Nông thôn mới

Cẩm Bình về đích nông thôn mới: Liệu có vội vàng?

Đằng sau danh hiệu Nông thôn mới mà xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đạt được, người dân ở đây phải gánh rất nhiều hệ lụy.

 Thật ra, trong 19 tiêu chí của Làng văn hóa thì Bắc Tiến mới chỉ đạt trên phân nửa. 
Khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Đặng Quốc Hải trong buổi họp tổng kết cuối năm, nhiều cán bộ, nhân dân của thôn Bắc Tiến, xã Cẩm Bình cảm thấy không vui. Vì trong rất nhiều thôn của xã thì Bắc Tiến là thôn phát triển nhưng danh hiệu Làng văn hóa được công nhận vào năm 2013 chưa thật sự xứng đáng. Ngay cả thôn rộn ràng cờ, loa đón danh hiệu “Làng văn hóa”, nhiều cán bộ, nhân dân cảm nhận sâu sắc sự chua xót và nỗi bất bình. Thật ra, trong 19 tiêu chí của Làng văn hóa thì Bắc Tiến mới chỉ đạt trên phân nửa. 
Khi chúng tôi về tận nơi để xác minh sự việc thì ai nấy đều khẳng định rằng, Bắc Tiến còn nhiều điểm thiếu sót cần phải hoàn thiện hơn nữa mới xứng đáng đạt danh hiệu Làng văn hóa. Hiện hệ thống đường của thôn chỉ bề mặt (tức là từ trục đường chính dẫn từ đường 26 về qua nhà văn hóa thôn) là được bê tông kiên cố. Những đường trục còn lại của thôn đều chưa được bê tông hóa hoàn chỉnh. Vì có những đoạn đường đã từng được bê tông nhưng lại hư hại, sụt lún, ổ voi, ổ gà rất nhiều; mùa nắng đã khó đi, mùa mưa lại càng trơn trượt khó đi hơn nữa. Đường ra đồng, đường ngõ, ngách của thôn hầu hết mới chỉ được đổ xô bồ (đá dăm) hoặc là những lớp bê tông tráng mỏng. Tuy nhiên, phải nói rõ ràng rằng không phải xã không tích cực làm mà do đời sống kinh tế của người dân quá nghèo, không thể kham nổi các khoản đóng góp theo kiểu “xã hội hóa”. “Trước đây, có thời điểm có vốn hỗ trợ từ trên xuống, mỗi khẩu trong gia đình chỉ cần đóng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng mà dân còn không có, cán bộ vận động lên, vận động xuống rồi cuối cùng đâu lại vào đó. Bây giờ, khi xã đã lên nông thôn mới, mỗi khẩu phải đóng đến 800.000 đồng thì dân biết đào đâu ra. Thời buổi “thóc cao gạo kém”, “người khôn của khó”, nhiều gia đình thu nhập chỉ nhờ vào mấy sào ruộng; con đông, kiếm tiền ăn, học cho nó đã hoa cả mắt thì hỏi lấy đâu ra của nả để làm đường” – chị N.T.N, một người dân thôn Bắc Tiến chia sẻ. 
Không riêng gì đường bê tông, kênh mương nội đồng ở Bắc Tiến cũng mới chỉ được bê tông một phần nhỏ, còn lại vẫn là mương tự đào. Nhiều người cho rằng, đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đất đai của thôn bị bỏ hoang khá nhiều. Gần một phần ba diện tích cánh đồng giờ chỉ còn dùng để thả trâu, thả bò và cho trẻ con đá bóng buổi chiều. Chị H, người dân thôn Bắc Tiến, cho biết: “Nhắc đến làm ruộng ở Cồn Nhược là ai cũng khiếp, muốn lấy được chút nước phải chạy ngược chạy xuôi, ruộng ở trên không cho ruộng ở dưới lấy xuống… Những vụ hàng xóm ẩu đả nhau vì “nước” là không hề ít”. Bà Th, người cao tuổi của thôn, cũng chia sẻ: “Ngày xưa, ông bà đi khai hoang từng miếng đất nhỏ không quản lau sậy, không quản đìa lác cứ sinh ngày là đi xe đất từ ruộng cao xuống ruộng thấp. Vậy mà giờ nhìn thấy đất không phải là 1 thước, 2 thước mà cả một dải đất mênh mông đến cả mấy héc ta bị bỏ hoang, nhìn mà tiếc. Ở đâu tấc đất tấc vàng không biết nhưng ở đây tấc đất vẫn chỉ là tấc đất mà thôi”. 
Chuyện làm ăn kinh tế đã thế, chuyện “văn hóa” của thôn Bắc Tiến cũng là cả một câu chuyện dài. Nghĩ cũng thật lắm chuyện ngược đời! Khi đám cưới, đám hỏi, thanh niên trai gái đến hát hò, nhảy múa, loa nhạc rộn ràng nhưng chưa đến 22 giờ đêm đã bắt tắt; vậy mà hội, kèo đánh bài, đánh bạc tổ chức có tụ điểm sát nách nhà thôn trưởng, công an viên thì vẫn nghiễm nhiên tồn tại từ ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác như một lẽ tự nhiên. Ngay cả trong ngày rằm tháng 7, trước sân nhà thờ họ, chốn linh thiêng mà chiếu bạc vẫn bày ra. Hẳn tổ tiên, ông bà cũng phải ngao ngán lắm với con cháu thời nay. Văn hóa ở đâu không biết, nhưng lô đề vẫn chạy, thanh niên trai tráng mở mắt là lô, nhắm mắt là đề. Đến cả cụ già ở cái tuổi thất thập cổ lai hy tiền mắm, tiền gạo không lo thiếu chỉ lo không tiền đánh “đầu”, đánh “đít”. Chiều nào cụ cũng đạp xe đến điểm ghi đề, làm cho được vài con về ăn mới ngon cơm. Bao nhiêu gia đình tan nát, xích mích, vợ quanh năm đi ở đợ, làm thuê cho nhà người. Bao gia đình vợ, con ngong ngóng chờ chồng, thấp thỏm âu lo. Thắng bạc cười hớn hở, thua bạc xót lòng, vợ đến tận nơi gọi về không những không biết lỗi, còn thẳng chân đạp ngay xuống hồ khi còn bụng mang dạ chửa.
Không hiểu với chừng ấy vấn đề thì xã Cẩm Bình lấy đâu “tiêu chí” để xét duyệt Làng văn hóa, rồi “về đích” Nông thôn mới? Hay chỉ vì bệnh thành tích mà các cơ quan chức năng nhắm mắt làm ngơ, công nhận cho có công nhận, tuyên dương cho có tuyên dương rồi để lại bao nhiêu hệ lụy mà người dân phải gánh chịu. Và, phải chăng cái đích Nông thôn mới đối với xã Cẩm Bình là quá vội vàng?!!
                                            
Nhóm Phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG