Văn hoá Dân gian

Cà kheo – Nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển

Mỗi năm, vào độ tết đến xuân về, nhiều hoạt động vui chơi giải trí mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian được triển khai rầm rộ khắp nẻo làng quê trên rẻo đất Lam Hồng.

Trò thi diễn cà kheo là một trong những trò chơi giải trí dân gian rất thể thao được nam thanh, nữ tú các cộng đồng cư dân vùng biển đam mê như một món ăn tinh thần trong hoạt động vui xuân và ngày càng được lan tỏa rộng khắp các địa phương trên toàn tỉnh.


Từ công cụ hỗ trợ lao động bằng tre


Hà Tĩnh có một bờ biển dài và đẹp với thềm sóng êm đềm, tương đối nông và bằng phẳng lại vừa dồi dào nguồn đặc sản nhuyễn thể. Do đó, cùng nghề đánh bắt hải sản ngoài khơi, trong lộng, nghề cào nghêu, sò, cua rạm, tép tôm bên bờ chân sóng cũng là một trong những kế mưu sinh của cư dân vùng biển. Từ trong lao động, cư dân vùng sông nước đã biết tận dụng tre, trúc sáng tạo ra nhiều thứ dụng cụ sản xuất rất hữu ích cho cuộc sống mưu sinh. Con người đã sáng tạo những cặp gậy tre thành đôi chân cà kheo đi cào nghêu, cào hến rất hiệu quả mà không phải ngâm mình dưới nước. Họ sử dụng những “đôi chân” cà kheo có khi dài tới cả 2 đến 3 mét để lội trên mặt nước đánh bắt hải sản, bất chấp sự xô đẩy của những con sóng biển ầm ào.


Đặc biệt, cặp chân cà kheo không chỉ là công cụ lao động độc đáo gắn bó với nghề cào nghêu, vớt rạm, mà từ lâu đời ngư dân ven biển đã đưa nó lên cạn thành một hoạt động giải trí trong các dịp lễ, tết mang đậm chất văn hóa dân gian. Trong không khí rộn ràng vui tươi ngày Tết cổ truyền của dân tộc được tháp mình đi trên đội chân cà kheo, những ngư dân thuần phác, khuya sớm tảo tần trên con sóng bạc đầu như thanh thoát tâm hồn, cao lớn hơn lên trong đời sống tầm thường, ích kỷ của thế giới đầy phức tạp.

Cà kheo - Nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển

Xúc tép bằng cà kheo (Ảnh Internet)

Ngày nay, trò diễn dân gian đi cà kheo được duy trì khá phổ biến từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc ra tận Nghi Xuân. Trong đó, đàn ông các xã vùng biển biết cách đi cà kheo rất thuần thục từ khi còn rất nhỏ. Chính vì vậy, với đôi cà kheo vốn là công cụ lao động ấy, họ có thể vừa làm công việc đánh bắt hải sản cho cuộc mưu sinh hàng ngày, lại vừa biến chúng thành “đạo cụ” cho những màn biễu diễn kỹ thuật trên sân khấu trong những lễ hội truyền thống của địa phương.


Trò thi diễn cà kheo mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của các cộng đồng cư dân nơi vùng chân sóng biển. Ngày nay không chỉ cư dân vùng biển, trò chơi dân gian thi diễn cà kheo đã được phát triển lan tỏa đến tận các địa phương cư dân vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn quốc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Và đặc biệt, Trò thi diễn cà kheo đã trở thành một thú chơi giải trí thiết thực, rất gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các địa phương trong tỉnh khi mỗi độ tết đến, xuân về.


Nhiều lễ hội văn hóa trên địa bàn tỉnh ta hiên nay như các Lễ hội Kỳ phúc Lục ngoạt – Thạch Trị, lễ hội đền Bích Châu – Kỳ Hải; Lễ hội đền Lê Khôi- Thạch Hà (vào khoảng trung tuần tháng 3 âm lịch) và lễ hội Cầu Ngư – Cẩm Nhượng…thường không thể thiếu trò thi diễn cà kheo. Thông thường sau phần lễ, các họat động giao lưu đời sống tinh thần được diễn ra rất sôi động ở phần hội như thi đấu thể thao, các trò chơi văn hoá dân gian truyền thống ca hát dân ca, đi cầu Kiều, chọi gà, vật, thả diều và trong đó, trò thi diễn cà kheo vẫn luôn được coi là một trong những trò vui chơi, giải trí hấp dẫn người xem. Từ già trẻ, gái, trai, nam thanh nữ tú đến các tiểu mục đồng quê lúa, đất khoai cũng rất khoái tham gia trò đi cà kheo như mê hồn trận.


Vốn là một người con được sinh ra từ miền biển, hồi còn bé tôi cũng đã từng theo chân ông nội đi xem một số lễ hội văn hóa dân gian ở các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Ninh… được xem các nam thanh, nữ tú trong làng thi diễn cà kheo rất thích thú. Tôi thầm nghĩ, sao mọi người lại tài thế? Họ tự đi được trên đôi cặp tre cao ngồng nghềnh với những động tác diễn, múa rất nghệ thuật mà không bị ngã. Sau này lớn lên, cứ mỗi năm về quê ăn tết, được xem các đội kheo thi nhau diễn trò và múa rồng, múa lân trên những cặp kheo cao ngất ngễu thật tài nghệ, tôi vẫn không quên những câu hỏi tò mò ngây thơ, ngộ nghĩnh buồn cười của cái thời trẻ con.


Thành đạo cụ văn hóa dân gian


Dịp tết năm ngoái, về thăm anh bạn anh Nguyễn Xuân Thành, quê ở Cẩm Nhượng, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện thân mật với một lão ngư của làng Gò Nhượng Bạn và được nghe kể về trò diễn dân gian đi cà kheo ngày tết thật thú vị. Đó là ông Nguyễn Văn Lô, xóm làng Gò, xã Cẩm Nhượng. Bước vào độ tuổi gần 80, nhưng lão ngư già làng có biệt tài đi cà kheo trông vẫn rất khỏe khoắn với nước da ngăm đen bóng lộn, màu đặc trưng của ngư dân vùng biển. Vuốt nhẹ chòm râu bạc phơ màu sóng biển, hướng tầm mắt về phía khơi xa, già Lô kể: nỏ biết trò đi cà kheo được hình thành từ thủa mô, nhưng khi tôi lớn lên, thấy ngư dân khu vực xã Cẩm Nhượng đã biết dùng cà kheo đi dọc theo bãi biển cào ngao,vớt rạm. Cà kheo xưa là một dụng cụ mưu sinh gắn liền với các ngư dân miền biển và cặp chân tre nẹp gỗ ấy(cà kheo) đã cuốn hút tôi cả một thời trai trẻ.


Cà kheo làm bằng tre hoặc trúc già, cao khoảng 1,5m – 2m, thân thẳng, đặc, chịu lực tốt, có chỗ đặt chân và nén kheo. Nén kheo đeo ở đầu gối để giữ kheo và phải có độ co giãn để tránh làm trầy xước kheo chân. Để đi được trên cà kheo, đòi hỏi người sử dụng phải có một sự khéo léo nhất định. Người đi kheo chủ yếu tự điều chỉnh theo nguyên tắc vật lý thăng bằng. Biểu diễn cà kheo đòi hỏi phải có năng khiếu, thể lực, lòng đam mê và sự kiên trì. Trong khi tập luyện, nếu không nắm vững kỹ thuật, khi ngã, rất dễ xảy ra chấn thương. Gặp nền đất cứng, đi cà kheo rất nguy hiểm, đòi hỏi phải khổ công luyện tập.

Cà kheo - Nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển

Thi nhau về đích

Cứ vào dịp lễ hội cầu ngư đầu năm chúng tôi và thanh niên trong làng lại náo nức thi nhau sắm cho mình một cặp kheo thật thẳng, cứng cáp và cố chau chuốt, gọt đẽo thật trơn tru để khi đi trên kheo không bị trầy xước gia chân, rồi tụ nhau tập dượt đội hình cả đêm rất thích và cuộc thi diễn cà kheo này thường được tổ chức ngay tại bãi biển. Người chơi có thể chia làm hai đội, mỗi bên có thể khoảng mươi lăm người, trang phục áo từ thân dài đỏ hoặc vàng, khăn đai đầy đủ, có người chỉ huy cầm trịch, điều khiển đội hình. Quy cách thi đấu với nhau ban đầu chỉ được tổ chức đơn giản theo hình thức thi chạy. Đội nào về đích nhanh mà không bị ngã kheo, hoặc ngã kheo ít hơn thì sẽ giành phần thắng.


Sau này trò chơi thi diễn cà kheo được nâng cấp lên theo hình thức, quy mô tổ chức của lễ hội với sự kết hợp biểu diễn nghệ thuật làm xiếc múa lân, múa rồng có lồng âm thanh nhạc điệu truyền thống rất bài bản. Tiêu biểu, đội diễn cà kheo Nhượng Bạn được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán và lễ cầu ngư hàng năm còn có nhân vật chú tễu phụ họa dẫn đầu. Chú tễu cầm quạt, đi sau là múa lân, múa rồng rồi đánh trống, thổi kèn, đánh thanh la tạo nên một không khí rất sôi động đậm chất văn hóa dân gian truyền thống. Cũng từ lễ hội Cầu ngư, nghệ thuật biểu diễn cà kheo là nét đẹp văn hóa để cư dân vùng biển cửa Nhượng quảng bá hình ảnh tới mọi miền đất nước và góp phần thu hút khách du lịch.


Một mùa xuân mới lại cận kề. Những nam thanh nữ tú nơi miền chân sóng trên rẻo đất Lam Hồng lại náo nức vui hội thi diễn cà kheo với không khí vui tươi lành mạnh, khỏe khoắn. Đó là nét đẹp mang đậm chất văn hóa dân gian của người Hà Tĩnh đã từng đắm say lòng du khách muôn phương.


Quang Sáng

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP