Thể thao

Các CLB V-League có đúng đắn khi gượng ép sử dụng tuyển thủ U23 Việt Nam?

Tạo điều kiện để các tuyển thủ U23 Việt Nam vừa trở về từ VCK U23 châu Á ở các CLB là điều cần thiết. Nhưng đấy là khi họ đủ năng lực, đã chín mùi để được sử dụng. Bằng ngược lại, cứ để các cầu thủ trẻ phát triển một cách bình thường nhất.

Có tuyển thủ U23 Việt Nam đã chắc suất đá chính ở các CLB, như Quang Hải, Duy Mạnh (CLB Hà Nội), Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh (HA Gia Lai), hay Xuân Mạnh (SL Nghệ An). Ngược lại, có những cầu thủ dù chơi thành công ở đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng chưa chắc cạnh tranh được chỗ chính thức trong màu áo CLB.

Số này có Hà Đức Chinh ở SHB Đà Nẵng, thủ môn Nguyễn Văn Hoàng (Sài Gòn FC), hay kể cả Văn Toàn, Hồng Duy (HA Gia Lai)…

Những cầu thủ đấy, vẫn còn có điểm phải phấn đấu, để nâng cao trình độ của chính mình. Sử dụng họ gượng ép ở thời điểm hiện tại có thể chưa phù hợp, thậm chí có thể làm giảm sức cạnh tranh, và tăng sự ỷ lại của chính các cầu thủ vừa nêu, bởi tâm lý chắc suất đá chính.

Hiện tại, nếu nói rằng Hà Đức Chinh có thể cạnh tranh ngang ngửa với các tiền đạo ngoại tại SHB Đà Nẵng thì không đúng

Ví dụ như Hà Đức Chinh là tiền đạo đầy triển vọng, là một trong những trung phong được chờ đợi nhiều nhất, trong số những chân sút thuộc thế hệ tiếp theo của bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay ở thời điểm hiện tại, bảo rằng Hà Đức Chinh có thể cạnh tranh ngang ngửa với các chân sút ngoại tại CLB SHB Đà Nẵng, đặc biệt là với Gaston Merlo thì không đúng. Đây là thời điểm mà Hà Đức Chinh cần kiên nhẫn và học hỏi, hơn là được tung vào sân rồi có thể không đáp ứng được sự chờ đợi, trước khi chịu thêm áp lực về mặt tâm lý.

Đôi khi, việc vào sân ở một số thời điểm cụ thể từ băng ghế dự bị, rồi gây đột biến vẫn tốt cho tâm lý của các cầu thủ trẻ, hơn là có tên trong đội hình xuất phát, nhưng lại không thể thi đấu đúng sức vì phải chịu quá nhiều áp lực.

Đấy là vấn đề sử dụng nhân sự trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không riêng gì trong bóng đá. Tương tự như chuyện diễn viên chưa thành ngôi sao thì chưa đủ sức gánh cả một bộ phim, mà nên bắt đầu từ những vai nhỏ, vai phụ.

Trường hợp của Văn Toàn ở HA Gia Lai lại khác. Ở mùa giải năm ngoái, Văn Toàn thi đấu không thành công, khá mờ nhạt trong màu áo của Gỗ. Tại VCK U23 châu Á vừa qua cũng vậy, Văn Toàn chơi mờ nhạt hơn so với những gì mà người ta chờ đợi ở anh.

Có thể hiện tượng trên xuất phát từ yếu tố tâm lý của Văn Toàn: Đá tiền đạo liên tục nhưng không ghi được bàn thắng trong suốt thời gian dài khiến cho sự tự tin giảm đi.

Thành ra, đây là lúc mà Văn Toàn cần khôi phục yếu tố tinh thần trước, rồi mới nghĩ đến chuyện cải thiện chuyên môn sau. Không ai chê năng lực chuyên môn của Văn Toàn, nhưng đôi khi các cầu thủ cần có khoảng không gian và thời gian lắng đọng, thậm chí kiên nhẫn trở về với băng ghế dự bị trong một vài thời điểm, để thôi thúc sự khát khao thể hiện của chính cầu thủ đấy.

Không cứ hễ được gắn mác tuyển thủ U23 Việt Nam là chắc chỗ ở sân chơi chuyên nghiệp. Sử dụng các cầu thủ một cách hợp lý, vừa tạo động lực cho các tài năng trẻ, vừa kích thích họ phát triển năng lực cũng là nghệ thuật của các CLB, của các nhà chuyên môn.

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP