Chạy đua với thời gian
Tùng Ảnh hiện còn “nợ” NTM 3 tiêu chí. Thế nhưng, trong 3 tiêu chí còn lại nói một cách chính xác là chỉ còn 2, bởi nếu không sáp nhập 17 thành 12 thôn thì làm gì có chuyện phải làm lại các trụ sở nhà văn hóa (tiêu chí số 6). Tất nhiên, tiêu chí này lại nằm trong “tầm kiểm soát”, bởi chỉ cần xây dựng 9 trụ sở thôn, đảm bảo 70% số thôn có nhà văn hóa là đủ. Nói một cách tự tin như Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh Phan Tiến Dũng thì tiêu chí này “dễ như trở bàn tay”.
2 tiêu chí xã Tùng Ảnh chưa hoàn thành là thi công 5,7 km giao thông nội đồng, 3,5 km GTNT (tiêu chí số 2) và tiêu chí số 13 là hình thức tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu khả quan qua thẩm định của 2 ngành: giao thông và hạ tầng kỹ thuật huyện Đức Thọ thì cuối quý 3 năm nay, tiêu chí số 2 sẽ hoàn thành, bởi địa phương đã và đang triển khai một cách quyết liệt Như vậy chỉ còn lại tiêu chí số 13.
Để thực hiện cuộc chạy đua về đích trước thời gian, xã Tùng Ảnh hiện đang tập trung quy hoạch, cơ cấu lại các vùng cánh đồng mẫu, đưa giống RVT chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã tiếp tục quan tâm đến các hoạt động của các gia trại và các hộ gia đình, đẩy mạnh chăn nuôi gắn với xây dựng bể khí bioga.
Cho đến thời điểm này, đã có 55 hộ tham gia chăn nuôi đàn lợn tập trung quy mô từ 350 – 370 con. Để thực hiện tốt điều này, xã đã hỗ trợ mỗi hộ số tiền 3 triệu đồng để xây dựng bể biogas, đồng thời phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ vay 15 triệu đồng để đầu tư xây dựng với lãi suất vay thấp.
Chợ Tùng Ảnh đang chờ bàn giao để người dân mua bán thuận lợi.
Ngoài ra, Tùng Ảnh còn tập trung xây dựng gia trại chăn nuôi gà tập trung quy mô 5000 con tại xóm Châu Tượng; tiếp tục nhân rộng mô hình trồng hoa trên khuôn viên 3,3 ha tại xóm Châu Nội do anh Nguyễn Huy Dương xóm Châu Nội làm chủ (từ đầu năm đến nay, ước tính lãi ròng từ gia trại này lên đến 70 triệu đồng).
Dù không có nhiều diện tích tự nhiên nhưng tới đây sẽ có nhiều mô hình trồng hoa mới xuất hiện.
Bí quyết làm nên thành công
Khách quan mà nói thì Tùng Ảnh là quê hương của cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng nên được hưởng lợi từ những dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng con em xã Tùng Ảnh đang đảm nhận những địa vị “lớn” và có tiềm lực kinh tế trên khắp mọi miền đất nước nên đó là cơ hội để giúp địa phương trong cuộc “trường chinh” xây dựng NTM. Bởi không riêng gì Tùng Ảnh mà bất cứ địa phương nào cũng có được lợi thế này. Vấn đề là làm thế nào để kết nối thành công và huy động được nguồn lực mới là điều đáng bàn?. Năm 2011, Tùng Ảnh đã huy động được số tiền hơn 18 tỷ đồng bằng các chương trình lồng ghép của con em địa phương sống trên khắp mọi miền của đất nước.
Chùa Đá với tổng số tiền 14 tỷ đồng do người dân đóng góp đang được triển khai thi công và cuối năm 2013 sẽ hoàn thành.
Nhìn lại chặng đường đã qua, thành công của Tùng Ảnh khiến nhiều địa phương khác phải mơ ước. Tùng Ảnh có “thâm niên” 12 năm làm NTM, do đó đã tích lũy đươc khá nhiều kinh nghiệm. Trong đó giai đoạn 2000 – 2005, Tùng Ảnh là một trong 7 xã “cán” đích đầu tiên hoàn thành 19 tiêu chí NTM do tỉnh Hà Tĩnh đề ra; giai đoạn 2 từ 2006 – 2010, xã Tùng Ảnh đã rút ngắn được thời gian 2 năm để trở thành đơn vị duy nhất hoàn thành 33 tiêu chí NTM của tỉnh khi đến đích vào cuối năm 2008. Xã đã “ẵm” trọn số tiền 500 triệu đồng về thành tích này khiến nhiều địa phương ngẩn ngơ.
Cho đến nay, trong cuộc chạy đua xây dựng NTM các xã trong huyện Đức Thọ “bám đuôi” Tùng Ảnh chỉ đạt khoảng hơn 10 tiêu chí và con số này thật khiêm tốn, còn lại đì đẹt dưới 8 tiêu chí. Nếu nhìn rộng ra khắp toàn tỉnh thì có khá nhiều xã thuộc huyện Vũ Quang và các huyện khác mới chỉ dừng lại ở 4 – 5 tiêu chí. Nói bí quyết có vẻ to tát và bí ẩn, nhưng đơn giản là xây dựng NTM phải bắt đầu từ nếp nghĩ và cách làm.
Chủ tịch Dũng cho rằng: “NTM là đi vào lòng dân. Muốn xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Chính quyền địa phương chỉ định hướng cho các xóm về mặt chủ trương, còn xây dựng phương án và tổ chức thực hiện là do họ tự thực hiện. Những hộ tự nguyện hiến đất, xóm sẽ đóng góp và bù lại những công trình được xây dựng trên phần đất đã hiến. Đất Tùng Ảnh có giá trị cao nhưng nếu không có sự đồng thuận từ dưới thì chính quyền cũng buộc phải bó tay”.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012, đã có 24 công trình do dân tự bàn và tự tổ chức thực hiện được 24 công trình. Trong đó nhân dân đóng góp được gần 2 tỷ đồng; huy động được 1.328 ngày công; hiến đất được 6.314 m2, trong đó 256m2 đất ở, 2.552m2 đất vườn ở và 3.506m2 đất sản xuất nông nghiệp. Tình nguyện hiến vật kiến trúc trên đất: tường rào, cổng 417m; hiến 715 cây có giá thành xấp xỉ 2 tỷ đồng; vận động hàng trăm hộ dân chỉnh trang nhà cửa vườn tược và làm mới các công trình vệ sinh với số tiền 1,3 tỷ đồng. 183 hộ dân xây dựng công trình vệ sinh đã lên đến 33 tỷ đồng.
Có thể nói, với đội ngũ cán bộ lãnh đao từ xã đến từng thôn xóm năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và biết phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân; đồng thời đề cao vai trò chủ thể của mỗi người dân, xem dân là gốc, Tùng Ảnh sẽ trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Từ đó mới hay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Tùng Ảnh hiện đang là điểm đến của các tỉnh thành trong cả nước: Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và rất nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Mô hình này cần được nhân rộng để các địa phương khác làm theo.
Hoài Nam
Báo Hà Tĩnh