Kinh tế

Cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm: Dân du lịch, nhà hàng lo lắng

Quy định về giờ bán rượu bia sẽ có tính khả thi không cao và gây ra những hệ lụy như nhờn luật, kinh doanh trái phép, uống cấp tập vào những khung giờ tự do và làm ảnh hưởng đến những DN kinh doanh hợp pháp.

Lo tính khả thi

Quy định về giờ bán rượu bia trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được thảo luận tại Quốc hội khóa 7 kỳ họp thứ 14. Theo đó, giờ bán rượu bia được lấy ý kiến với phương án về khung giờ cấm bán rượu bia là chỉ được bán từ 8 - 22h hằng ngày. Khung giờ cấm này không áp dụng với tuyến phố kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Có thể thấy khung giờ cấm bán rượu bia trùng vào khung giờ “vàng” có thể gây bất tiện cho việc tiêu thụ và sử dụng đồ uống có cồn. Từ đó, hạn chế sử dụng rượu bia, góp phần phòng chống tác hại rượu bia. Đây có thể xem là biện pháp mạnh nếu được quy định trong luật.

Làm thế nào để quản lý bán rượu, bia theo đúng giờ cấm là điều không dễ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tính khả thi không cao và sẽ gây ra những hệ lụy.

Theo Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam, quy định cấm bán rượu bia theo khung giờ, có thể sẽ khiến người uống rượu bia càng uống nhiều hơn, cấp tập hơn vào khung giờ tự do. Mặt khác, quy định cấm cũng sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người uống sẽ tìm đến những loại rượu, bia không đạt chất lượng và sẽ dẫn dắt người bán khai thác việc kinh doanh trái phép để đáp ứng nhu cầu người mua, dẫn đến thất thu thuế và sức khỏe người tiêu dùng, các vấn đề xã hội liên quan đến những hành vi trái phép.

Hơn nữa, quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các chủ DN kinh doanh hợp pháp, gây ra thiệt hại cho sự phát triển du lịch và kinh tế. Vì vậy cần được đánh giá về những hệ lụy đầy đủ và xem xét một cách toàn diện.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng, làm thế nào để quản lý bán rượu bia theo đúng giờ quy định cấm là điều không dễ. Trách nhiệm thực hiện thuộc về ai, chế tài cho việc không thực hiện như thế nào phải cụ thể,... Nếu không quy định, dù vì mục tiêu tốt đến đâu chỉ nằm trên giấy mà thôi.

Khi quy định “nửa vời” không tính đến giải pháp thực hiện sẽ tạo ra tình trạng nhờn luật, nhàm luật, lách luật và hành vi bán chui lủi, bán qua mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Người sử dụng cũng có thể “ứng phó” theo cách mua nhiều, mua dự trữ, “ship” hàng qua nhà cung cấp. Mặt khác, quy định này nếu không làm tốt sẽ khiến các DN làm ăn nghiêm túc thua thiệt; tạo điều kiện cho kinh doanh trái phép.

"Trên thực tế, đã có quy định cấm bán rượu, với hình phạt khá nặng, song thực thi vẫn là câu chuyện nan giải. Vì vậy, đi kèm theo quy định, Bộ Y tế phải nêu phương án thực hiện; trong đó có sự phối hợp bộ ngành, địa phương và DN như thế nào? Tránh nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu? Việc vi phạm sẽ phát hiện và xử lý ra sao?", ông Đức nói.

Thực tế, Luật được ban hành nhưng chưa có tính thực tiễn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam không phải là hiếm. Vì vậy, trước khi đi vào nghiên cứu một luật mới, nhất thiết cần xem xét nghiêm túc tính thực tiễn của nó bởi một bộ phận độc lập và tự chịu trách nhiệm về kết quả đó. Để cho ra đời một luật mới, ngân sách nhà nước phải chi ra rất nhiều tiền, chưa nói đến thời gian và công sức con người bỏ ra. Khi ban hành, nếu nó không đi vào cuộc sống đó là một sự lãng phí.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những quy định không mang tính khả thi sẽ dẫn đến nhờn luật, vô hiệu hóa quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của DN. DN sợ nhất là rủi ro do quy định không khả thi gây ra, ông Hiếu nói.

Ngành dịch vụ lo lắng

Với quy định này, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Anh Đặng Quang Phúc, chủ quán số 79 phố Bùi Viện, quận 1 TP.HCM, cho biết, hiện nay có một số quán gắn biển Bia Club, thực chất là những quán bar theo quy định chỉ được bán bia, không được bán rượu mạnh. Nhưng thực tế thì họ vẫn bán rượu mạnh, thậm chí cả rượu giả. Quy định quán bar không mở nhạc to sau 12h đêm, nhưng họ vẫn mở. Đoàn kiểm tra liên ngành khoảng 5-6 người, thỉnh thoảng có qua, nhưng sau 15 phút là đi và mọi chuyện đâu lại vào đấy.

"Tôi lo ngại tính khả thi của quy định cấm bán rượu, bia theo giờ sẽ không cao. Sẽ có nhiều cách để rượu, bia vẫn bán vào giờ bị cấm. Bởi với những người kinh doanh nghề này đó là nguồn sống. Còn thực hiện đúng quy định thì chỉ có đóng cửa không cạnh tranh được".

Anh Trần Bảo Lộc, chủ quán Miss Sài Gòn số 156 phố Bùi Viện, nói: "Cấm bán rượu bia theo giờ không hợp lý, không khác gì bắt chúng tôi dẹp quán. Không bán khách sẽ bỏ đi tìm nơi có bán, nếu bán thì vi phạm, rất nguy hiểm. Luật cấm thì sẽ phải thực hiện, nhưng tôi cho rằng không khả thi, sẽ có nhiều cách để đối phó, bởi vì chỉ cấm bán chứ đâu có cấm uống. Nếu quy định kinh doanh được mở cửa bán hàng đến 2h sáng thì phải để cho người ta kinh doanh bình thường. Không thể cho mở cửa mà không cho bán hàng. Như thế khác nào làm khó người kinh doanh".

Một hướng dẫn viên du lịch của Công ty du lịch Saigontourist cho hay, trong chương trình tour hay thực đơn của các công ty du lịch, giới thiệu cho khách phần lớn không ghi thức uống có bia, rượu nhưng lúc nào khách cũng gọi thêm đặc biệt là bia. Du khách nước ngoài hay du khách trong nước khi đến một điểm mới họ có xu hướng chọn thêm rượu, bia trong bữa ăn, đó là cách thưởng thức văn hóa vùng miền chứ không hẳn là để nhậu cho xỉn, cho đủ “đô”. Hơn nữa, buổi tối trong chương trình tour là tự do, khách tự quyết định hình thức giải trí riêng của mình, sẽ rất khó và không thể quản lý cũng như kiểm soát du khách chuyện tự chọn thức uống.

Nếu quy định này được thực hiện, chẳng lẽ trong chương trình tour gửi cho khách phải kèm theo thông báo “quý khách không thể mua được bia, rượu vào những khung giờ sau đây... Du khách nước ngoài sẽ khó chấp nhận. Ngành du lịch chắc chắn bị ảnh hưởng.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP