Nhưng đối với người đàn ông ấy, hạnh phúc lại mang một hơi thở khác, một ý nghĩa khác bởi ông không vun vén cho riêng mình mà vun vén cho nhiều cuộc đời mới, bớt vất vả, bớt lo toan. Ông chính là Nguyễn Kỳ Trình- ông chủ của làng nghề hàng sáo Thôn Đông Trung, Xã Cẩm Bình, Huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh. Cái duyên với nghề.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”, quanh năm chân lấm tay bùn.Từng bôn ba nhiều nơi, vật lộn thương trường với đủ thứ nghề từ: bán vật tư nông nghiệp, tạp hóa…Hiểu, thấm hết nỗi vất vả của người dân, thương cho cái nghèo, cái đói vẫn bám chặt mảnh đất quê hương nên dù đi ngược, về xuôi thì trong ông vẫn luôn nung nấu cái khát vọng duy nhất: giúp dân thoát nghèo. Khát vọng đó âu cũng là “ cái duyên”, cái nghiệp với nghề.
Hẹn gặp ông trong một buổi chiều se lạnh, khi không khí tết rộn ràng trên mọi nẻo đường quê. Nhìn vào người đàn ông có khuôn mặt chữ điền phúc hậu, vào ánh mắt và nụ cười hiền lành, nhìn vào những thành quả mà ông đã tạo dựng lên cho mảnh đất này, tôi chợt hiểu ra lý do tại sao mái tóc của ông bạc thế, cái bạc của ông chủ làng nghề ở tuổi 50 lấy chữ “tâm” với nghề làm trọng.
Trong mỗi chúng ta ai cũng ươm cho mình một giấc mơ, một khát vọng thật lớn lao nhưng suy cho cùng nói dễ, làm khó. Đâu phải ai cũng đủ bản lĩnh để bước qua thử thách, đâu phải ai cũng biết trân quý hạt gạo của dân như da thịt mình. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, không ai rõ bằng ông sự cơ cực của cái nghề dầm mưa dãi nắng. Công làm ra hạt gạo đã khó nhưng cái công để xay, để xát, để đưa ra với thị trường gần xa với một mức giá cao còn cả một đoạn đường gian nan.
Trước đây, thóc lúa của người dân nơi đây vẫn thường được mua với mức giá rẻ mạt, bởi tất cả sản phẩm được đưa ra thị trường đều ở dạng thô được dân buôn từ nơi khác kéo về mua. Các bà, các chị, các cô muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình, kiếm thêm tí cám, tí trấu cho lợn, cho gà lại phải lặn lội tới hàng chục cây số ra tới tận xã Thạch Bình, Thị Xã mà chầu chực, mà thức đêm thức hôm để chờ tới lượt được xay, được xát. Cái vất vả ấy quả ít người thấu, nhưng kể từ năm 2006, khi mô hình xay xát của ông được đưa vào thực hiện thì cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể.
Khi được hỏi về số hộ dân trong hai xóm Đông Trung và Bình Tiến đến xay xát, làm nghề hàng sáo thì ông trả lời một cách hồn nhiên: cả làng này có tới hơn180 hộ thì đã có tới 179 hộ theo nghề. Tiếng lành đồn xa, không chỉ có dân Cẩm Bình đưa lúa, gạo đến xay mà đến cả dân các xã khác như Thạch Hội, Cẩm Huy cũng lũ lượt kéo về. Từ một xóm nghèo, giờ đây Bình Tiến đã thành một xóm phát triển vào bậc nhất nhì xã. Hạt lúa, hạt gạo làm ra giờ đã có chỗ tiêu thụ, tất cả được thu mua với mức giá cao, nhiều ưu đãi, lại còn có thêm cám, trấu về phụ giúp chăn nuôi nên nhà nhà chăn nuôi phát triển, chuồng trại tinh tươm. Cái khí thế xây dựng nông thôn mới, các công trình vườn- ao- chuồng, trang trại, dường như cũng theo đó mà ùn ùn phát triển. Đời sống của người dân vì thế cũng được nâng lên, màu xanh của nông thôn mới lại mơn mởn đâm chồi.
Chấp nhận thử thách
Với số vốn ban đầu là 100 triệu đầu tư cho máy móc, nhà xưởng được xây dựng vào năm 2006 đến nay thấm thoắt đã 7 năm trời. Đến nay con số đó đã lên tới tiền tỷ, đó là tất cả vốn quay vòng, lời lãi, là mồ hôi, nước mắt mà hai ông bà đã dốc sức vay mượn, làm lụng. Cái máy xay xát, cái máy nghiền, cái máy sàng tưởng như vô tri ấy lại chính là công cụ để giúp cho bao người, bao gia đình trên mảnh đất này vì thế mà có công ăn việc làm, vì thế mà bớt cái nghèo, cái khổ. Công lênh ấy quả không nhỏ.
Chia sẻ về những khó khăn khi theo nghề ông nói: Có khi công việc thuận lợi nhưng cũng có khi lúa, gạo mua vào của dân đến cả hàng trăm tấn với mức giá cao nhưng rồi thị trường lại đột ngột giảm, thế là lỗ, là lại làm như không công. Nhưng vợ chồng ông không nản, hai ông bà lại cứ thế động viên nhau vượt qua bão giá chứ quyết không chịu bỏ nghề. Bởi làm đâu chỉ vì mình, làm còn cho nhiều người nữa mà. Hai ông bà hóm hỉnh nói: Ngày mùa là ngày mệt nhất, nhưng cũng vui nhất ông tỉ tê tâm sự. Mệt bởi số lượng sản phẩm phải xay xát, chế biến ra thành phẩm để phục vụ cho bà con kịp bán, buôn là rất lớn. Hết xe này đến xe khác cứ thế lũ lượt kéo về. Nhiều khi làm mà quên ăn, làm đêm, làm hôm là chuyện thường ngày. Nhưng tất cả những vất vả ấy đâu có sá gì so với niềm hạnh phúc được nhìn những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt người nông dân. Đâu có sá gì so với niềm hạnh phúc được nhìn ngắm những hạt gạo suôn suột, trắng bóc ào ạt tuôn ra.
Một cái kết có hậu
“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Với ông, câu nói đó như thấm nhuần, ăn sâu vào máu thịt, là bài học cho bản thân mình và con cháu noi theo. Trời quả không phụ lòng người, giờ đây làng nghề hàng sáo của ông đã phát triển mạnh, thương hiệu gạo Cẩm Xuyên đã không còn nằm yên tại mảnh đất nghèo này nữa mà đã vươn ra xa hơn, theo xe, theo tàu ra tận Vinh, lên tới Hương Khê, Đức Thọ… Thế mới biết, anh hùng đâu phải ai cũng được chỉ mặt điểm tên trên bảng vàng danh dự. Anh hùng đôi khi chỉ đơn giản là niềm vui được gần với quê hương, xứ sở. Đơn giản chỉ là người chấp cánh, thổi hồn cho hạt gạo quê hương thêm mềm, thơm, dẻo ngọt. Hoàng Hằng
HĐH