Cùng với hoạt động nghề nghiệp của ngư dân, lễ hội cầu ngư ra đời. Ngư dân – chủ thể văn hóa của lễ hội đã tạo nên sức sống nội sinh trường tồn với sự vận động và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Lễ hội cầu ngư chính là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong văn hóa dân gian của ngư dân vùng ven biển cửa Nhượng.
Sự tích cá voi và miếu thờ Đức ngư ông
Cẩm Nhượng là một xã vùng biển, vì thế đời sống nhân dân từ xưa đến nay dựa vào nghề đánh bắt, khai thác các nguồn lợi thủy sản. Đối với ngư dân đi biển, cá voi chính là vật tổ, là vị thần tối cao luôn cứu giúp họ khi gặp hoạn nạn trên biển cả. Vì lẽ đó, nguồn gốc sâu xa của lễ hội cầu ngư chính là tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi). Huyền thoại xưa kể rằng, Đức phật Quan Thế Âm Bồ Tát trong một lần tuần du hải đảo, chứng kiến cảnh người trần bị chết chìm ngoài biển khơi thì vô cùng đau xót nên đã xé chiếc áo cà sa làm muôn mảnh thả ra trên mặt biển rồi làm phép thành cá Ông. Quan Âm Bồ Tát lấy bộ xương voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn, còn ban phép thâu đường để cá Ông có thể bơi thật nhanh cứu vớt người lâm nạn.
Cụ Lê Văn Thịnh – người trông coi miếu thờ Đức ngư Ông xã Cẩm Nhượng hơn một thập kỷ cho biết: “Cá Ông tự trôi dạt vào bờ và thường án ngự ở bãi biển trước cửa đền. Đến nay, khu vực miếu thờ có khoảng hơn 110 ngôi mộ cá Ông. Mỗi khi chuẩn bị hành trình ra biển, ngư dân thường đến đền thắp hương và cầu cho mưa thuận gió hóa, trời yên biển lặng để có một vụ cá tôm đầy khoang, người người khỏe mạnh, nhà nhà sung túc. Là những người sống nhờ vào biển khơi, thường phải đối đầu với sóng gầm gió giữ, ngư dân gửi gắm niềm tin, cầu xin sự viện trợ vào thần Nam Hải (tức cá Ông)”. Đó cũng chính là nguyên cớ để ngư dân vạn chài mở lễ hội cầu ngư. Lễ hội chính là nơi để họ thể hiện ước vọng về một cuộc sống bình an, phồn thịnh, về những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió. Với ngư dân xã Cẩm Nhượng, lễ hội cầu ngư không chỉ gắn với tín ngưỡng thờ thần Nam Hải mà còn là nơi để họ giải tỏa tinh thần, điều tiết cuộc sống. Bởi thế mà ngư dân xã Cẩm Nhượng khi nhận biết cá Ông thì đều dựa vào đầu cá khắc hình chữ Nam. Ngư dân Lê Xuân Thiết ở xóm Lâm Hoãn chia sẻ: “Quanh năm bận rộn với việc đi biển, rong ruổi theo đàn cá lội, lễ hội chính là dịp để chúng tôi nghỉ ngơi, thư giãn”.
Đặc sắc lễ hội cầu ngư
Cụ Nguyễn Bá Thìn – một trong những chủ tế kỳ cựu của lễ hội cầu ngư ở đây cho biết: “Ngày xưa, khi tôi còn rất nhỏ, lễ hội tưng bừng hơn bây giờ nhiều. Ông tổ tôi trước đây đánh cá ở vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận), thấy ngư dân trong đó tổ chức lễ hội ý nghĩa quá bèn học hỏi và đưa nét đẹp văn hóa ấy về làng quê Nhượng Bạn. Tuy nhiên khi được tổ chức ở đây thì các nghi thức của lễ hội đã được nhân dân cải biến, sáng tạo cho phù hợp với văn hóa địa phương”.
Lễ hội cầu ngư Cẩm Nhượng diễn ra vào ngày 8/4 (âm lịch) gồm có phần lễ và phần hội. Trên cơ sở những giá trị nguyên thể, các nghi thức chính của lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn thể hiện sự kết hợp hài hòa của văn hóa sông nước đồng thời cũng ẩn chứa nhiều sắc thái riêng. Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, với mục đích là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tri ân những người có công với làng xã, tưởng nhớ những người gặp tai nạn trên sông nước…
Phần lễ gồm có nghi thức tế lễ, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu đường. Công tác tổ chức bài bản, có chủ tế đọc khánh chúc, phường âm nhạc trình diễn dân ca, dân vũ. Phần hội là hoạt động diễn ra trong và sau phần lễ, có hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và trình diễn các tiết mục dân gian truyền thống như hát chèo cạn. Mỗi làn điệu có những cung bậc tiết tấu khác nhau, mô tả cách điệu quá trình ra khơi của ngư dân trong hoạt động đánh bắt.
Khoảng 10 năm trở lại đây, lễ hội cầu ngư ở Cẩm Nhượng bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhận thấy giá trị văn hóa to lớn của lễ hội, năm 2012, chính quyền xã đã cho phục dựng lễ hội cầu ngư. Theo đó, CLB Chèo cạn được thành lập. CLB có 15 thành viên, đều là những nghệ nhân lâu đời, “những di sản văn hóa sống” hoạt động tích cực, hiệu quả. Các nghệ nhân đã tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, phục dựng lại nhiều điệu hát chèo cạn và sáng tạo nên những làn điệu, lời mới phong phú, đa dạng. CLB cũng tự vận động quyên góp sắm sửa các nhạc cụ, trang phục, gây dựng quỹ phục vụ trong lễ hội cầu ngư. Cụ Nguyễn Quang Hỷ – thành viên CLB kể: “Những khi biển động không ra khơi hay những đêm trăng sáng, CLB lại tụ tập về sân Đình Cả để tập luyện. Người dân đến xem đông vui như lễ hội chính vậy!”
Hiện nay, khu vực miếu thờ ngư ông bị xuống cấp trầm trọng, chính quyền địa phương đang huy động nhân dân đóng góp để xây dựng lại miếu thờ khang trang hơn, xứng tầm là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội cầu ngư có một sức sống mãnh liệt tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử, gắn liền với cộng đồng dân cư vùng biển Cẩm Nhượng. Ngư dân – chủ thể văn hóa của lễ hội đã tạo nên sức sống nội sinh trường tồn với sự vận động và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Sức sống nội sinh ấy không chỉ thể hiện ở khát vọng ra khơi thuận buồm xuôi gió, ở ước mong trời yên biển lặng, biển cho khoang cá đầy mà còn thể hiện đời sống tinh thần đặc sắc, giàu giá trị nhân văn của ngư dân vùng biển.
Lễ hội cầu ngư xã Cẩm Nhượng mang những giá trị văn hóa truyền thống có tính bền vững. Trải qua thời gian dài bị mai một, lễ hội đang được chính quyền và ngư dân phục dựng, chắt lọc thêm nhiều tinh hoa tốt đẹp, bài trừ những mê tín, hủ tục lạc hậu. Cùng với chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn đang ngày càng khẳng định được những giá trị văn hóa truyền thống của mình, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Phan Trâm
Báo Hà Tĩnh