Số suất rớt hạng quyết định rất lớn đến tính cạnh tranh của giải đấu, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn và sức hấp dẫn của giải.
Để tạo nên sức hấp dẫn cho Thai-League, BTC giải đấu này cùng với Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) thậm chí còn tăng số đội rớt hạng ở Thai-League 1 ở mùa giải năm nay, tiến tới việc giảm số lượng đội tham dự giải đấu nêu trên trong năm 2019.
Cụ thể, ở Thai-League 1 năm 2018, sẽ có đến… 5 đội rớt hạng (so với chỉ 3 đội rớt hạng từ năm 2017 trở về trước), để sang đến năm 2019, Thai-League 1 rút gọn số đội tham dự từ 18 xuống còn 16 đội, hòng giảm số lượng nhưng nâng chất lượng của giải đấu.
Năm ngoái, Long An (áo trắng) bị điểm mặt là ứng cử viên xuống hạng quá sớm, khiến cho họ liên tục bị "đánh hội đồng" (ảnh: Trọng Vũ) |
Chính vì thế mà con số chỉ 1 đội xuống hạng của V-League từ năm 2017 trở về trước được xem là con số quá khiêm tốn so với tổng số 14 đội dự giải hàng năm. Tỷ lệ xuống hạng ở V-League từ năm 2017 trở về trước chỉ vào khoảng 7% - một tỷ lệ quá thấp.
Vì tỷ lệ đội rớt hạng thấp, nên V-League trước đây cũng thường sớm ngã ngũ vị trí rớt hạng chỉ sau lượt đi, dẫn đến hiện tượng có đội trở thành “rổ điểm” cho phần còn lại của V-League khai thác.
Rồi cũng vì có đội phải nhận suất rớt hạng quá sớm, nửa cuối bảng xếp hạng thường sớm ngã ngũ, nên mới dẫn đến tình trạng nhiều đội bóng hết động lực chỉ sau nửa mùa giải, khiến cho tính cạnh tranh và chất lượng chuyên môn của không ít trận đấu giảm đi.
Đấy cũng chính là lý do mà từ mùa giải 2018, BTC V-League quyết định tăng số suất rớt hạng lên 1,5. Cụ thể, đội đứng thứ 14 V-League 2018 sẽ rớt thẳng xuống giải hạng Nhất, đội đứng thứ 13 sẽ đá trận play-off chuyển hạng/giữ hạng với đội thắng trong cặp play-off giữa đội đứng thứ nhì và thứ ba của giải hạng Nhất 2018.
Điều này nhằm giảm số trận đấu giữa các đội hết động lực, tăng nguy cơ rớt hạng đối với nhiều đội nhóm dưới, từ đó buộc họ phải thi đấu nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn ở giai đoạn cuối của mùa giải.
Khán giả cũng cần nhiều hơn các trận cầu có tính cạnh tranh thật sự, giữa những đội bóng có động lực rõ ràng.
Thế nên, một khi các đội bóng chưa cảm thấy họ được an toàn trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng, họ buộc phải thi đấu với tinh thần quyết tâm cao, từ đó khán giả là những người được lợi nhất: Vừa khỏi phải nghe các đội hô khẩu hiệu suông, vừa phải có thêm niềm tin là các đội bóng sẽ đá thật, trong trường hợp vận mệnh của họ tại V-League bị ảnh hưởng trực tiếp.
Thậm chí, việc V-League có 1,5 suất rớt hạng ở mùa giải 2018 có thể vẫn chỉ là khởi đầu cho những thay đổi. Trong những năm tiếp theo, số suất rớt hạng sẽ còn được tăng lên, để giải đấu ngày càng sôi nổi, có thêm chi tiết đáng xem với cuộc đua của các đội nhóm dưới.
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí