Cẩm Xuyên

Cẩm Bình: Thu lãi nóng của hộ nghèo để hoàn thành NTM

Bất chấp quy định của Chính Phủ, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), chính xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã “sáng tạo” ra rất nhiều các khoản thu rất vô lý kể cả đối với những gia đình khó khăn.

Từ thực tế của một gia đình chính sách 

Với sự chỉ dẫn của người dân, PV đã tìm đến nhà của cụ ông Nguyễn Đình Thanh và cụ bà Nguyễn Thị Hợp (đều 87 tuổi, trú tại thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình) là bố mẹ của liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng.

Cụ Thanh bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của con trai

Theo trình bày của cụ Thanh, nguyên trước đây gia đình cụ sinh sống trong một căn nhà tranh lụp xụp xiêu vẹo, đến tháng 8/2013,  trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, cán bộ chính quyền địa phương đến vận động gia đình vay mượn để “xóa nhà tranh tre dột nát”, làm nhà xây. Chính quyền hứa sẽ hỗ trợ cho gia đình 40 triệu đồng tiền làm nhà. Nghe vậy gia đình rất mừng. Cả đời người lam lũ, vất vả nay đến lúc “gần đất, xa trời” được ở nhà xây thì sướng lắm.

Cụ Thanh nói trong nước mắt: “Được chính quyền hỗ trợ làm nhà thì sẽ có nơi để hương khói, thờ cúng cho đứa con trai là liệt sĩ của mình… thế là vợ chồng tôi đã vận động con cháu, vay mượn anh em làng xóm được tất cả là 120 triệu để làm nhà. Khi vợ chồng tôi đi vay tiền cũng đã hứa với mọi người là lúc nào xã cho tiền hỗ trợ sẽ trả. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Khi nhà mới được xây xong cũng chính là lúc hai vợ chồng tôi lâm vào cảnh nợ nần”.

Căn nhà mới của vợ chồng cụ Thanh được xây dựng cũng là lúc vợ chồng lâm vào cảnh nợ nần

Tâm sự với chúng tôi cụ kể: “Trong quá trình làm nhà, cán bộ xã không một lần viếng thăm. Làm nhà xong tôi đã nhiều lần chống gậy lên trụ sở ủy ban xã để xin tiền hỗ trợ để về trả nợ nhưng cán bộ xã lại nói là “không biết”. Nói thật với các chú, nghĩ đến khoản nợ làm nhà, vợ chồng tôi rất lo lắng.”

Cụ bà nguyễn Thị Hợp nghẹn ngào nói thêm “Thế này vợ chồng tôi ở nhà tranh, vách đất còn sướng hơn…”

Nói đoạn, cụ Thanh thắp ba cây hương lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng, ánh mắt buồn rười rượi…

Đến một hoàn cảnh gia đình bi đát… 

Khi chúng tôi đến thăm nhà anh Đoàn, chị Liệu (thôn Tân An) thì chỉ có ba mẹ con chị Liệu ở nhà. Trong căn nhà tuềnh toàng, chị Liệu kể, vợ chồng anh chị có hai cháu bịn tật nguyền là Nguyễn Minh Hùng (16 tuổi) và cháu Nguyễn Thị Diện (12 tuổi). Cả hai cháu thuộc diện được hưởng chính sách.

Các loại chứng từ thông báo tận thu của UBND xã
Trong thông báo các khoản thu của hộ  anh Đoàn chị Liệu có các khoản hết sức vô lí như: Thiếu họp thôn phạt 5kg/buổi, thu tiền lãi…

Anh Đoàn làm thợ nề, chị Liệu ở nhà chăm cháu Hùng và cháu Diện. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Nhưng trong đợt xây dựng nông thôn mới này nhà anh chị phải “cõng” không ít các khoản thu. Tổng số tiền mà anh chị phải nộp đợt này là 7.047.000đ (Bảy triệu không trăm bốn mươi bảy ngàn đồng).

Đưa các tờ thu các khoản của chính quyền địa phương cho cho chúng tôi, chị Liệu nói như mếu: “Các chú coi hoàn cảnh nhà chị như thế này mà xã bắt nộp chừng này tiền thì chị chỉ còn biết kêu trời thôi”.

Đọc tờ thông báo các khoản thu, chúng tôi giật mình. Chính quyền xã Cẩm Bình đã thu tiền lãi các khoản đóng góp của người dân. Nghĩa là trong các khoản thu mà chính quyền thông báo, nhà nào nộp chậm thì chính quyền sẽ thu lãi khoản đó và mức tính lãi là 2%/ tháng.

Cụ thể với gia đình anh Đoàn, chị Liệu, số tiền lãi phải nộp là 307.000đ (Ba trăm linh bảy ngàn đồng). Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Liệu nói: Cả làng đều như vậy chú ạ! Không những vậy, thôn, xã cũng bắc loa réo tên từng hộ chưa nộp khoản này, thiếu nợ khoản kia… Nói thật với chú bọn chị nhục nhã lắm…!!!.

Cũng theo tờ thông báo các khoản thu của gia đình anh Đoàn, chị Liệu thì chính quyền xã Cẩm Bình đã thu tiền xây dựng giao thông nông thôn của cả người tật nguyền.

Cụ thể nhà anh Đoàn, chị Liệu có tất cả là năm khẩu. Trong đó hai cháu Hùng và Diện như trên đã nói thuộc diện tật nguyền được hưởng chính sách. Thế nhưng khi tính số khẩu để thu tiền xây dựng giao thông nông thôn, chính quyền xã Cẩm Bình đã thu của gia đình anh Đoàn số tiền là 1.200.000đ (Một triệu hai trăm ngìn đồng). Trong khi đó quy định mức thu của xã là 300.000đ/1 khẩu. Nghĩa là xã Cẩm Bình đã thu tiền xây dựng giao thông nông thôn của một trong hai đứa con tật nguyền của anh chị!!!.

Một trong hai đứa con tật nguyền của vợ chồng anh Đoàn, chị Liệu phải đóng tiền xây dựng GTNT

Được biết, xã Cẩm Bình là một trong 7 xã của tỉnh Hà Tĩnh được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Sự “về đích” của Cẩm Bình được trên tuyên dương, khen thưởng, chúc tụng. Nhưng liệu sự “về đích” của xã Cẩm Bình có ý nghĩa gì khi vẫn có rất nhiều những người dân, thậm chí là những gia đình chính sách, những đứa trẻ tật nguyền phải sống trong sự thiếu thốn, nợ nần, khổ đau…

Để phản sự việc trên lên chính quyền địa phương chúng tôi đã tìm đến UBND xã Cẩm Bình nhưng những những người có trách nhiệm ở đây chúng tôi đều không thể gặp được, mặc dù phóng viên đã cố gắng điện thoại liên lạc với ông Đặng Quốc Hải chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, rất nhiều lần nhưng cũng không thể liên lạc được.

Ngày 8 tháng 5 năm 2014, chúng tôi có buổi làm việc với ông Đặng Quốc Cương, Bí thư huyện ủy huyện Cẩm Xuyên, ông Cương khẳng định “Nếu xã để xẩy ra những sự việc như vậy là hoàn toàn không đúng, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho cơ quan chức năng của huyện kiểm tra và xử lý”.

Ngày 13/82014, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mớinhư sau: 

“……Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân; chú trọng hướng dẫn, tổ chức hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước…  thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, kiểm điểm để xử lý kỷ luật nghiêm khắc…”.

Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc…

Đặng Sơn – Đình Chuân – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP