.

(Theo lãnh đạo các đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Nậm Cắn)

“Do chưa có bãi hạ tải đạt chuẩn, cho nên chúng tôi thường xuyên phải nằm chờ nhiều ngày tại các cửa khẩu nói trên, phát sinh nhiều chi phí, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Ðề nghị hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cần sớm đầu tư bãi hạ tải đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

(Giám đốc một Công ty TNHH vận tải ở Nghệ An)

Bài và ảnh: THÀNH CHÂU, BÙI CHÍNH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP